Trung Quốc có 220 triệu học sinh phổ thông các cấp. Nếu mỗi học sinh sử dụng 15 quyển sách giáo khoa cho mỗi năm học, thì có nghĩa là tất cả các học sinh Trung Quốc sẽ sử dụng hơn 3 tỷ quyển sách giáo khoa mỗi năm, tương đương với 550 nghìn tấn giấy, hoặc khoảng 11 triệu cây lấy gỗ sản xuất giấy.
Một quy định mới – “Cả nước khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa” – vừa được đưa vào Luật Giáo dục Bắt buộc sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 9 năm ngoái. Nếu tính trung bình mỗi quyển sách giáo khoa có giá 15 nhân dân tệ (1,9USD), đất nước có thể tiết kiệm hơn 45 tỷ nhân dân tệ bằng cách sử dụng lại ba tỷ cuốn sách giao khoa cho mỗi năm học, hoặc 225 tỷ nhân dân tệ nếu số sách giáo khoa này có thể được sử dụng lại trong năm năm liên tiếp.
Các trường học ở một số vùng của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm việc sử dụng lại sách giáo khoa, nhưng việc mở rộng áp dụng chính sách mới này gặp khó khăn. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:
Thứ nhất, sách giáo khoa tại Trung Quốc thường xuyên được sửa đổi nội dung. Các sách giáo khoa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở chỉ được phân phối bởi các hiệu sách Tân Hoa xã. Sách giáo khoa mỗi năm đều có thay đổi nhỏ về nội dung, và sự thay đổi này thường không được thông báo cho tới khi sách giáo khoa được phân phối. Bên cạnh đó, cải cách gần đây về chương trình giảng dạy làm tăng “sự đa dạng” về sách giáo khoa hiện có, điều này khiến việc sử dụng lại sách giáo khoa trở nên khó khăn hơn.
Thứ hai, một số phụ huynh không quyết tâm muốn con em mình sử dụng lại sách giáo khoa. Nhiều phụ huynh tin rằng họ có thể mua những quyển sách giáo khoa mới ngay cả khi họ không giàu có. Nhiều phụ huynh lại không muốn để con em của họ sử dụng sách giáo khoa cũ. Nhìn chung, họ sẵn sàng trả tiền mua những quyển sách giáo khoa mới tinh cho mỗi học kỳ.
Thứ ba, việc sử dụng lại sách giáo khoa rõ ràng sẽ làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất bản. Sách giáo khoa cho các môn học bắt buộc mang lại thu nhập khoảng 30 tỷ nhân dân tệ cho các công ty này mỗi năm. Ngay cả khi một nửa số sách giáo khoa cần có trong một năm được sử dụng lại, thì lợi nhuận của các nhà xuất bản và các công ty phân phối cũng bị giảm một nửa, tức là còn 15 tỷ nhân dân tệ.
Các trường học cũng ngại áp dụng quy định sử dụng lại sách giáo khoa bởi vì họ sẽ phải tốn tiền của và sức lực để làm việc này.
Tất cả các bên liên quan phải cùng nhau giải quyết những khó khăn này. Toàn xã hội cần bỏ thói quen không muốn sử dụng sách giáo khoa cũ. Chính phủ Trung quốc nên bắt buộc các trường tiểu học và trung học cơ sở sử dụng lại sách giáo khoa, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất việc sửa đổi nội dung sách giáo khoa. Các trường học nên ủng hộ chính sách này bằng cách phục hồi những quyển sách giáo khoa cũ để chúng có thể được sử dụng lại một cách tin cậy.