Trung thu lấp lánh ánh đèn xưa...

Đã có những khoảng thời gian, các loại đèn nhấp nháy xanh đỏ rẻ tiền nhập lậu thống trị thị trường đồ chơi trung thu dành cho trẻ em. Nhưng giờ, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã tìm tòi, phục chế những mẫu đèn truyền thống cổ xưa. Trong đó có những mẫu đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, cầu kỳ như: đèn cá chép, đèn long ngư, đèn con cua… Mẫu đèn xưa được thêm những chi tiết mới trở nên tinh tế hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Những chiếc đèn xưa được làm tỉ mỉ, cầu kỳ đang trở lại trong mùa Trung thu.
Những chiếc đèn xưa được làm tỉ mỉ, cầu kỳ đang trở lại trong mùa Trung thu.

1. Trong xưởng làm đồ thủ công trên phố Đông Tác (quận Đống Đa, Hà Nội), Đoàn Thái Cúc Hương đang thử bộ phận cánh quạt của chiếc đèn kéo quân cỡ lớn, cao đến hơn 1 m.

Cúc Hương chưa từng làm chiếc đèn kéo quân lớn đến thế bao giờ, cánh quạt và các nhân vật để “kéo quân” cũng cồng kềnh hơn nên cô có đôi chút hồi hộp. Ngọn nến cỡ lớn tỏa sáng, hơi nóng bốc lên. Và rồi, cánh quạt bắt đầu quay chầm chậm quanh trục. Cúc Hương đã in các nhân vật trong bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” trên giấy dó, rồi cắt từng con mèo, con chuột ra để tạo thành các nhân vật. Nét mặt cô thợ thủ công trẻ rạng rỡ khi ngắm các nhân vật “chạy vòng quanh”.

Sinh ra, lớn lên ở ngoại thành Hà Nội, nhưng tuổi thơ của Đoàn Thái Cúc Hương hoàn toàn không có khái niệm về đèn kéo quân mỗi dịp Trung thu về. Đến khi biết ngày xưa ông bà từng chơi một loại đèn như thế, cô thấy trẻ em bây giờ thật thiệt thòi. Điều đó là động lực để cô tìm cách đưa đèn kéo quân trở lại.

Cúc Hương vốn là giáo viên tiếng Anh. Mê giấy dó nên chuyển sang làm các sản phẩm thủ công bằng giấy dó, nhiều nhất là các loại đèn. “Đèn kéo quân là một sản phẩm thủ công truyền thống. Nó cần mang những giá trị văn hóa của người xưa trên đó nhiều hơn là một món đồ chơi để mua vui trong chốc lát. Bởi thế, em đã suy nghĩ, khai thác những chất liệu truyền thống để đưa vào chiếc đèn. Khi thắp đèn lên, mọi người, nhất là trẻ em còn “nhìn” thấy, còn cảm nhận được nhiều câu chuyện văn hóa khác” - Cúc Hương chia sẻ.

Đèn kéo quân gồm các “quân” (nhân vật) ở bên trong, được thiết kế để khi đốt nến, hơi nóng khiến cánh quạt quay, kéo theo các nhân vật quay vòng tròn, in hình lên nền giấy bao quanh đèn. Cúc Hương chọn những chủ đề dân gian trong tranh Đông Hồ như bức “Vinh quy bái tổ”, “Thầy đồ cóc”… gắn với những câu chuyện về ý chí học hành; hay bức “Đám cưới chuột” là câu chuyện thâm thúy về xã hội để đưa vào tạo hình nhân vật cho đèn kéo quân. Phần trang trí bên ngoài đèn cũng được Cúc Hương đầu tư nhiều công sức.

Nhận thấy chất liệu giấy dó rất hợp với tranh khắc gỗ, cô quyết định tự làm các bản khắc gỗ để in trang trí trên đèn. Phần chân đèn được cô trang trí bằng họa tiết lấy từ chân những chiếc trường kỷ, phần vành đèn trên cùng, được trang trí mây và trăng, cũng khai thác từ hoa văn truyền thống. Phần lồng đèn là kỳ công nhất, phải mất hai tuần ròng rã cô mới làm được một bản khắc gỗ về hoa sen ưng ý.

