Chuyển đổi số toàn diện
Quy hoạch đề ra yêu cầu nâng cao tính tổng thể, hệ thống, hài hòa trong xây dựng "Trung Quốc số", thúc đẩy kết nối sâu giữa kinh tế số và kinh tế sản xuất, lấy chuyển đổi số để thúc đẩy biến đổi phương thức sản xuất, sinh hoạt và quản trị, tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp chấn hưng đất nước bằng con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.
Theo đó, mục tiêu là đến năm 2025, cơ bản hình thành bố cục thúc đẩy kết nối thông suốt, hài hòa và hiệu quả cả theo chiều dọc và chiều ngang. Trong đó, hạ tầng số kết nối hiệu quả, quy mô và chất lượng nguồn lực số được nâng cao nhanh chóng; giá trị các yếu tố dữ liệu được phát huy hiệu quả, tăng cường chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế số, trình độ số hóa và thông minh hóa trong hoạt động hành chính được nâng cao rõ rệt, xây dựng văn hóa số bước lên tầm cao mới, xã hội số hướng tới sự cá thể hóa, tiện lợi hóa cho đông đảo người dân, xây dựng văn minh sinh thái số đạt tiến triển tích cực, đổi mới công nghệ số có bước đột phá lớn, năng lực bảo đảm an toàn số được nâng cao toàn diện, hệ thống quản trị số ngày càng hoàn thiện, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực số mở ra cục diện mới.
Đến năm 2035, Trung Quốc sẽ đi đầu thế giới về mức độ phát triển công nghệ số, đạt thành tựu lớn trong xây dựng "Trung Quốc số", với hệ thống và bố cục khoa học, hoàn thiện hơn; phát triển số hóa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn minh sinh thái ngày càng hài hòa, đầy đủ, bảo đảm hiệu quả cho xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa.
Công nghệ số được áp dụng trong giám sát, quản lý ở khu công nghiệp hóa chất xanh thành phố Lan Châu. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Việc xây dựng "Trung Quốc số" được tiến hành theo bố cục "2 nền tảng" là hạ tầng số và hệ thống tài nguyên số; "5 yếu tố" được thúc đẩy kết nối sâu với công nghệ số là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái; "2 khả năng" tăng cường hệ thống đổi mới công nghệ số và hàng rào an ninh số; "2 môi trường" trong nước và quốc tế để tối ưu hóa phát triển theo định hướng số.
Việc xây dựng "Trung Quốc số" hướng tới tạo động lực thúc đẩy toàn diện phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, nền kinh tế số được hình thành với các ngành nghề số phát triển với chất lượng cao, các cụm công nghiệp số có sức cạnh tranh quốc tế; kinh tế số được đổi mới và ứng dụng trong các ngành nghề trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng...
Không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp số phát triển, Trung Quốc còn xác định đẩy mạnh xây dựng chính phủ số hiệu quả, hài hòa; văn hóa số phát triển; xã hội số thuận tiện và toàn diện; văn minh sinh thái số xanh, thông minh.
Thực tiễn địa phương
Những năm qua, các địa phương ở Trung Quốc đã đồng loạt đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Là 1 tỉnh miền núi với trình độ phát triển thấp hơn các địa phương khác, Cam Túc đã trở thành tỉnh đầu tiên tiến hành quy hoạch tổng thể và tích hợp hệ thống cấp tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử trong phạm vi cả nước.
Bắt đầu triển khai từ tháng 3/2021, tỉnh Cam Túc đã hình thành hệ thống công nghệ chính quyền số với đầy đủ các nền tảng ứng dụng, tất cả chỉ số xử lý trực tuyến được nâng cao rõ rệt, tăng cường khả năng tổng hợp và chia sẻ dữ liệu trong phạm vi toàn tỉnh.
Hiện nay, trên 98% dịch vụ công được xử lý trực tuyến, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp có thể xử lý hoàn toàn qua mạng, tra cứu thông tin đều được triển khai qua các ứng dụng và đường dây nóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Tại khu công nghiệp hóa chất xanh thuộc Khu mới thành phố Lan Châu, Ban quản lý đã sớm thực hiện số hóa toàn bộ các khâu quản lý để thu hút doanh nghiệp, hình thành chuỗi ngành nghề liên quan hóa chất, vật liệu mới.
Đại diện Ban quản lý cho biết, công nghệ số được ứng dụng vào cả 3 lĩnh vực chính là giám sát an ninh; bảo vệ môi trường thông minh và vận hành thông minh, góp phần “cá thể hóa” quản lý đối với doanh nghiệp, nhất là giám sát các nguy cơ về an toàn, ô nhiễm môi trường đối với các ngành nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chi nhánh cung ứng điện năng Mễ Tường Nhân ứng dụng mạnh công nghệ big data. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Bằng việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ dữ liệu lớn (big data), Chi nhánh cung ứng điện năng Mễ Tường Nhân thuộc Công ty Lưới điện quốc gia Trung Quốc, đã tiến hành giám sát phát thải carbon, góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu năng lượng, thực hiện "hai mục tiêu carbon" ở thành phố Bình Lương, tỉnh Cam Túc.
Với mô hình hợp tác chính quyền và doanh nghiệp "môi trường sinh thái+dữ liệu lớn điện lực", đơn vị này đã triển khai nền tảng số hóa giám sát phát thải bằng dữ liệu sử dụng điện, giúp cơ quan chức năng giám sát toàn thời gian đối với hơn 20 nghìn nguồn ô nhiễm chính, thúc đẩy bảo vệ và quản trị môi trường sinh thái tại địa phương.
Thông qua các công nghệ mới về khai thác và phân tích sâu dữ liệu, kết quả phân tích dữ liệu lớn liên quan điện lực ở các lĩnh vực, ngành nghề đã đẩy nhanh quá trình liên kết, chia sẻ dữ liệu lớn về môi trường sinh thái và ngành điện lực.
Chuyển đổi số được xác định như 1 cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Quy hoạch bố cục tổng thể xây dựng "Trung Quốc số" mới được ban hành, được coi như một cú huých góp phần định hướng quá trình này được triển khai một cách bài bài, tổng thể và hài hòa giữa các ngành nghề và địa phương ở Trung Quốc.