Cụ thể, quy hoạch nhằm đưa ra các định hướng chiến lược, mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chính sách nhằm tăng cường khả năng bảo đảm và vai trò bình ổn của nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Mục tiêu mà quy hoạch đưa ra là đến năm 2025, nền nông nghiệp Trung Quốc có nền tảng vững chắc, thúc đẩy toàn diện chiến lược chấn hưng nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn đạt được bước tiến quan trọng; thúc đẩy những khu vực có điều kiện cơ bản thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, những khu vực đã thoát nghèo kết hợp hiệu quả giữa củng cố thành quả xóa đói giảm nghèo với phát triển nông thôn. Tầm nhìn đặt ra là đến năm 2035, công cuộc chấn hưng toàn diện nông thôn đạt được bước tiến có tính quyết định, cơ bản thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Đến thời điểm đó, nguồn cung lương thực và các sản phẩm nông nghiệp quan trọng được bảo đảm hiệu quả, năng lực sản xuất tổng hợp được giữ vững, duy trì sản lượng khoảng 650 triệu tấn, bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực trong nước.
Theo yêu cầu của quy hoạch, Trung Quốc sẽ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ sản xuất lương thực, như ổn định trợ cấp cho nông dân, hoàn thiện chính sách giá tối thiểu thu mua lúa gạo và lúa mì cùng chính sách trợ cấp cho người sản xuất ngô và đậu tương; đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất và tiêu dùng lương thực, khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất lương thực tập trung; mở rộng phạm vi bảo hiểm trồng trọt lương thực…
Trung Quốc sẽ tập trung phát triển ngành chăn nuôi hiện đại để bảo đảm nguồn cung thịt, trứng, sữa, trong đó sản lượng thịt lợn giữ ổn định ở mức 55 triệu tấn; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và nâng cấp ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản...
Đáng chú ý, quy hoạch lần này đề ra mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp thông minh, thông qua xây dựng và mở rộng ứng dụng hệ thống dữ liệu lớn (big data) về nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy kết hợp sâu rộng giữa sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với các công nghệ thế hệ mới như internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối (blockchain)..., nhằm xây dựng mô hình cánh đồng số, khu vực tưới tiêu số hóa và hệ thống nông trường, ngư trường thông minh.