Không rực rỡ, màu mè như những chiếc đèn thường thấy trên thị trường, chiếc đèn kéo quân của Cúc Hương rất khác biệt. “Khi thắp đèn lên, câu chuyện không chỉ là món đồ chơi trung thu, mà người ta còn cảm nhận được nét đẹp của tranh khắc gỗ, nét đẹp của tranh giấy dó truyền thống… Đó là thông điệp em muốn gửi gắm trong mỗi chiếc đèn” - Cúc Hương cho biết. Mùa trung thu năm nay, các đơn hàng đến với Cúc Hương tới tấp khiến cô rất bận rộn.

2. Trung thu thuở xưa, có rất nhiều loại đèn cầu kỳ, mô phỏng những con vật như: Đèn cá chép, đèn con thỏ, đèn bươm bướm…; hay tinh tế, phức tạp như chiếc đèn con cua, đèn cá chép hóa rồng… Chiến tranh, rồi cuộc sống khó khăn khiến chúng chìm vào quên lãng. Ở đầu kia của đất nước, tại Thành phố Hồ Chí Minh, giống như Cúc Hương (và cũng sinh năm 1992), có một bạn trẻ cũng ngỡ ngàng khi nhìn thấy bức hình trẻ em bên những đồ chơi trung thu cách đây non một thế kỷ. Đó là nhà thiết kế Nguyễn Thị Kim Thủy.

Vốn am hiểu về văn hóa truyền thống Việt, nhưng Kim Thủy vẫn bất ngờ khi người Việt từng có những chiếc đèn đẹp đến thế. Kim Thủy cho biết: “Làm nghề thiết kế nên chỉ nhìn chiếc đèn là mình hiểu sự tinh tế, tỉ mỉ và khéo léo. Ngay khi nhìn thấy những chiếc đèn đó, mình muốn tìm lại những nét đẹp xưa để đem đến hôm nay, để mọi người hiểu rằng sự cẩn thận, khéo léo còn là căn tính của người Việt. Những khó khăn trong cuộc sống khiến chúng ta quên đi phần nào, nhưng giờ là lúc cần nhìn lại để hiểu rõ hơn”.

Không biết phải bắt đầu từ đâu, vì những chiếc đèn cổ xưa còn lại đến hôm nay đều nằm ở… bảo tàng nước ngoài, Kim Thủy căn cứ vào những bức ảnh tìm được, hay những bức tranh về các nghề thủ công của Henry Oger (nhà Đông phương học người Pháp, tác giả cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam”) hồi đầu thế kỷ 20. Sau thử nghiệm đầu tiên với chiếc đèn “Vọng nguyệt” với hình tròn đơn giản, Kim Thủy bắt đầu nghiên cứu những chiếc đèn có cấu tạo phức tạp hơn. Phần tốn công nhất là tạo ra bộ khung đèn.

Nhờ học chuyên ngành Thiết kế nội thất (Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh) nên Kim Thủy có thể vẽ phác thảo bộ khung cho chiếc đèn cá chép. Sau khi dựng trên bản vẽ thì bắt đầu thử nghiệm dựng trên thực tế. Cô quyết định dùng chất liệu tre trúc truyền thống thay vì chất liệu hiện đại. Những chiếc vây cá uốn lượn nhiều nhịp là công đoạn khó nhất. Phải chọn thanh trúc bánh tẻ, chuốt mảnh, hơ lửa để uốn tạo hình. Có những lúc uốn xong phần này thì lại bị gãy phần khác. Từ dựng trên bản vẽ cho đến lúc hoàn thành bộ khung cá chép phải mất đến mấy tháng. Hoàn thành bộ khung xong thì tiến hành dán thử giấy bóng. Nhiều khi dán xong lại phải dỡ ra làm lại, vì thấy tỷ lệ các bộ phận đầu, vây… chưa cân đối như hình ảnh xưa.

Hoàn thành mẫu long ngư, Kim Thủy bắt đầu chuyển sang mẫu con cua. Mẫu con cua khó hơn, nhưng do có kinh nghiệm từ dựng mẫu long ngư nên cô chỉ mất gần bốn tháng là dựng xong. Để dựng khung của đèn con cua, cô cùng cộng sự phải làm 76 thanh trúc, uốn, chắp nối chúng lại với nhau.

