Trung Quận, hồi ức người trong cuộc

NDO -

NDĐT - Trong kháng chiến chống Pháp, Trung Quận là địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh Chợ Lớn xưa. Ngày ấy, Trung Quận bao gồm toàn bộ huyện Bình Chánh, quận Bình Tân của TP Hồ Chí Minh và các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức của tỉnh Long An bây giờ. Tại Trung Quận, nhiều địa danh và chiến tích vang dội đã khởi đầu cho Toàn quốc kháng chiến. Không chỉ đánh giặc, nhân dân Trung Quận còn cùng lúc diệt giặc dốt, tạo nòng cốt, giúp dân làm kinh tế để tạo kinh tài cho Nam Bộ và toàn quốc kháng chiến trường kỳ.

Ông Trần Văn Khá, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn kể chuyện.
Ông Trần Văn Khá, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn kể chuyện.

Ông Phan Văn Sít, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Trung Quận, năm nay tròn 90 tuổi nhưng vẫn còn rất sáng suốt. Ông chậm rãi kể: “Cuối tháng 11 năm 1946, tại Căn cứ Vườn Thơm đã diễn ra Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng. Chúng tôi đã được nghe T.Ư Đảng chỉ thị cho Nam Bộ những công tác đặc biệt chú ý là: Kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh của quần chúng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, dân sinh; bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng ở nông thôn, thành thị; đoàn kết tôn giáo. Tôi còn làm Trưởng Bình dân học vụ xóa mù chữ cho tá điền, dù năm đó tôi chỉ mới học hết lớp nhứt trường Chợ Đệm”.

Là cấp trên của ông Sít, năm nay cũng ngoài cửu thập, ông Trần Văn Khá, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn, nhấn mạnh: Ngay sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, tháng 4 năm 1947, đồng chí Lê Duẩn từ Việt Bắc về Nam Bộ và triệu tập Hội nghị Xứ ủy mở rộng, quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, phương hướng nhiệm vụ tới. Đây chính là lúc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 2 (tháng 4-1947). Các Đảng bộ tiếp tục đẩy mạnh củng cố, xây dựng Đảng, mà trước hết là xây dựng chi bộ.

Lúc ấy ở Trung Quận, trong tình thế căng thẳng, công tác phát triển và củng cố cơ sở Đảng vẫn được thực hiện tốt. Năm 1947, có 20 xã có chi bộ hoặc chi bộ ghép. Để phát triển cơ sở, hầm bí mật được xây dựng cả trong vùng địch chiếm. Công tác phá tề, diệt tề đạt kết quả cao, nhiều ban hội tề bị giải tán hoặc buộc phải giải tán, nhiều tên tề ác bị trừng trị. Trong hoàn cảnh kháng chiến, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương rất cố gắng tạo điều kiện cho dân có đời sống ổn định như: Mở chợ cho dân buôn bán (chợ Gò Xoài, chợ ấp 13, chợ Xóm Hang), xây dựng được phong trào diệt dốt,... Một hoạt động tương đối nổi bật của Đảng bộ, quân dân Trung Quận lúc ấy là xây dựng căn cứ, đào kênh hơn 3.000m làm vật cản, trồng 8.000 bụi dừa nước... Việc huy động vật chất trong dân cũng đạt kết quả lớn, riêng số đồng đóng góp cho quân giới đã được hơn 20 tấn, trong đó có cả những mâm đồng, lư thờ... để chế tạo vũ khí.

"Thời điểm đó, khu căn cứ có tầm quan trọng nhất tiếp cận Thành ủy Sài Gòn ở phía tây là Vườn Thơm trở thành căn cứ nổi tiếng suốt cuộc kháng chiến. Căn cứ này do Tỉnh ủy Chợ Lớn trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng”, ông Khá nói.

Căn cứ trên có cả thế “nhân hòa, địa lợi” vì chỉ cách Sài Gòn khoảng 10km đường chim bay, là vùng đất gồm nhiều xã, lòng dân hướng về cách mạng, có cơ sở trong dân từ khởi nghĩa Nam Kỳ. Từ năm 1946, Huyện ủy Trung Quận thuộc Tỉnh ủy Chợ Lớn đã xây dựng làng căn cứ đầu não kháng chiến của tỉnh Chợ Lớn và thành phố Sài Gòn. Đây còn là nơi tập trung nhiều cơ quan, là nơi đặt trường Mác - Lê-nin đầu tiên của tỉnh. Đặc biệt, trong khu trung tâm căn cứ có hai cái “láng” (vũng nước cạn, rộng, nhiều cây cỏ thủy sinh) hội tụ các giống chim đồng nước nên gọi là Láng Le - Bàu Cò, là nơi đã diễn ra trận đầu ngày 1-4-1946 (ta diệt 15 tên lính Pháp), báo trước những trận đánh ác liệt sẽ diễn ra tại đây.

Tháng 5 năm 1947, thực hiện Chỉ thị 4/NV của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, hơn 6.000 viên chức, có khoảng 5.000 thợ chuyên môn và giáo chức ở đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn ra chiến khu. Do vị trí một căn cứ địa vừa tiếp cận đô thị, vừa tiếp giáp Đồng Tháp Mười là căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ, Vườn Thơm trở thành “trạm” đón tiếp, trung chuyển. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng căn cứ Vườn Thơm tổ chức đón tiếp, nuôi dưỡng và đưa đi. Phần lớn số trên tiếp tục chuyển vào Đồng Tháp Mười, được bổ sung vào các cơ quan, đơn vị chiến đấu, một phần trở thành lực lượng nòng cốt để xây dựng các ngành quân giới, điện đài, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa kháng chiến. Tỉnh Chợ Lớn cũng được tăng cường nhiều công nhân và chuyên gia quân giới, y bác sĩ, cán bộ văn hóa, nhân viên văn phòng...

