Đất khó Lai Châu đón năm học mới

Các trường ở vùng cao Lai Châu đã sẵn sàng những điều kiện tốt nhất cho mùa tựu trường mới. Không chỉ ngành giáo dục và các địa phương, nhiều thầy giáo, cô giáo cũng tích cực kết nối, đón nhận sự hỗ trợ để học sinh có một năm học mới đủ đầy hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy trò Trường tiểu học xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn đón năm học mới.
Thầy trò Trường tiểu học xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn đón năm học mới.

Mang sắc mầu lên điểm trường vùng cao

Không khí tựu trường đến sớm hơn với cô trò điểm Trường Can Chu Dao - Trường mầm non xã Mù Sang, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Niềm vui ấy hiện rõ trên mỗi gương mặt cô giáo và bà con dân bản khi lớp học được tu sửa, nâng cấp mới khang trang và kiên cố hơn.

Đặc biệt vừa qua, với sự kết nối của Đoàn thanh niên báo Lai Châu với nhóm Vẽ tranh tường Lai Châu, cùng sự trợ giúp của các chiến sĩ Đội xây dựng Chính trị cơ sở số 3, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356, Quân khu 2, khuôn viên điểm trường được tô điểm bằng những bức tranh tường đẹp về chủ đề mầm non.

Cô Đồng Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2023-2024, trường có 336 học sinh, phân bố tại 10 điểm trường thuộc các điểm bản. Can Chu Dao là điểm trường mới được tu sửa, nâng cấp bằng nguồn tài trợ của quỹ DCI (Năng đoạn kim cương Việt Nam) với tổng kinh phí 240 triệu đồng”.

Can Chu Dao có 29 hộ, hơn 150 khẩu, bản 100% dân tộc H’Mông sinh sống. “Nếu như trước, để học sinh đông đủ trước ngày khai giảng, thì hằng ngày, các cô giáo về bản nói chuyện với gia đình các em nhiều lượt. Vì sau những tháng nghỉ hè, có tâm lý ngại đến lớp, đi học xa, thích theo cha mẹ lên nương. Nay chuyện đó không còn, chỉ cần bản thông báo trên loa là người dân hiểu, giờ bà con người H’Mông mình quan tâm đến việc học của con lắm”, Trưởng bản Can Chu Dao Giàng A Chư kể trong niềm vui.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu Đinh Trung Tuấn: Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 151.417 học sinh các cấp, 337 cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến PTTH). Ngành giáo dục đã hướng dẫn các đơn vị triển khai một số hoạt động đầu năm học. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, trường học tích cực phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền nhằm vận động tối đa học sinh ra lớp, đặc biệt là học sinh thuộc các xã khu vực III và khu vực II chuyển sang khu vực I, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Về trường Huổi Luông, Tà Mung

Năm học mới, nhưng sự học của Phu Thanh Tuấn, dân tộc Hà Nhì, bản Huổi Luông 3, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ gặp những trở ngại hơn bao giờ hết. Qua câu chuyện được biết, mấy năm nay bố Tuấn đau ốm thường xuyên, bao việc nặng gần như trút lên đôi vai gầy của mẹ. Gia đình khó khăn, đường đến trường xa, trăm thứ học hành phải lo, nên nhiều đận em muốn bỏ học giữa chừng.

Trước đây, Tuấn cũng như các học sinh thuộc vùng III, được hưởng chế độ học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Theo đó, mỗi em được hưởng 40% tiền mức lương cơ bản, cơ sở và 15 kg gạo/tháng. Năm 2020, xã Huổi Luông đạt chuẩn nông thôn mới, bản của Tuấn không còn là bản đặc biệt khó khăn nữa. Được biết, đây là năm học thứ ba Tuấn và gần 40 học sinh của 45 hộ gia đình người Hà Nhì bản Huổi Luông 3 không được trợ cấp theo Nghị định 116 nữa.

Trước thềm năm học mới, các thầy, cô giáo công tác tại xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn như Huổi Luông vẫn không hết âu lo: “Thực tế, nhiều gia đình có con em đi học đang ở vùng III, nay xuống vùng I vẫn còn hụt hẫng. Bởi, tâm lý người dân còn trông đợi vào trợ cấp của nhà nước, đó là một trở ngại trong việc huy động học sinh đến trường. Để chia sẻ những gánh nặng ban đầu khi người dân thoát nghèo. Năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04 về việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh ở bán trú tại các xã từ vùng III sang vùng I. Theo đó, hỗ trợ năm học đầu tiên (2022-2023) số tiền là 30% mức lương cơ sở cơ bản và giảm dần mỗi năm 10%. Thời gian thực học, không quá 9 tháng/năm học và thực hiện trong 3 năm học, từ 2022-2023 đến hết năm học 2024-2025”, thầy Nguyễn Đình Trường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Huổi Luông cho biết.

Đầu tháng 8 vừa qua, trận mưa lũ đã làm bà con các bản Tà Mung, Đán Tọ, Nậm Mở, Hua Ta, xã Tà Mung, huyện Than Uyên thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều tổ chức, cá nhân đã nối dài những cánh tay thiện nguyện chia sẻ những khó khăn mất mát của bà con nơi đây. Thầy Phan Trắc Hưởng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bán trú xã Tà Mung chia sẻ: Năm học 2023-2024, riêng cấp tiểu học có 22 lớp/580 học sinh, trong đó 279 học sinh ở nội trú. Từ nhiều nguồn hỗ trợ, đến giờ này bàn ghế, sách vở viết, áo ấm của các em đã tạm ổn”.

Thầy Hưởng đưa chúng tôi đi tham quan một số điểm bản, leo bộ những con đường dốc dựng đứng như lên cổng trời, càng thấy sự vất vả của thầy trò vùng cao Tà Mung. Sau khi mưa lũ ngừng, các thầy, cô giáo ba cấp học (mầm non, tiểu học và THCS), không quản khó khăn, ủi đất, san nền, làm nhà cho bà con bị thiệt hại, khắc phục những khó khăn ban đầu. Ngoài các tổ chức xã hội đến với Tà Mung chia sẻ trong hoạn nạn, nhiều thầy, cô bằng quan hệ cá nhân đã kết nối được nhiều địa chỉ giúp đỡ bà con vùng lũ. Với số tiền kêu gọi hơn 10 triệu đồng, thầy Nguyễn Hữu Nguyên (Trường THCS Tà Mung) còn quyên góp được nhiều quần áo, sách vở và đồ dùng học tập cho các em.

Chúng tôi gặp các thầy, cô giáo về bản vận động học sinh, nhóm thì tất bật giúp người dân sửa, gia cố lại nhà cửa cho thêm vững, vì thời tiết ở đây khá thất thường. Nhìn cảnh thầy, cô giáo, học sinh và người dân tưng bừng trong câu chuyện năm học mới, mới thấy hết những cống hiến thầm lặng của những người “gieo chữ” nơi rẻo cao.