Trong kho tàng di sản văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, tranh dân gian có vị trí quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến. Với ngôn ngữ hình họa và màu sắc cùng những chất liệu đặc thù của mình, tranh dân gian đã là những “cầu nối truyền tải”, cụ thể hóa ý niệm triết học về vũ trụ quan, nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, tầng lớp nhân dân (chủ yếu là nông dân và thị dân) ở các miền đất nước.
Lược sử tranh dân gian.
Buổi triển lãm giới thiệu sáu dòng tranh dân gian nổi tiếng từ các miền đất nước: Tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh làng Sình (Thừa Thiên - Huế), tranh kính Nam Bộ, tranh gói vải (Đồng Tháp) với những nét đặc sắc và sơ lược lịch sử hưng suy, cho người xem những hiểu biết khái lược về mỗi dòng tranh.
Các em tìm hiểu tranh dân gian.
Khơi gợi những cảm hứng từ những họa tiết và màu sắc của tranh Kim Hoàng, CLB Cùng bé sáng tạo đã tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng” cho các em học sinh Hà Nội và đã nhận được hơn 300 tác phẩm tranh vẽ, thiết kế thời trang và các sản phẩm khác như bưu thiếp, thiết kế túi, khăn, làm mô hình sáng tạo… của các bạn nhỏ. Trên “cốt nền” của văn hóa dân gian, những ý tưởng ngộ nghĩnh của các em mang đến nhiều niềm vui cho cuộc sống. Đây là nỗ lực mới đưa tranh Kim Hoàng tới đời sống đương đại sau những cố gắng phục dựng dòng tranh này của nhà nghiên cứu và sưu tập Nguyễn Thu Hòa.
Triển lãm diễn ra từ ngày 24-10 đến 10-11, tại Nhà Thái học, trong khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong thời gian diễn ra triển lãm, sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo cùng tranh dân gian cho các em nhỏ.
Những sáng tạo thời trang lấy cảm hứng từ tranh dân gian.