Chuyến bay chở phi hành gia Mark Vande Hei của NASA cùng hai phi hành gia Nga Anton Shkaplerov và Pyotr Dubrov trở lại Trái đất trên tàu vũ trụ Soyuz MS-19 của Nga đã được theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh xung đột giữa hai nước leo thang.
Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đã phát sóng đoạn phim về cuộc hạ cánh từ thảo nguyên Kazakhstan và cho biết một nhóm chuyên gia kỹ thuật và y tế đã được cử đến để giúp các phi hành gia ra khỏi khoang.
Người đứng đầu Roscosmos, ông Dmitry Rogozin viết trên Telegram: "Theo lực lượng cứu hộ, phi hành đoàn sức khỏe ổn định sau khi hạ cánh".
Theo NASA, phi hành gia Mỹ Vande Hei, 55 tuổi, đã hoàn thành sứ mệnh vũ trụ thứ hai của mình, lập kỷ lục về độ bền không gian của nước này khi sống trong 355 ngày liên tục trên quỹ đạo, vượt qua kỷ lục 340 ngày trước đó do phi hành gia Scott Kelly thiết lập vào năm 2016.
Anh Vande Hei đã mỉm cười và vẫy tay khi được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi khoang chứa và các nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe.
Trong một tuyên bố, Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết: “Sứ mệnh của Mark không chỉ đạt kỷ lục mà còn mở đường cho các nhà thám hiểm trong tương lai trên Mặt trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa”.
Kỷ lục mọi thời đại về thời gian ở trong không gian lâu nhất thuộc về nhà du hành vũ trụ người Nga Valeri Polyakov, người đã sống hơn 14 tháng trên trạm vũ trụ Mir, trở về Trái đất vào năm 1995.
Một thành viên khác trong chuyến trở về này, anh Dubrov, phi hành gia người Nga 40 tuổi, cũng đã sống 355 ngày trên vũ trụ ngay trong chuyến bay vũ trụ đầu tiên của mình. Anh được phóng lên ISS cùng với Vande Hei vào tháng 4 năm ngoái từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.
Theo NASA, phi hành gia người Nga Shkaplerov, 50 tuổi, cựu chỉ huy mới nhất của ISS, đã thực hiện 4 nhiệm vụ tới tiền đồn quỹ đạo với tổng cộng 708 ngày trong không gian, vượt xa con số 523 ngày trong sự nghiệp của Vande Hei. Anh Shkaplerov bắt đầu chuyến du hành trên trạm vũ trụ gần đây nhất của mình vào tháng 10 năm ngoái.
Ba phi hành đoàn ISS trở về đã được thay thế trên trạm vũ trụ bởi ba phi hành gia đã bay lên quỹ đạo vào ngày 18/3, cùng với ba đồng nghiệp người Mỹ và một phi hành gia người Đức từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Trước đó, ngày 24/2, theo thông báo về các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ cao chống lại Nga mà theo ông là nhằm "làm suy giảm" ngành hàng không vũ trụ của Nga, trong đó có cả chương trình không gian của nước này.
Sau đó, ông Rogozin, Tổng giám đốc Roscosmos đã đả kích trong một loạt bài đăng trên Twitter cho thấy lệnh trừng phạt của Mỹ có thể "phá hủy" tinh thần đồng đội của ISS và dẫn đến việc trạm vũ trụ rơi khỏi quỹ đạo.