Đến thôn An Phú, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi chính là một khu vườn xanh mướt nằm trên đỉnh đồi. Giữa khoảng đất đỏ thoai thoải, khu vườn trồng cây ba kích mang mầu xanh thẫm của lá cây cộng với mái lưới che chắn cẩn thận, cái oi nóng đặc trưng của vùng đất đã không còn.
Rừng dược liệu ngay miền giới tuyến
Ba chàng trai Trần Cao Cường, Trần Đức Dũng và Phạm Tài Minh cùng sinh ra bên miền giới tuyến. Từng địa danh gắn liền với lịch sử quê hương như đồi Cồn Tiên, Dốc Miếu, dòng sông Bến Hải... đã đi vào tiềm thức của ba chàng trai. Lớn lên cùng những câu chuyện đạn bom thời chiến tranh cày xới quê hương, những cánh rừng hoang hóa, đồi núi trơ trụi là điều luôn canh cánh trong suy nghĩ của họ. Nhận thấy tiềm năng vốn có của chính loại đất đỏ bazan ở đây, CDM Farm ra đời mang theo mong muốn mở ra cơ hội làm giàu, phát huy được năng lực, sở trường của người dân trong vùng. Từ năm 2021 đến nay, tư duy trồng trọt, cách thức sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống dần được thay thế bằng những phương pháp khoa học, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại.
Nguồn cây giống là bài toán nan giải nhất khi bước vào sản xuất, trồng trọt đại trà. Dù vậy, CDM Farm đã hoàn toàn tự chủ, nhân rộng nguồn cây giống bằng cách phối hợp với Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nghiên cứu giống; hợp tác cùng một nhà ươm ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để trồng cây con. Sau đó, cây con được vận chuyển về nông trại, phân phát miễn phí cho các hộ dân có nhu cầu trồng dưới tán rừng hoặc trong vườn nhà.
Đặc điểm của các loài cây dược liệu là ưa bóng râm trong khoảng hai năm sinh trưởng đầu tiên. Sau giai đoạn đó, vườn dược liệu chuyển sang giai đoạn cần tiếp xúc với khí hậu ngoài trời để lá cây quang hợp, tích lũy giá trị cho phần thân cây và rễ. Giải pháp che hiệu quả, linh động nhất chính là dùng lưới phủ trên hệ thống dây cước. “Chúng tôi dùng vật liệu lưới để che là bởi điều kiện tự nhiên ở Quảng Trị rất khắc nghiệt. Có những thời điểm, gió Lào thổi về mạnh đến cấp bảy, nhiệt độ ngoài trời từ 41 độ C trở lên. Nếu dùng các vật liệu nặng như mái tôn, thép sẽ cần chi phí đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, khi đến thời điểm tháo dỡ, di chuyển quanh nông trại, mái tôn lại không hiệu quả. Nếu áp dụng mái che bằng tôn thì sẽ khó khăn cho việc hướng dẫn bà con sau này”, anh Phạm Tài Minh cho hay.
Là đơn vị tiên phong trồng cây dược liệu tại tỉnh Quảng Trị, CDM Farm đặt ra hai đích đến là cây phải sống, cho giá trị cao; đồng thời, người dân trong vùng nhận thấy rõ sự khác biệt của cây dược liệu. Từ đó, cộng đồng cùng nhau mở rộng diện tích canh tác, phủ xanh những vùng đất vốn đã bị hoang hóa trong suốt hàng chục năm qua.
Kết nối cộng đồng, định hướng tương lai
Qua nhiều thử nghiệm, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và xem xét nhu cầu chăm sóc sức khỏe của xã hội, CDM Farm lựa chọn được ba loại dược liệu thích ứng tốt với điều kiện khó khăn của thời tiết ở vùng đất Quảng Trị gồm ba kích tím, cà gai leo và sâm cau. Theo đó, mô hình canh tác cây dược liệu này đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị cấp chứng nhận áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cùng các đơn vị đánh giá, cấp chứng nhận hữu cơ.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Lân cho biết: Qua theo dõi mô hình canh tác cây dược liệu này chúng tôi thấy cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết ở Quảng Trị. Sở đã hỗ trợ kinh phí cho mô hình cây dược liệu và nhân rộng mô hình này theo Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh...
So sánh với các loài cây hiện có tại địa phương, ba kích tím cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Sau khi trồng bốn năm để đạt tiêu chuẩn khai thác lấy củ, với giá bán hiện nay, 2 ha ba kích tím sẽ cho lợi nhuận gấp hơn 10 lần với cùng diện tích trồng cây keo. Ngoài phần củ, ba kích còn mang lại giá trị cho nhà nông ở phần thân và lá. Sinh khối thân và lá ba kích tím được bán với giá 30.000 đồng/kg. Trong vụ đầu tiên, mọi chi phí đầu tư, trang bị hệ thống tưới tiêu đều được tính toán ở mức độ tuyệt đối với chất lượng cao nhất. Do đó, trong những vụ trồng tiếp theo, con số lợi nhuận thu về sẽ còn tăng cao do đã ổn định về điều kiện canh tác.
Hiện nay, các đơn vị nghiên cứu ba kích tím ở các tỉnh như Quảng Ninh, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đã đưa ra những kết quả nhất định về lợi ích của loài cây này. Tuy nhiên, việc liên kết thành một hệ thống số liệu toàn diện vẫn còn bị rời rạc. Do vậy, đại diện CDM Farm cho rằng, thành công của một nhà khoa học dược liệu là tạo ra cây thuốc mang nhiều dược tính có lợi, đồng thời kèm theo định hướng cách trồng phù hợp cho người nông dân.
Về kế hoạch trong thời gian tới, đội ngũ vận hành CDM Farm chia sẻ, nông trại đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến dược liệu thô ngay tại khu vực canh tác. Xây dựng nhà máy này không chỉ dành riêng cho CDM Farm mà còn hỗ trợ chế biến cho các hộ trồng ba kích trên địa bàn. Đây là bước đi quan trọng giúp nâng tầm dược liệu trước khi xuất bán, từ đó cung cấp sản phẩm thô đến các đơn vị, tập đoàn sản xuất dược liệu trong nước và nước ngoài. Song song đó, hướng đến mở rộng tán rừng tự nhiên, gia tăng diện tích cây dược liệu dưới tán, đồng hành với việc bảo vệ rừng để xin tín chỉ carbon.