Văn hóa làng quê

Trọn tình với quan họ

“Trong tứ trấn người đà chưa tỏ/ Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh/ Yêu nhau trở lại xuân đình/ Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường”.
0:00 / 0:00
0:00
Anh hai ĐứcThắng giới thiệu về các hiện vật quan họ cổ.
Anh hai ĐứcThắng giới thiệu về các hiện vật quan họ cổ.

Liền anh quan họ Dương Đức Thắng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ thôn Hoài Trung (xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) ngân nga đọc câu ca đó khi được hỏi về tình yêu với dân ca quan họ, với văn hóa quan họ. Cũng bởi tình yêu và niềm đam mê với loại hình di sản văn hóa phi vật thể này cho nên anh đã dành trọn tâm huyết cho việc lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa quan họ Bắc Ninh.

Sinh năm 1976, anh hai Thắng là cháu nội của vợ chồng nghệ nhân quan họ từng nổi danh vùng Lim (cụ ông Dương Văn Quyến, cụ bà Nguyễn Thị Hạp). Là thế hệ thứ sáu trong gia đình gắn bó với quan họ, anh cho biết: Từ khi rất nhỏ đã được ông nội rèn từng nết ăn, cách nói, luyện trí nhớ và được ru ngủ bằng lời ca quan họ. Vì thế, bốn tuổi đã ca được bài “Lòng vẫn đợi chờ”; bảy tuổi là thuộc nằm lòng 50 bài quan họ cổ; đến năm 16 tuổi đã học được khoảng 200 giọng quan họ,...

Năm 1992, Đức Thắng cùng với bảy liền anh, liền chị khác trong làng đứng ra thành lập Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung. Đến nay, câu lạc bộ phát triển lên gần 40 thành viên, độ tuổi từ 17 đến 97, sinh hoạt đều đặn vào các buổi tối cuối tuần. Chị hai Nguyễn Thị Huyền (một thành viên tích cực của câu lạc bộ từ những ngày đầu tiên) chia sẻ: “Trân trọng di sản của ông cha, liền anh Đức Thắng cùng chúng tôi đã nỗ lực học hỏi, sưu tầm, trao truyền, trau dồi vốn liếng quan họ một cách bài bản; không ngừng luyện câu, luyện giọng, nhất là những làn điệu cổ và diễn xướng các hình thức hát thờ, hát đối đáp giọng lẻ, giọng vặt,...”.

Để làm giàu thêm vốn quan họ, anh hai Thắng còn dày công đi gặp gỡ, học hỏi từ nghệ nhân các làng quan họ cổ trong vùng, để rèn những bài, những giọng mà làng Hoài Trung không có. Nhờ thế, anh được các nghệ nhân thương quý trao tặng, truyền lại cho nhiều hiện vật quý giá về quan họ Bắc Ninh. Nay, anh có một kho tư liệu với hơn 200 hiện vật, trang phục quan họ xưa, như: Nón quai thao, dải yếm, bao lưng, đèn dầu, cơi trầu, cối giã, bình vôi, ấm chén, nồi đồng, bát hoa, mâm gỗ...

Những hiện vật đều có tuổi đời từ 70-80 năm, thậm chí hàng trăm năm. Trên mỗi đồ vật được ghi tên, địa chỉ cụ thể, để thấy được dấu ấn, thói quen, cuộc đời của các bậc nghệ nhân tiền bối. Bên cạnh đó, liền anh Đức Thắng còn lưu giữ 15 cuốn sổ chép tay của các nghệ nhân, với gần 1.500 bài quan họ gồm các bài cổ, bài độc của nghệ nhân làng quan họ gốc,...

Anh Thắng cho biết: Có những tư liệu phải cất công đi lại, thuyết phục nhiều lần mới được con cháu các nghệ nhân trao gửi. Nghệ nhân Nhân dân Trần Thị Phụng (ở làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), năm nay tròn 100 tuổi, đã trao tặng toàn bộ gia sản của “nghề chơi” quan họ, gồm: Nón quai thao, bộ quần áo năm thân bằng vải lụa, bao lưng sồi đen mà cụ mua từ năm 1938.

Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Đăng Mùi, người rất tâm huyết với việc nghiên cứu quan họ cho rằng: Các nghệ nhân là một phần quan trọng trong lớp tinh hoa mẫu mực của quan họ, và lớp người trẻ như anh hai Thắng chính là cây cầu nối ý nghĩa về tình yêu với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca quan họ Bắc Ninh.

Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung, liền anh Đức Thắng động viên các thành viên thường xuyên tham gia hội thi hát quan họ ở địa phương và đạt nhiều giải cao. Anh còn cung cấp nhiều tư liệu quý cho Viện Âm nhạc Việt Nam, cũng như các đơn vị báo, đài,… để làm tư liệu phục vụ việc bảo tồn và lan tỏa làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh trong nước và nước ngoài.