Trống đồng Lô Lô, nhạc cụ quý cần được bảo tồn

Người Lô Lô coi trống đồng là vật thiêng, họ quan niệm: Tiếng trống đánh lên như một tín hiệu giữa cõi sống và cõi chết, giữa cuộc sống đời thường và thế giới siêu nhiên. Trước đây, mỗi dòng họ người Lô Lô thường có một bộ trống đồng do người trưởng họ giữ và bảo quản bằng cách chôn xuống đất, khi nào cần dùng thì làm lễ xin thần linh để đào lên.

Một bộ trống đồng gồm hai chiếc. Trống to (trống cái) tiếng Lô Lô gọi là Dảnh Mo. Trống bé (trống đực) tiếng Lô Lô gọi là Dảnh Pố. Trước đây, mỗi dòng họ của người Lô Lô đều có một cặp trống đồng, trải dài theo thời gian và nhiều nguyên nhân khác nhau, ngày nay cả thôn Lô Lô Chải chỉ còn lại một cặp trống đồng do nghệ nhân Vàng Dỉ Thuấn cất giữ. Tuy nhiên, do thời gian quá lâu và việc bảo quản không tốt, trống được sử dụng nhiều cho nên hiện trạng của hai chiếc trống đồng không còn tốt.

Trống đực được cấu tạo tang nở, thân eo, chân choãi. Trống có bốn quai bố trí thành hai cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao 12 cánh. Những họa tiết hoa văn trang trí trên trống đồng khá phong phú và đa dạng với nhiều họa tiết hoa văn khác nhau như: hoa văn hình mặt trời, hoa văn hình người hóa trang cách điệu, hoa văn sóng nước, hoa văn hình chim, hoa văn hình học... Ðặc biệt là hoa văn hình chim bay trên mặt trống gắn liền với sự tích và câu chuyện kể về tình yêu của một chàng trai thợ săn cùng cô gái dệt vải mà những người già vẫn kể cho con cháu nghe mỗi tối bên bếp lửa hồng.

Trống đồng thường được dùng trong tang ma, trong lễ cúng thổ thần, lễ cúng sức khỏe và lễ tế trời đất... Khi đánh, chiếc trống đực bao giờ cũng được treo bên phải, trống cái treo bên trái. Hai đầu dây được buộc vào từng quai của hai chiếc, treo lên xà nhà, hai trống được buộc quay mặt vào nhau với khoảng cánh giữa hai trống là 30 cm. Người đánh trống dùng một dùi bằng tre dài khoảng 15 cm có đường kính 1cm và một thanh tre dẹt dài 20 cm. Khi đánh tay phải cầm dùi to lia vào 2 mặt trống đực và cái, còn thanh tre dẹt bật ngang vào tang trống đực vì vậy khi nghe có 3 âm cùng phát ra một lúc. Theo các nghệ nhân thì dùi trống xưa bằng củ dong rừng, củ nâu, hay quả bưởi non để héo. Trống đồng trong tâm thức của người Lô Lô không phải là nhạc khí bình thường mà nó gắn với những nghi lễ tín ngưỡng linh thiêng, nên khi đánh trống người ta phải làm lễ cúng trống.  Khi trống được treo lên, thầy cúng thắp ba nén hương, cắm cạnh hai chiếc trống sau đó rót rượu tưới lên tang trống và mặt trống, rồi trống mới được đánh. Theo các nhà dân tộc học thì quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở và tín ngưỡng phồn thực của người Lô Lô được thể hiện một cách rõ nét trong hành động hòa tấu hai chiếc trống đực và cái cùng một lúc. Khi biểu diễn hai chiếc trồng đồng bao giờ cũng tạo ra ba tiết tấu cùng một lúc: hai tiết tấu được tạo ra bởi hai trống đực và cái do dùi tay phải đánh, một tiết tấu khác được tạo nên bởi thanh tre cầm ở tay trái gõ vào tang trống.

Âm thanh của trống đồng, trong quan niệm của  người Lô Lô, có ý nghĩa đặc biệt: Tiếng trống ngân nga đưa linh hồn người chết đến với thế giới tổ tiên, tiếng trống đồng nối cõi sống và cõi chết.

Trong đám tang của người Lô Lô thì bộ ba thầy cúng, tiếng trống đồng và những người múa không bao giờ tách rời nhau. Khi thầy cúng đọc những bài gọi hồn, đưa hồn hay tiễn hồn thì tiếng trống đồng cũng trầm bổng dồn dập, hay nhịp nhàng theo những lời khấn cúng của thầy.

Các điệu múa trong các đám tang rất linh thiêng, song độc đáo hơn cả là điệu múa Người rừng tiếng Lô Lô gọi là Gà lu. Số lượng người tham gia điệu múa Gà lu này có khoảng từ 6 đến 8 người. Những người này lên rừng hóa trang thành người rừng, họ khoác lên mình bộ trang phục bằng lá cây và khi tham gia múa họ phải thực hiện những kiêng kỵ nhất định. Ðây là điệu múa truyền thống để đưa linh hồn người quá cố về với thế giới tổ tiên.

Ðối với người Lô Lô ở Lũng Cú, Hà Giang thì trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, biểu tượng con người được thần linh hóa cả về hình dáng lẫn tiếng nói. Âm thanh của trống đồng có vai trò giữ nhịp cho các điệu múa dân gian, đưa hồn người chết về với tổ tiên. Bên cạnh đó trống đồng còn là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực và sự giàu có của mỗi tộc họ. Trong các bài dân ca của người Lô Lô, trống đồng được nhắc đến nhiều như một biểu tượng cao của văn hóa.

Dân tộc Lô Lô còn có nhiều loại nhạc cụ độc đáo khác như trước đây họ có kèn sử dụng trong đám cưới, đám tang, có các loại sáo để nam nữ tỏ tình với nhau khi đi trên đường, hay khi đi làm nương, làm rẫy... Có thể nói sinh hoạt âm nhạc của người Lô Lô rất đa dạng, nó được trình diễn trong nhiều không gian khác nhau. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, văn hóa nghệ thuật nói chung, âm nhạc của người Lô Lô nói riêng đang có nguy cơ mai một, đã mất đi một số loại nhạc cụ như kèn, sáo, nhị.... Hôm nay, nếu chúng ta đến bản Lô Lô Chải sẽ không còn được thấy, được  nghe âm thanh của những nhạc cụ đó nữa. Tất cả những nhạc cụ đó chỉ còn lại trong ký ức của những người nghệ nhân và điều này đã ảnh hưởng rất nhiều trong việc đánh giá, tìm hiểu và sưu tầm vốn âm nhạc dân gian của người Lô Lô ở Lũng Cú hôm nay.