Sai lầm nối tiếp
Phút 40 trong trận DNH Nam Định với Hải Phòng ở vòng 6 V-League giai đoạn 1, từ một pha treo bóng từ chấm phạt góc, một cầu thủ đánh đầu và kiến tạo cho Joseph Mpande ghi bàn. Vấn đề không có gì đáng nói khi Thế Cường đã tranh chấp với thủ môn Xuân Việt của DNH Nam Định ở tư thế việt vị.
Tiếp sau đó, cũng là DNH Nam Định nhưng với đối thủ là CLB Sài Gòn, trọng tài Mai Xuân Hùng đã từ chối hai quả phạt đền mà DNH Nam Định đáng lẽ ra được hưởng và chính trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền cũng phải thừa nhận sai lầm của cấp dưới.
Nhưng không chỉ có DNH Nam Định bị bất lợi nhiều từ những sai lầm của trọng tài mà còn có các đội bóng như Sông Lam Nghệ An hay Hoàng Anh Gia Lai đều phải nhận về những quyết định gây tranh cãi từ những “ông vua áo đen”.
Vậy rốt cuộc là sai lầm đến từ đâu? Câu trả lời chính xác nhất là do chuyên môn và sự phân công của Ban Trọng tài. Cứ nhìn vào sai lầm đến khó tin của tổ trọng tài trong việc nhầm lẫn cầu thủ được thay ra trong trận DNH Nam Định và SLNA thì rõ. Phút 61, HLV Ngô Quang Trường muốn tung Quang Tình vào sân thay cho Văn Lắm nhưng trọng tài lại gọi nhầm Hồ Tuấn Tài. Dù đó là những lỗi vụn vặt nhưng do chính sự mất tập trung cũng làm cho những quyết định của trọng tài trở nên không chính xác.
Còn về chuyên môn, những trọng tài yếu kém về chuyên môn lại được Ban Trọng tài phân công cho những trận đấu thuộc khuôn khổ V-League. Điển hình như ông Nguyễn Trung Kiên B, người nổi tiếng với những sai lầm sơ đẳng, thậm chí có lần ông còn quên thẻ khi đang làm nhiệm vụ. Nhưng bằng một cách nào đó, ông vẫn được phân công ở những trận đấu V-League và vẫn điều khiển những trận đấu chuyên nghiệp đến giờ.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Phú Tấn, cựu giám sát trọng tài, người có hơn 40 năm làm công tác, giám sát trọng tài cho rằng, có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự bức xúc của cổ động viên cũng như các CLB về trọng tài: “Quy cách điều hành như vậy là không ổn. Tôi cho rằng một là ẩu và thiếu kinh nghiệm, hai là thiếu trách nhiệm với cuộc chơi”. Ngoài ra, công tác bồi dưỡng, chấn chỉnh kịp thời “các ông vua áo đen” ở thời điểm xảy ra sai sót chưa triệt để. Ba nguyên nhân mà ông Tân nhận định đã nói lên rằng, lỗi không chỉ thuộc về mỗi trọng tài, mà những người quản lý cấp cao cũng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Các câu lạc bộ than trời
Những sai lầm của trọng tài không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của giải đấu mà các CLB cũng gặp vô vàn khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu của mình, đặc biệt là những đội đua tranh tấm vé trụ hạng. Đơn cử như trường hợp của đội DNH Nam Định, nếu tổ trọng tài quyết định chính xác hơn trong pha bắt việt vị lỗi với cầu thủ Rafaelson của đội bóng thành Nam trong trận đấu sinh tử với CLB Quảng Nam thì họ đã có thể trụ hạng sớm hơn.
Trường hợp nữa có thể kể đến là đội Sông Lam Nghệ An. Nếu như quả phạt đền của Phan Văn Đức cũng trước đội Quảng Nam được công nhận và bàn thắng chưa qua vạch vôi của cầu thủ Hữu Phước bên phía đội bóng xứ Quảng bị từ chối thì biết đâu SLNA đã có thể leo lên Top 8 và tránh cảnh phải giành giật chiếc vé ở lại V-League.
Không chỉ các đội ở nhóm xuống hạng mà các đội ở nhóm trên cũng chịu ảnh hưởng không ít. Trận đấu giữa Hà Nội FC và TP Hồ Chí Minh là thí dụ. Cho dù “Chiến hạm đỏ” không còn mục tiêu vô địch nhưng một suất trong Top 3 cùng với tấm vé dự AFC Cup là điều mà họ luôn hướng tới. Nhưng khi tỷ số đang là 0-0 thì một tình huống thổi phạt đền không thực sự rõ ràng đã phá hỏng tất cả. Tinh thần của đoàn quân HLV Chung Hae Seong đi xuống trông thấy và không có gì bất ngờ khi họ nhận thêm một bàn thua, chấm dứt luôn hy vọng lọt vào Top 3.
Hoàng Anh Gia Lai đã có thể ngắt mạch năm trận thua liên tiếp nếu như trọng tài Ngô Duy Lân cho thầy trò Nguyễn Văn Đàn hưởng quả đá penalty mười mươi, họ đã có thể có ít nhất một trận hòa. Dù biết rằng việc đó không giải quyết quá nhiều về mặt thành tích nhưng danh dự của HAGL sẽ được gỡ gạc phần nào.
Giải pháp cho VPF
Ban tổ chức V-League cần phải hành động quyết liệt hơn trong việc xử phạt các trọng tài mắc sai lầm và nâng cao sự tập trung của những người “cầm cân nảy mực” trong mỗi trận đấu. Những chuyến tập huấn cho các trọng tài cũng rất quan trọng. Ngoài ra, bài thi trắc nghiệm về kiến thức cho các trọng tài thường có những đáp án rất mơ hồ, không rõ ràng về ý nghĩa.
Để công tác trọng tài thêm tính chuyên nghiệp, BTC sẽ cần chuẩn bị mọi thứ chỉn chu, từ những bài thi trắc nghiệm kiến thức, xử lý tình huống cho tới quá trình huấn luyện thể lực. Từ đó, hy vọng giải đấu sẽ trở nên công bằng, tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn hơn. Đồng tiền của những ông bầu dành cho bóng đá sẽ không trở nên lãng phí và quan trọng hơn hết, niềm tin của người hâm mộ ngày càng được củng cố và tăng lên!