Trưng bày bộ sưu tập về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông

Ngày 8-8, tại Thư viện Khoa học xã hội, 26 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm (Hà Nội) khai mạc phòng trưng bày bộ sưu tập tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông. Bộ sưu tập gồm 190 đơn vị tài liệu được phân loại thành tám nhóm: 24 bản đồ; bốn ảnh; 40 cuốn sách tiếng Việt; 24 cuốn tạp chí tiếng Việt; 37 số tạp chí Thức tỉnh Kinh tế Đông Dương; 35 cuốn sách tiếng Pháp trước năm 1954; năm cuốn sách Latinh mới; 20 cuốn sách tiếng Trung Quốc. Các tư liệu thành văn gồm:

Các bộ chính sử Việt Nam bằng chữ Hán đã dịch ra tiếng Việt và xuất bản; các tài liệu tiếng Trung Quốc của các sử gia Trung Quốc viết về lịch sử Trung Quốc qua các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Thanh, Trung Hoa dân quốc và CHND Trung Hoa được xuất bản từ năm 1178 tới năm 1951. Trong nội dung các cuốn sách này không đề cập tới Trường Sa, Hoàng Sa (hay Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc hiện tại) thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Đặc biệt, cuốn sách giáo khoa lịch sử giảng dạy cho công nhân Trung Quốc xuất bản năm 1950, tái bản năm 1951 tại Bắc Kinh đã xác nhận cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam và bản đồ Trung Quốc ở cuốn sách này không ghi địa danh Hoàng Sa, Trường Sa. Cùng với đó, các bản đồ của người châu Âu từ thế kỷ 18, của người Nhật Bản, người Trung Quốc, người Pháp vẽ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đều ghi rõ cực nam đảo Hải Nam là tận cùng phía nam của lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ Đông Dương, bản đồ Đà Nẵng (Tourane) do người Pháp vẽ đầu thế kỷ 20 đã chỉ rõ Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

Các tài liệu được trưng bày có giá trị to lớn góp phần giúp các nhà nghiên cứu có thêm cứ liệu khoa học chứng minh, khẳng định chủ quyền lịch sử, lâu dài, liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phòng trưng bày mở cửa đến ngày 8-9-2014.