Là người trực tiếp cầm súng, ông Võ Thành Kiết (Đại tá, nguyên là cán bộ Trung đoàn 308 - Nguyễn An Ninh) nói về hệ thống cơ quan dân quân lúc đó: Dân quân chịu sự chỉ đạo ngành dọc, đồng thời trực thuộc Ủy ban Hành chánh kháng chiến các cấp. Bộ đội tập trung không thuộc cơ quan dân quân (đến cuối năm 1950 mới sáp nhập). Ở các huyện, xã, lần lượt thành lập huyện đội dân quân, xã đội dân quân. Về lực lượng, trên chiến trường khu, tỉnh đã có lực lượng vũ trang địa phương ba cấp: Bộ đội tập trung tỉnh, trung đội du kích tập trung huyện và dân quân du kích xã. Bộ đội tỉnh và du kích tập trung huyện, liên xã thoát ly sản xuất; còn dân quân du kích xã, ấp không thoát ly sản xuất. Ở nhiều địa phương, hình thức tổ chức dân quân du kích lại có những sáng tạo riêng nhằm phát triển được lực lượng và bảo đảm sản xuất tốt.

Ở Trung Quận ngày đó còn có hoạt động bồi dưỡng chính trị, văn hóa thông tin. Theo trí nhớ rất tốt của ông Trần Văn Khá, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn, tài liệu học tập trong Đảng bộ Chợ Lớn lúc bấy giờ là các văn kiện, chỉ thị toàn dân kháng chiến, Nghị quyết Hội nghị cán bộ T.Ư lần thứ hai. Ngoài ra, Tỉnh ủy Chợ Lớn còn liên tiếp mở các lớp chính trị với nội dung gồm: “Chương trình Việt Minh”, “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin”, “Duy vật biện chứng”, “Tu dưỡng thanh niên”...

Trung Quận, hồi ức người trong cuộc ảnh 1

Ông Phan Văn Sít, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Trung Quận kể chuyện.

“Ở cấp tỉnh, năm 1947 đã lưu hành rộng rãi tờ báo ''Chống xâm lăng'', cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn (tỉnh Chợ Lớn hỗ trợ tiền bạc). Ở cấp huyện, Trung Quận còn có tờ ''Chiến thắng'' của Việt Minh Trung Huyện và đến cuối năm 1947 trở thành tờ báo của tỉnh (huyện không ra báo). Ngoài ra, các huyện khác như Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (nay thuộc Long An) đều có các đội thông tin văn nghệ, nổi bật như Đội văn nghệ Quốc vệ đội Cần Đước”, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Trung Quận Phan Văn Sít nói.

Ông Võ Thành Kiết cho biết thêm, với trận Láng Le - Bàu Cò, lực lượng vũ trang Chợ Lớn - Gia Định đã đi vào lịch sử kháng chiến của Nam Bộ. Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1948, không kể những trận càn nhỏ, quân Pháp đã mở hai cuộc càn quét lớn vào Vườn Thơm. Bằng lối đánh gần, quân ta gây thiệt hại cho địch, nhưng cũng hy sinh nhiều, chủ yếu do đạn pháo của chúng như ngày 28-9-1948, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Lê Văn Sĩ đã hy sinh cùng 87 cán bộ, chiến sĩ khác.

Những ngày đầu kháng chiến ở mảnh đất phương nam này không chỉ có đạn pháo, hy sinh mà còn có những cuộc tình rất thật, rất đẹp. Từ sự vun đắp của đồng chí Lê Văn Sĩ (trước lúc hy sinh) và Xứ ủy, cô gái Ngô Thị Huệ đã nên duyên với chàng thanh niên Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí thư của Đảng ta) ngay tại Láng Le - Bàu Cò.

Năm nay đã gần trăm tuổi, bà Huệ kể trong hồi ký: “Tháng 4-1947, tôi được triệu tập về dự Hội nghị cán bộ Thành ủy Sài Gòn (tổ chức tại Căn cứ Vườn Thơm thuộc Trung Quận của tỉnh Chợ Lớn). Tại đây, anh Ba Duẩn (nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn) và anh Mười Cúc (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) nhắc nhở chúng tôi phải hết sức thông cảm với đồng bào “hồi cư” sau khi “tiêu thổ kháng chiến” vì mỗi người đều có hoàn cảnh riêng nhưng tuyệt đại đa số đều giữ trọng lòng yêu nước và đó sẽ là nguồn cung cấp, bổ sung lực lượng kháng chiến trong nội thành rất quý. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 15 ủy viên (13 chính thức, hai dự khuyết) do đồng chí Mười Cúc làm Bí thư. Tôi cũng được bầu làm cấp ủy trong kỳ họp này”.

Theo bà Ngô Thị Huệ, sau đó một năm, bà và đồng chí Nguyễn Văn Linh nên duyên chồng vợ. Quà cưới là 100 trái gòn dùng để làm gối nằm tân hôn. Phòng hoa chúc cũng được bố trí trong căn cứ. Lễ cưới nơi bưng biền Trung Quận trong những ngày kháng chiến tuy không có bà con hai họ nhưng vô cùng hạnh phúc…