Trung Quốc và Thái Lan với nỗ lực nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ

NDO - Tăng cường sàng lọc trước hôn nhân và khi mang thai, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, nâng cao chất lượng giấc ngủ, nhất là đầu tư mạnh cho thể dục, thể thao trong trường học và ngoài cộng đồng là các yếu tố chính trong chính sách nâng cao chất lượng dân số.

TRUNG QUỐC

Những năm qua, Trung Quốc đã đạt tiến bộ đáng kể trong cải thiện chiều cao và thể trạng dân số. Bằng chứng rõ nét là, trong vòng 35 năm, chiều cao trung bình của nam ở độ tuổi 19 đã tăng gần 9cm, đứng số 1 trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; mức tăng của nữ đạt 6cm, đứng thứ 3 trên thế giới.

Trung Quốc và Thái Lan với nỗ lực nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ ảnh 1

Ba cha con chơi đùa ở ngoại ô Thượng Hải, Trung Quốc ngày 3/6/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo kết quả điều tra về thể chất và sức khỏe học sinh toàn quốc lần thứ 8 (năm 2021), tỷ đạt tiêu chuẩn từ khá trở lên về sức khỏe thể chất của học sinh Trung Quốc đã tăng đáng kể, các chỉ số chiều cao, cân nặng, vòng ngực cũng như các yếu tố sức bền, sức mạnh, tốc độ và sức chịu đựng ở các nhóm tuổi khác nhau đều có xu hướng tăng đối với cả nam và nữ.

Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng là việc học sinh được tham gia tích cực, đều đặn, khoa học vào các hoạt động thể thao đa dạng ở trường học.

Trong vòng 35 năm, chiều cao trung bình của nam ở độ tuổi 19 đã tăng gần 9cm, đứng số 1 trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; mức tăng của nữ đạt 6cm, đứng thứ 3 trên thế giới.

Kết quả này là do các chính sách nâng cao chất lượng dân số, như tăng cường sàng lọc trước hôn nhân và khi mang thai, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, nâng cao chất lượng giấc ngủ, nhất là đầu tư mạnh cho thể dục, thể thao trong trường học và ngoài cộng đồng với hạ tầng đồng bộ, rộng khắp, hình thành phong trào rèn luyện thân thể, nâng cao thể trạng, nhất là trong thanh thiếu niên.

Cương yếu quy hoạch xây dựng "Trung Quốc khỏe mạnh 2030" do Trung ương Đảng và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc ban hành năm 2016 đã đưa thanh thiếu niên vào nhóm đối tượng đặc thù cần phải triển khai chương trình can thiệp sức khỏe thể chất.

Theo đó, xác định nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động thể dục, thể thao trong thanh thiếu niên, bồi dưỡng sở thích và thói quen thể dục, thể thao để cơ bản hiện thực hóa mục tiêu mỗi thanh thiếu niên thành thục kỹ năng của 1 môn thể thao trở lên, đồng thời bảo đảm thời gian hoạt động thể thao hằng ngày của mỗi học sinh, sinh viên trong trường không ít hơn 1 giờ.

Trung Quốc và Thái Lan với nỗ lực nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ ảnh 2

Bữa trưa của học sinh Trường trung học thực nghiệm Minhang (Trung Quốc) trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, ngày 1/12/2020. (Ảnh: Reuters)

Văn bản trên cũng đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như: đến năm 2030, tỷ lệ bố trí địa điểm và trang thiết bị phục vụ thể dục, thể thao đạt tiêu chuẩn ở các trường học đạt 100%, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động thể thao cường độ trung bình trở lên ít nhất 3 lần/tuần; tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt yêu cầu ở mức xuất sắc so với tiêu chuẩn sức khỏe thể chất đạt hơn 25%.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là việc học sinh được tham gia tích cực, đều đặn, khoa học vào các hoạt động thể thao đa dạng ở trường học.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài việc đầu tư cho hạ tầng phục vụ thể thao, các trường học ở Trung Quốc coi giáo dục thể chất là một phần quan trọng trong công tác dạy học, tăng khung giờ rèn luyện thể thao (trước, sau và giữa các môn học khác), đa dạng hóa sự lựa chọn để kích thích, tạo động lực cho học sinh, ngoài các môn truyền thống như điền kinh, bóng đá, bóng bàn, nhảy dây, còn bố trí các môn mới lạ, hấp dẫn như bóng bầu dục, trượt tuyết, võ truyền thống… để giúp thanh thiếu niên tìm có được niềm vui trong rèn luyện thể thao, tăng cường thể chất, hoàn thiện nhân cách và rèn luyện ý chí, nghị lực.

Trung Quốc và Thái Lan với nỗ lực nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ ảnh 3

Tiết học thể dục của học sinh trung học tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, năm 2020. (Ảnh: Reuters)

THÁI LAN

Theo kết quả cuộc Khảo sát kiểm tra sức khỏe quốc gia lần thứ 5 được tiến hành năm 2014, trong số các trẻ em từ 1 đến 14 tuổi ở Thái Lan, có khoảng từ 3,5% trẻ em bị còi cọc. Số trẻ em bị thừa cân và béo phì cũng ở mức cao với tỷ lệ lần lượt là 5,9% và 7,0%.

Hơn 50% trẻ em gặp tình trạng mất cân bằng các chất dinh dưỡng đa lượng, không được cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A, vitamin D, sắt, i-ốt và canxi. Điều này đã gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe khác nhau cho các em.