Chỉ từng ấy thôi là đủ hiểu công việc tỉ mỉ, kỳ công đến mức nào. Dựng khung xong thì dán giấy bóng kính các màu sắc. Căng, dán một chiếc đèn như long ngư hay con cua mất khoảng bốn đến sáu tiếng đồng hồ. Nếu không cẩn thận trong quá trình làm thì sẽ rách giấy hay để lại nếp nhăn, phải làm lại và ảnh hưởng đến công đoạn tiếp theo. Cuối cùng, khâu hoàn thiện sản phẩm, các bạn vẽ thủ công tất cả các chi tiết. Quá trình này cũng mất hàng chục tiếng đồng hồ với những chiếc đèn cỡ lớn. Sau khi hoàn thành, Kim Thủy tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu rồi mới chính thức đưa ra thị trường.

Bốn năm nghiên cứu, phục dựng đèn trung thu, từ một nhà thiết kế nội thất, Kim Thủy chuyển hẳn sang làm đèn. Đam mê của cô lan tỏa sang chồng là anh Nguyễn Hoàng Sơn - cũng là một nhà thiết kế. Hai vợ chồng quyết định thành lập nhóm “Khởi đăng tác khí”, chuyên phục dựng, sản xuất các loại đèn cổ. “Khởi đăng tác khí” lấy cảm hứng từ thành ngữ “Nhất cổ tác khí” (tiếng trống làm tinh thần phấn chấn lên). Hai vợ chồng mong muốn những chiếc đèn của mình sẽ góp phần làm sống dậy tình yêu văn hóa truyền thống Việt.

Nhiều người ngạc nhiên khi ngắm chiếc đèn của nhóm “Khởi đăng tác khí” được treo lên rồi thắp sáng. Con cua “tám cẳng, hai càng” khổng lồ mầu đỏ cam tỏa sáng, rung rinh trong gió, những chiếc chân, những chiếc diềm mai sống động đung đưa khiến chúng như đang “bơi”. Chiếc đèn “long ngư” (cá chép hóa rồng) có phần đầu mạnh mẽ khi đã “hóa rồng” còn phần đuôi lại có sự mềm mại của một con cá chép. Các nhà thiết kế “tỉa” tỉ mỉ từng chiếc vây, hay chế tác chiếc đuôi uyển chuyển như cánh bướm…

Những chiếc đèn có giá khá cao, nhưng hai vợ chồng Nguyễn Hoàng Sơn-Nguyễn Thị Kim Thủy cùng các nhân viên ngày nào cũng căng mình ra làm việc khi mùa trung thu đến gần. Kim Thủy cho biết thêm: “Mình rất vui vì các nhà nghiên cứu đều có phản hồi tích cực. Thị trường cũng chấp nhận sản phẩm. Qua đây, mọi người sẽ hiểu thêm về đẳng cấp của văn hóa Việt”.

3. Đã có những khoảng thời gian, các loại đồ chơi hiện đại, hoặc những đồ chơi điện tử “nhái” theo mẫu đồ chơi truyền thống tràn ngập thị trường. Nhiều đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, đèn lồng, những chiếc mặt nạ giấy bồi, chiếc trống… nằm phủ bụi ở góc khuất trên các sạp hàng đồ chơi. Có người nuối tiếc “Trung thu xưa” và thở dài cho “Trung thu nay”.

Tưởng chừng, khó có lúc nét đẹp xưa trở lại. Nhưng mấy năm trở lại đây, đồ chơi trung thu truyền thống đang trở lại. Những con phố chuyên bán đồ chơi trung thu ngày càng nhiều loại đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân… được làm theo phương thức truyền thống. Điều đặc biệt, lâu nay, đồ chơi trung thu thường gắn với nghệ nhân các làng nghề thì bây giờ, nhiều bạn trẻ đã bắt tay vào tìm tòi, khám phá để phục chế, nhất là những mẫu đèn thể hiện sự tinh tế, cầu kỳ.