Phòng trưng bày, giới thiệu gần 200 tài liệu và hiện vật tiêu biểu gồm các bộ sưu tập phản ánh nét đặc trưng trong đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân tộc Thái ở Thanh Hóa. Tiêu biểu là các sưu tập: công cụ sản xuất, đánh bắt, đồ trang sức; nhạc cụ, các bộ sách viết bằng chữ Thái cổ, công cụ dệt truyền thống với các sản phẩm dệt thổ cẩm…
Được biết, tỉnh Thanh Hóa có 260 nghìn đồng bào Thái sinh sống chủ yếu ở tám huyện vùng thượng du, các xã miền núi khu vực trung du, đồng bằng trong tỉnh. Là cư dân bản địa, chủ nhân của nền văn hóa thung lũng, đồng bào Thái ở Thanh Hóa còn bảo lưu được những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần tiêu biểu, đặc trưng, góp phần tạo dựng nên bản sắc cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam. Phòng trưng bày giới thiệu tới quần chúng, du khách, các nhà nghiên cứu cái nhìn tổng quát cùng đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa; khơi dậy trách nhiệm bảo lưu, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng, cộng đồng các dân tộc ở Thanh Hóa nói chung, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Một điểm quần cư của đồng bào Thái ở huyện Quan Sơn.