Để bảo đảm các thế hệ trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và quá trình phát triển thể chất sau này, từ đầu những năm 1990, Chính phủ Thái Lan đã triển khai các chương trình cung cấp bữa trưa và sữa uống hằng ngày cho học sinh tại các trường học trên cả nước.

Trung Quốc và Thái Lan với nỗ lực nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ ảnh 4

Từ đầu những năm 1990, Chính phủ Thái Lan đã triển khai các chương trình cung cấp bữa trưa và sữa uống hằng ngày cho học sinh tại các trường học trên cả nước. (Ảnh: Bangkokpost)

Năm 1992, Ủy ban Chiến dịch uống sữa quốc gia Thái Lan bắt đầu khởi xướng chương trình Sữa học đường và triển khai thí điểm tại một số khu vực ở thủ đô Bangkok và tỉnh Chiang Mai.

Theo đó, các bậc phụ huynh sẽ được mua sữa với mức giá thấp hơn 25% so với giá thông thường bằng các phiếu mua sữa được phát cho các học sinh ở bậc mẫu giáo và tiểu học hằng tháng.

Sau một thời gian, chương trình dần dần được mở rộng. Đến nay, tất cả các học sinh tại các trường công được cung cấp 200ml sữa miễn phí trong suốt 200 ngày theo lịch học cùng với 30 ngày nghỉ lễ.

Theo quy định của Chính phủ Thái Lan, loại sữa dùng để cung cấp cho các em học sinh là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng. Cả nước được chia thành 3 vùng, theo đó học sinh ở mỗi vùng sẽ được cung cấp sữa có nguồn gốc và được chế biến ở vùng đó. Loại sữa cung cấp cho các em cũng phải có chứng nhận của Bộ Công nghiệp, chứng nhận an toàn thực phẩm và sử dụng nguyên liệu trong nước.

Tiếp đó, đến năm 1999, Chính phủ Thái Lan bắt đầu triển khai chính sách cung cấp bữa trưa miễn phí tại các trường học với mục tiêu kiềm chế tình trạng suy dinh dưỡng và hỗ trợ sự phát triển của trẻ em. Các trường học trên cả nước được phân bổ một khoản kinh phí để cung cấp bữa trưa phù hợp cho tất cả học sinh với mức giá 20 bạt/học sinh. Trong đó bao gồm 15 bạt tiền nguyên liệu thực phẩm và số còn lại được dành để trả phí nhân công nấu nướng và chuẩn bị.

Trung Quốc và Thái Lan với nỗ lực nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ ảnh 5

Học sinh của Trường Wat Makut Kasattriyaram tại Bangkok (Thái Lan) xếp hàng để nhận bữa trưa. (Ảnh: Patipat Janthong)

Để bảo đảm các bữa ăn của học sinh có đầy đủ chất dinh dưỡng, Thái Lan đã đưa ra Tiêu chuẩn bữa trưa cho trẻ em Thái để giúp các trường có thể lên thực đơn phù hợp cho bữa trưa của các em. Năm 2013, một nền tảng trực tuyến có tên là Thai School Lunch đã được ra mắt để giúp các trường học dễ dàng hơn trong việc sắp xếp thực đơn bữa trưa theo đề xuất và chi phí.

Ngoài chủng loại, số lượng và chi phí cần thiết cho mỗi nguyên liệu, nền tảng này còn cung cấp thông tin về hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi thực đơn được lựa chọn. Nó sẽ giúp các trường đánh giá giá trị dinh dưỡng và chi phí lập thực đơn theo thời gian thực, mang lại sự linh hoạt và thuận tiện hơn trong việc lên thực đơn của các trường.

Theo số liệu được công bố năm 2019, mỗi năm Chính phủ Thái Lan dành khoảng hơn 16 tỷ bạt cho việc cung cấp bữa trưa cho các học sinh. Kể từ năm 2001, ngân sách dành cho bữa trưa của học sinh tại các trường được phân bổ thông qua các cơ quan chính quyền địa phương.

Theo tiêu chuẩn mới, chiều cao trung bình trong giai đoạn 2021-2026 của nam giới Thái Lan sẽ là 175cm và 162cm đối với nữ giới. Đến năm 2036, Thái Lan phấn đấu sẽ đưa chiều cao trung bình của nam giới lên 180cm và nữ giới lên 170cm.

Sau 30 năm triển khai, các chương trình nâng cao dinh dưỡng cho học sinh ở Thái Lan đã thu được những kết quả rất đáng khả quan. Chiều cao và cân nặng của người Thái Lan đã tăng đáng kể. Bộ Y tế Thái Lan năm 2021 đã nâng tiêu chuẩn về chiều cao của trẻ em, nam giới và phụ nữ do thế hệ trẻ Thái Lan hiện nay đã phát triển vượt các tiêu chuẩn trước đây cả về chiều cao và cân nặng.

Theo tiêu chuẩn năm 1995, chiều cao trung bình của người Thái ở độ tuổi 19 là 165cm đối với nam giới và 159cm đối với nữ giới. Theo tiêu chuẩn mới, chiều cao trung bình trong giai đoạn 2021-2026 của nam giới Thái Lan sẽ là 175cm và 162cm đối với nữ giới. Đến năm 2036, Thái Lan phấn đấu sẽ đưa chiều cao trung bình của nam giới lên 180cm và nữ giới lên 170cm.

back to top