Đó là những chia sẻ của Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh tại lễ mít-tinh kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội ngày 20-11.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Mỗi chúng ta đến với nghề giáo một cách khác nhau, nhưng điều quý giá hơn cả là trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều nặng tình yêu thương con người và mong muốn làm cho thế hệ tương lai tử tế hơn, khôn lớn hơn, trưởng thành hơn để chung tay làm cho xã hội văn minh hơn, đất nước giàu đẹp hơn.
Các cơ quan báo chí tổ chức gặp mặt, tri ân nhà giáo dịp 20/11
Mỗi đứa trẻ tiến bộ so với ngày hôm qua rất đáng mừng. Trọng trách của nhà giáo là giáo dục cho mỗi trẻ hình thành về giá trị gia đình, chuẩn mực xã hội và ứng xử trong thế giới hội nhập để khát khao làm chủ tri thức và hành động chân chính.
Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh phát biểu tại buổi lễ. |
Nhắn gửi tới toàn thể giáo viên, sinh viên của nhà trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Khó khăn, thiếu thốn, áp lực… sẽ bào mòn khát vọng chính đáng của mỗi thầy, cô nhưng xin đừng để con tim của mình nguội lạnh rồi thờ ơ với những phận đời và tương lai của bao thế hệ.
Làm nhà giáo, bằng yêu thương lan tỏa yêu thương rồi yêu thương sẽ ươm mầm cho niềm tin sinh sôi nảy nở. Vượt lên trên nghèo khó, sự trưởng thành của các thế hệ sinh viên, của con trẻ, đó là hạnh phúc của mỗi gia đình, là trái ngọt mà cuộc đời, con người đã ban tặng cho ta. Đó là điều tuyệt diệu mà dễ đâu có được, và chính vậy, chúng ta tự hào về nghề.
Trong thẳm sâu của mỗi người đi dạy học đều muốn làm tốt nhất bổn phận của mình, muốn dồn hết tâm sức và trí tuệ cho học sinh. Nhưng những khó khăn, vất vả, những ràng buộc có khi đã lỗi thời, ảnh hưởng không ít đến mỗi nhà giáo. Giá như mỗi thầy cô không quá lo lắng về cái ăn, cái mặc thì họ sẽ thanh thản hơn trong tâm hồn và dành hết thời gian cho con trẻ thì tốt đẹp biết nhường nào.
Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh
Nói về những khó khăn, thiệt thòi của nghề giáo, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: Mỗi chúng ta đều thấu hiểu điều kiện của quê hương, đất nước. Nhưng giá như, những chủ trương, chính sách đến kịp thời với thực tiễn thì phần nào nhà giáo ấm lòng hơn để có nhiều hơn động lực cho công việc. Và giá như lao động chính đáng của nhà giáo được nhìn nhận một cách đúng mức, kịp thời, đó là lao động giáo dục chứ không phải là lao động giản đơn chỉ thuần túy tính bằng giờ, thì mọi chuyện đã tốt hơn nhiều. Nghề nào mà người làm nghề đó tâm huyết cũng cao quý và đáng trân trọng nhưng nhà giáo làm công việc giáo dục để mỗi người có những chuẩn mực về tư cách và đầy đủ về tri thức để ra với cuộc đời, để hành động chân chính thì đáng trân quý biết bao.
Trước mắt chúng ta là khó khăn và đầy rẫy thách thức, cả hữu hình và vô hình. Nhưng vận hành thay đổi của thời đại thì không dừng lại. Những tác động của thời cuộc đến với chúng ta từng giây, từng phút; công nghệ như là một sự hối thúc đến với muôn người từ muôn mặt đời sống.
Khâm phục và tự hào về các thầy giáo, cô giáo, cán bộ của nhà trường, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh khẳng định: Trong muôn vàn khó khăn, kể cả trong tâm tư và cuộc sống, điều kiện làm việc, các bạn đã dám dằn lòng để những gì cao đẹp trội lên để mang lại cho người học, tất cả tình yêu thương, hiểu biết và khát vọng chính đáng.
Chính các bạn là hạt nhân cho mái trường này. Với các em sinh viên, học viên, các em là hiện thân của tương lai nhà trường, chính các em là niềm tin của nhà trường và của tương lai giáo dục đất nước. Với các bậc phụ huynh, hãy đồng hành cùng thầy cô và hãy luôn nghĩ rằng, trong thẳm sâu và khao khát của mỗi thầy cô, và chính các vị, đều mong muốn con trẻ khôn lớn, trưởng thành hơn.
Cũng tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" cho các giảng viên tiêu biểu của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Các diễn văn có sức truyền cảm hứng từ những điều gần gũi, giản dị như là sự chia sẻ, tâm tình nhưng đầy ý tưởng, chất chứa tâm tư, tầm nhìn mang tính tiên phong, định hướng và những việc làm thiết thực, cụ thể; đồng thời cũng là những thông điệp gửi gắm, tin tưởng vào các thế hệ nhà giáo mới; về sự đổi mới trong tư duy, giải pháp thực hiện của đồng nghiệp và học trò; về giá trị văn hóa của nhà giáo, nhà trường; về vai trò và mục đích của giáo dục; về nhận thức xã hội đối với nhà giáo và giáo dục,...