Từ hơn 1 tháng nay, thời tiết nắng nóng liên tục ảnh hưởng đến miền nam Trung Quốc, trong đó nhiều khu vực như Tứ Xuyên, Giang Nam duy trì nhiệt độ cao trên 35 độ C trong thời gian hơn 15 ngày, thậm chí có nơi hơn 20 ngày. Vốn mưa nhiều vào mùa hè, nhưng do thời tiết cực đoan nắng nóng, ít mưa, cả một khu vực rộng lớn từ bồn địa Tứ Xuyên đến trung hạ lưu Trường Giang đang hứng chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng, có nơi đạt tới mức đặc biệt nghiêm trọng.
Tính đến ngày 21/8, Đài Khí tượng trung ương (Trung Quốc) đã liên tiếp 10 ngày ra cảnh báo màu đỏ, mức cao nhất về nhiệt độ cao, thời tiết nắng nóng bao phủ hầu khắp miền nam. Trong đó, các địa phương như An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Trùng Khánh duy trì nhiệt độ từ 35-39 độ C, một số nơi vượt ngưỡng 40 độ C.
Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, có gần 200 trạm quan trắc khí tượng ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C, trong đó có 65 trạm khí tượng ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử.
Theo dự báo, trong các ngày tới, thời tiết nắng nóng còn tiếp diễn, phạm vi các vùng nhiệt độ trên 40 độ C tiếp tục mở rộng, dẫn đến tình trạng hạn hán nghiêm trọng hơn ở các địa phương. Phải đến ngày 26/8, khi một luồng không khí lạnh di chuyển xuống phía nam, lượng mưa tăng lên, thời tiết mới có thể dịu bớt.
Trước tình trạng nắng nóng và hạn hán dài ngày, nhiều địa phương Trung Quốc đứng trước nguy cơ thiếu nước và điện cho sinh hoạt và sản xuất.
Chính quyền các địa phương đã khởi động phương án ứng phó tình trạng khẩn cấp, sử dụng nguồn nước dự trữ tại các hồ đập, huy động nhiều thiết bị, đường ống dẫn nước, kịp thời đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, cũng như tưới tiêu cho đồng ruộng.
Để ứng phó tình trạng thiếu điện, nhất là điện sinh hoạt, các địa phương như Tứ Xuyên, Trùng Khánh đã yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng tạm ngừng sản xuất, để bảo đảm nhu cầu sử dụng điện của người dân trong thời tiết nắng nóng.
Các thiết bị chiếu sáng công cộng được giảm thời gian và công suất hoạt động, điều hòa phải được điều chỉnh ở mức trên 27 độ C để tiết kiệm điện. Hàng trăm xe phát điện lưu động được triển khai, để bổ sung cho nguồn điện đang suy giảm nghiêm trọng do hạn hán, thiếu nước tại các nhà máy thủy điện.
Giải cứu người dân bị mắc kẹt do mưa lũ ở tỉnh Liêu Ninh. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Trong khi đó, khu vực miền bắc vốn ít mưa, lại đang hứng chịu những trận mưa lớn, dẫn đến ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về con người và tài sản.
Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, các khu vực Tây Bắc và Hoa Bắc liên tục có mưa lớn, trong đó các địa phương như Cam Túc, Nội Mông Cổ, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Bắc ghi nhận lượng mưa gấp 2-3 lần mọi năm. Dự báo các ngày tới, các khu vực trên vẫn còn mưa lớn, kèm theo các hiện tượng thiên tai như lũ quét, sạt lở đất.
Ngày 18/8, mưa lớn bất thường đã gây nên vụ sạt lở đất và lũ quét đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Đại Thông, tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc làm 25 người chết, 6 người mất tích; hơn 3.000 người dân địa phương phải sơ tán, di dời do mất nhà cửa; hơn 1.500 người thuộc các lực lượng được điều động tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Đến ngày 20/8, một số người dân bị ảnh hưởng nhẹ đã trở về nhà, các hoạt động sản xuất và đời sống được khôi phục trở lại.
Vật tư cứu hộ cung cấp cho người dân chịu thiệt hại trong lũ quét ở tỉnh Thanh Hải. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Tại các nơi chịu ngập lụt do mưa lớn kéo dài, chính quyền địa phương xây dựng phương án thoát nước đồng ruộng, tổ chức người dân tham gia nạo vét, khơi thông các kênh thoát nước, huy động hàng nghìn máy móc thiết bị để tiêu thoát nước cho khu vực bị ngập úng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất và đời sống người dân.