Trung Quốc phóng tàu vũ trụ chở phi hành đoàn đầu tiên lên trạm không gian mới

NDO -

Sáng 17-6, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ đưa ba phi hành gia lên trạm không gian mới của nước này.

Lễ tiễn ba phi hành gia lên trạm không gian mới tại bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi ở Tây Bắc Trung Quốc ngày 17-6. Nguồn: THX/TTXVN.
Lễ tiễn ba phi hành gia lên trạm không gian mới tại bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi ở Tây Bắc Trung Quốc ngày 17-6. Nguồn: THX/TTXVN.

Đây là sứ mệnh thứ 3 trong tổng số 11 sứ mệnh mà Cơ quan Vũ trụ quốc gia của Trung Quốc phải hoàn thành trước cuối năm nay để xây dựng trạm không gian mới và cũng là sứ mệnh có phi hành đoàn đầu tiên của nước này trong gần 5 năm qua.

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), tàu vũ trụ Thần Châu 12 được phóng đi bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi ở Tây Bắc Trung Quốc.

Các phi hành gia sẽ làm việc trên trạm không gian Thiên Cung trong ba tháng, thực hiện nhiều nhiệm vụ trong và ngoài cabin bao gồm sửa chữa và bảo trì, chuyển đổi thiết bị và thí nghiệm khoa học.

Trong thời gian sống và làm việc ở trạm, các phi hành gia được cung cấp thực đơn phong phú với 120 món ăn khác nhau. Họ cũng có "máy chạy bộ không gian" để rèn luyện thể lực.

Trước đó, ngày 29-4, Trung Quốc đã phóng module lõi trạm không gian của nước này lên vũ trụ, mở đường cho một loạt sứ mệnh quan trọng tiến tới hoàn tất việc xây dựng trạm Thiên Cung vào cuối năm 2022.

Căn cứ quy hoạch xây dựng trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc, trong năm 2021 và 2022 nước này thực hiện 11 lần phóng tên lửa để đưa module lõi của trạm không gian, tàu vũ trụ có người lái, tàu vũ trụ chở hàng lên không gian.

Dự kiến, đến năm 2022 nước này sẽ hoàn tất việc xây dựng và đưa vào vận hành trạm không gian Thiên Cung nặng 100 tấn và có không gian tối đa cho 3 nhà khoa học làm việc lâu dài.

Thiên Cung sẽ hoạt động trong quỹ đạo thấp của Trái đất và ở độ cao từ 340-450km so với mặt đất. Đây là trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc hoạt động dài ngày trên quỹ đạo địa tĩnh.

Trạm Thiên Cung được thiết kế có hình chữ T với ba phần gồm một module lõi ở trung tâm và hai phòng thí nghiệm ở hai bên, có thời gian vận hành 15 năm. Module lõi Thiên Hòa dài 16,6m, đường kính 4,2m, là nơi các phi hành gia sống và kiểm soát toàn bộ trạm từ bên trong.

Trong khi đó, hai phòng thí nghiệm sẽ là nơi tiến hành các thí nghiệm khoa học.

Sau khi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2025, trạm Thiên Cung của Trung Quốc sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong không gian.

Điều này đồng nghĩa Trung Quốc có thể trở thành quốc gia duy nhất sở hữu trạm không gian có người hoạt động thường xuyên xung quanh Trái đất.