Trung Quốc: Khủng hoảng nợ 'bào mòn' lợi nhuận ngành ngân hàng

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của năm ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc sẽ là cơ sở để đưa ra nhận định về triển vọng lợi nhuận trong ngắn hạn của lĩnh vực ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản và các biện pháp kích thích nền kinh tế được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng lớn ở nước này.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay của năm ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc sẽ là cơ sở để đưa ra nhận định về triển vọng lợi nhuận trong ngắn hạn của lĩnh vực ngân hàng, cũng như triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo ước tính trung bình của Refinitiv, doanh thu của Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China Ltd) ước giảm 8,7% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Truyền thông (Bank of Communications Co Ltd) ghi nhận doanh thu giảm 9,2%, trong khi doanh thu của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China Ltd) ước tính giảm 4,2%. Cổ phiếu của 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đang trên đà giảm xuống kể từ đầu tháng Năm vừa qua trước những lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế.

Trong một báo cáo nghiên cứu, các chuyên gia phân tích của ngân hàng JPMorgan nhận định trong ngắn hạn, các ngân hàng đang đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có khả năng bị ảnh hưởng từ việc tái cơ cấu nợ của các công cụ tài trợ chính quyền địa phương (Local Government Financing Vehicles-LGFV) và tình trạng vỡ nợ của các công ty phát triển bất động sản.

Các LGFV lâu nay vẫn được coi là "bình ắc-quy" ngầm cung cấp năng lượng cho toàn bộ nền kinh tế, huy động vốn thông qua các đợt phát hành trái phiếu và sau đó lấy tiền tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Các chính quyền địa phương mắc nợ nhiều là một nguy cơ lớn đối với nền kinh tế và sự ổn định tài chính của Trung Quốc, sau nhiều năm đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng và lợi nhuận từ việc bán đất sụt giảm mạnh.

Các chuyên gia của JPMorgan ước tính chính phủ sẽ chịu trách nhiệm với khoảng 10% khối nợ đang gặp khó khăn trong việc trả lãi, và sau đó các ngân hàng sẽ xử lý hoặc tái cơ cấu khối nợ còn lại. Theo ước tính của JPMorgan, điều này có thể sẽ khiến chi phí tín dụng tăng khoảng 4 điểm cơ bản và giảm biên lãi ròng của các ngân hàng khoảng 6 điểm cơ bản vào năm 2025.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Christopher Beddor, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu Trung Quốc của Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết các ngân hàng sẽ không chỉ phải giải quyết tình trạng vỡ nợ mà còn phải tái cơ cấu các khoản vay, đồng nghĩa với việc tiền lãi thu được sẽ giảm xuống trong những năm tới.

Chuyên gia này nhận định: “Thách thức lớn nhất đến nay (của các ngân hàng) là biên lãi ròng”. Theo ông, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi một hoặc thậm chí là nhiều lần nữa, và phải hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế trong năm nay.

Đầu tuần này, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay kỳ hạn một năm, động thái được dự đoán sẽ gia tăng sức ép lên biên lãi ròng của ngân hàng. Biên lãi ròng của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã giảm mạnh xuống 1,74% trong quý trước từ mức 1,91% vào cuối năm 2022.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng Trung ương) lưu ý các ngân hàng cần duy trì một mức lợi nhuận và biên lãi ròng phù hợp để bảo đảm có thể hỗ trợ nền kinh tế lâu dài.