Trọn niềm tin yêu

NDO -

NDĐT - “Bác Hồ là vị Cha chung”. Dù chưa một lần được đón Bác về thăm, luôn hướng về Người với niềm nhớ thương, kính yêu vô hạn.

Người dân vào đền thờ thắp hương, tưởng nhớ Bác ở xã Lương Tâm.
Người dân vào đền thờ thắp hương, tưởng nhớ Bác ở xã Lương Tâm.

Ngày 3-9-1969, chung nỗi đau với nhân dân cả nước khi nghe tin Bác Hồ qua đời, ngay trong khu hành chính dã chiến xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, một bàn thờ Bác được lập nên. Sau ngay miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân xã Lương Tâm có nguyện vọng xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Kể từ đó đến nay, Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm đã trở thành địa chỉ đỏ để Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hậu Giang và các vùng lân cận đến viếng, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống.

Mỗi năm, có khoảng 45 nghìn lượt người đến Đền thờ viếng Bác. Ông Tư Thống (Lê Văn Thống), Trưởng Ban quản lý Đền thờ Bác Hồ kể: Vào các dịp lễ như Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, sinh nhật Bác Hồ, Quốc khánh, Tết Nguyên đán, Ngày thành lập Đảng, nhân dân Hậu Giang và các vùng lân cận tổ chức hành hương về nguồn, dâng hoa, hương viếng Bác tại Đền thờ rất trang trọng. Đặc biệt, vào dịp 2-9, các chị, mẹ ở đây lại tập trung tổ chức lễ giỗ Bác Hồ. Mỗi người một ít, tùy vào điều kiện thực tế để chuẩn bị mâm cúng. Bà con thường đem những sản vật quê nhà bình dị dâng lên Người, với tất cả tấm lòng kính yêu vô hạn.

Ở vùng đất Long Mỹ anh hùng, nhiều gia đình tổ chức lễ giỗ Bác tại nhà. Gia đình ông Phan Văn Tòng ở ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn là nông dân, đông con, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng từ khi Bác mất, hằng năm, gia đình ông đều tổ chức lễ giỗ tại nhà. Năm 1998, ông Tòng mất, con trai út của ông là anh Phan Văn Nam vẫn duy trì việc thờ cúng Bác đến bây giờ.

Anh Nam kể rằng: “Lúc cha tôi còn sống, đám giỗ Bác tổ chức trang trọng, mời bà con đến dự rất đông. Cha tôi thường dạy, nhờ có Bác mới có cơm no áo ấm, học hành đàng hoàng. Việc tổ chức thờ cúng tại nhà cũng là cách để tưởng nhớ công ơn trời biển của Bác. Làm lễ giỗ Bác để nhắc nhở gia đình mình sống sao cho tốt, không phụ lòng Bác”.

Trọn niềm tin yêu ảnh 1

Chị Linh, vợ anh Phan Văn Nam (nhân vật trong bài) ngày ngày thắp hương tưởng nhớ Bác.

Việc xây dựng Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, thị xã Trà Vinh (nay là TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) rất công phu vì Đền thờ chỉ cách đồn bốt địch chưa tới 400 m. Công việc được tiến hành trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Để xây dựng đền thờ, dân quân phải đào hào, làm công sự, bố trí mấy lớp chông mìn. Có những trận càn của địch kéo dài mấy tháng trời, như trận càn tháng 4-1970 với quy mô lớn vào ấp Vĩnh Hội (nơi đang xây dựng Đền thờ Bác) bằng bốn mũi giáp công, với tàu chiến, trực thăng yểm trợ. Địch càn, quân dân ta chống trả, địch tạm nghỉ ta lại xây. Vì vậy, lễ khởi công xây dựng đền thờ vào ngày 10-3-1970 và dự kiến khánh thành vào ngày 2-9-1970, nhưng mãi đến ngày 26-1-1971 (30 Tết Tân Hợi, năm 1971), ngôi đền mới chính thức được khánh thành.

Trong đêm khánh thành, có hơn 500 người dân, cán bộ, chiến sĩ từ khắp mọi nơi tề tựu trước ngôi đền dự lễ. Chỉ sau một tuần, đã có khoảng 10 nghìn người đến đây viếng Bác. Biểu tượng Đền thờ Bác đã đẩy cao niềm tin, khí thế cách mạng của nhân dân. Vào ngày 10-3-1971, địch mở trận càn quy mô lớn có cả trực thăng yểm trợ, đến 3 giờ chiều, chúng mới tiếp cận được khu vực và đốt đền. Riêng ảnh Bác, chúng không dám đốt mà đem về dinh Tỉnh trưởng. Địch đốt ta lại xây, và ngôi đền được khánh thành lần thứ hai cũng tại nền đất cũ, vào ngày 3-2-1972.

Ngày 5-9-1989, Đền thờ Bác ở ấp Vĩnh Hội vinh dự được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cũng trong năm đó, một ngôi nhà hình đóa sen được dựng lên để che mưa nắng cho ngôi đền. Sau đó, ngôi nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên mẫu được xây dựng ở khu di tích trở thành niềm tự hào của người dân Trà Vinh. Hằng năm, khu di tích đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và nước ngoài. Ngày 2-9, nhân dân xã Long Đức nói riêng và nhân dân tỉnh Trà Vinh nói chung tổ chức lễ giỗ, báo công dâng Bác. Hai năm một lần, Tỉnh đoàn Trà Vinh tổ chức hội trại, biểu dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những ngày tháng 5, nhiều người dân đất Tây Đô đến viếng Tượng đài Bác Hồ, ở công viên bến Ninh Kiều (ven sông Hậu). Chúng tôi gặp họa sĩ Đỗ Năm (phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), người có gần 40 năm sáng tạo hàng trăm tác phẩm về Bác Hồ bằng những chất liệu đặc biệt. Tiêu biểu là bộ sưu tập 31 bức chân dung Bác Hồ làm từ dây điện, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh); hay tác phẩm Bác Hồ với các em thiếu nhi làm bằng vỏ trái măng cụt. Gần đây là tác phẩm chân dung Bác Hồ thời trẻ được làm từ lá và thân cây dừa nước rất độc đáo, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của người con đất phương nam với Bác. Họa sĩ Đỗ Năm chia sẻ: “Bác Hồ có công lớn với đất nước, với dân tộc, nhân dân ai cũng nhớ ơn Bác bằng những cách thể hiện khác nhau. Cá nhân tôi vẽ chân dung Bác bằng cả tấm lòng”.

Hơn 10 năm trước, phong trào rước ảnh Bác Hồ về thờ hoặc treo trang trọng trong nhà được hội viên Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ tích cực hưởng ứng. Phong trào dần lan rộng ra các tầng lớp nhân dân, hộ gia đình trong toàn thành phố. Đến nay, hầu hết các gia đình TP Cần Thơ rước ảnh Bác về thờ hoặc treo trang trọng trong nhà. Hằng năm vào dịp sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh, giỗ Bác, nhiều gia đình dâng hoa, hương và những sản vật địa phương lên bàn thờ để tưởng nhớ công ơn to lớn của Người.

Ông Trần Thành Nghiệp, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ cảm động nói: “Nhiều người dân tự nguyện liên hệ với các cấp hội cựu chiến binh để rước ảnh Bác Hồ về thờ, hoặc treo trang trọng trong nhà, cho thấy tấm lòng kính yêu của người dân đối với Bác. Việc làm này có ý nghĩa lớn đối với việc giáo dục các thế hệ tương lai”.