Trưng bày chuyên đề “Đồng điệu và sáng tạo: Phiên bản tranh nghệ thuật của các họa sĩ nữ”

NDO - Sáng 3/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Đồng điệu và sáng tạo: Phiên bản tranh nghệ thuật của các họa sĩ nữ”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Trưng bày là hoạt động thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; đồng thời thúc đẩy giao lưu, hợp tác chuyên môn giữa Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc trưng bày, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Đinh Một cho biết: Trong chặng đường phát triển của hội họa Việt Nam, dấu ấn lưu lại của các nữ họa sĩ chiếm vị trí không nhỏ; các nữ họa sĩ không chỉ cống hiến tư duy, quan điểm nghệ thuật mới mẻ mà còn phá vỡ định kiến về giới trong nghệ thuật.

Để công chúng Đắk Lắk và khách tham quan có cơ hội tìm hiểu về những đóng góp của các họa sĩ nữ trong ngành nghệ thuật, đồng thời khám phá vẻ đẹp, sự độc đáo cũng như những thông điệp sâu sắc về xã hội và văn hóa được truyền tải từ tác phẩm, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trưng bày 50 tác phẩm mỹ thuật hiện đại của các họa sĩ nữ.

Trưng bày chuyên đề “Đồng điệu và sáng tạo: Phiên bản tranh nghệ thuật của các họa sĩ nữ” ảnh 1

Các đại biểu tham quan các tác phẩm hội họa của các họa sĩ nữ tại trưng bày.

Trưng bày giới thiệu đến công chúng các tác phẩm của những “bóng hồng” tiêu biểu của nền hội họa nước nhà: Lê Thị Lựu được xem là nữ hoạ sĩ hiện đại đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam với nhiều tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp đặc tả nét đẹp đôn hậu của người phụ nữ, trẻ thơ. Đây được xem là các tác phẩm đã gợi cảm hứng cho nhiều bản tình khúc về người sơn nữ.

Hội họa của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch mang đậm hồn cốt văn hóa dân tộc, dung dị mà thanh thoát, toát lên vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước và con người Việt Nam…

“Mỗi tác phẩm trong trưng bày là một số phận, một con người cụ thể, một minh chứng lịch sử chân thực. Dấu ấn đậm nét nhất trong tác phẩm của nữ họa sĩ Trịnh Kim Vinh là hình ảnh người lính trong những bước chuyển mình của lịch sử với đầy đủ mọi góc khuất và cung bậc cảm xúc; và rất nhiều họa sĩ nữ tiêu biểu khác. Bằng sự đa dạng về phong cách, kỹ thuật, ý tưởng, các tác phẩm của các họa sĩ nữ mang đến một cái nhìn sâu sắc và đa chiều về tài năng sáng tạo”, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Đinh Một nhấn mạnh.

Đặc biệt, trưng bày cũng là cơ hội để Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, hỗ trợ nhau trong công tác trưng bày, tạo sự kết nối di sản văn hóa…

Trưng bày diễn ra từ ngày 3/8 đến 26/9/2023 tại Bảo tàng Đắk Lắk.