Trợ lực đưa nông sản, đặc sản lên sàn thương mại điện tử

Hơn 20 sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng được đưa lên sàn thương mại điện tử thông qua Chợ phiên OCOP Hải Phòng. Chỉ diễn ra trong bốn giờ đồng hồ, hoạt động này đã thu hút hơn 20,7 triệu lượt người tiếp cận, hơn 578 nghìn người xem trực tiếp, mang về doanh thu hơn 750 triệu đồng. Đây là tín hiệu tích cực mở hướng mới cho tiêu thụ nông sản, đặc sản các địa phương, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ phiên OCOP Hải Phòng thực hiện livestream giới thiệu nông sản, đặc sản của thành phố Cảng trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
Chợ phiên OCOP Hải Phòng thực hiện livestream giới thiệu nông sản, đặc sản của thành phố Cảng trên nền tảng mạng xã hội TikTok.

BÍ thư Thành đoàn Hải Phòng Vương Toàn Thu Thủy chia sẻ, hướng tới mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số và hỗ trợ các sản phẩm OCOP, các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, Thành đoàn Hải Phòng phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, doanh nghiệp truyền thông tổ chức chương trình Chợ phiên OCOP Hải Phòng. Hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử qua nền tảng mạng xã hội TikTok. Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, thúc đẩy phát triển sản phẩm số, ứng dụng thông minh trong thanh niên, cũng như không ngừng nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hải Phòng.

Đại diện TikTok Shop Nguyễn Khánh Toàn cho hay: Chợ phiên OCOP là sáng kiến nhằm đưa nông sản, đặc sản của các vùng miền lên sàn TikTok Shop. Đây cũng là giải pháp không chỉ tạo thói quen cho người tiêu dùng mua sắm trên sàn thương mại điện tử, mà còn tạo điều kiện hỗ trợ, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... rộng rãi tới người dùng, nhất là lớp trẻ.

“Việc bán hàng nông sản online này lợi nhuận không cao, rủi ro lớn (bởi phần lớn là hàng thực phẩm) nhưng thông qua đó cũng góp phần tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường... Và điều quan trọng nhất là góp phần cải thiện sinh kế của nông dân các địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp cả nước. Đây là hướng đi chiến lược của TikTok Shop”, ông Nguyễn Khánh Toàn chia sẻ thêm.

Chương trình livestream Chợ phiên OCOP với chủ đề Đặc sản Hải Phòng giữa tháng 10 vừa qua đã giới thiệu hơn 20 sản phẩm đặc trưng của thành phố như: Chả chìa Hạ Lũng Bác Hoạt, pate Cột Đèn, nước mắm Cát Hải, đông trùng hạ thảo Phúc Khang, mật ong Tùng Hằng, tinh bột củ sen Vũ Đoàn, gạo rươi Kiến Quốc... Chỉ trong khoảng bốn giờ đồng hồ được livestream trên nền tảng TikTok đã thu hút gần 20,7 triệu lượt tiếp cận, hơn 578 nghìn lượt người xem trực tiếp, tổng doanh số bán đến khi đóng máy là hơn 750 triệu đồng. Điều này đã minh chứng cho sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, cũng như hiệu quả giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hải Phòng Trần Thị Nghĩa cho biết, trên địa bàn Hải Phòng hiện có hơn 330 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và muối. Việc tổ chức Chợ phiên OCOP cũng là để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân, ngư dân, diêm dân từ đó tăng sức tiêu thụ sản phẩm-vấn đề khó khăn của những người sản xuất nhỏ lẻ.

Ông Lê Khắc Hoạt, chủ cơ sở Chả chìa Hạ Lũng - một đặc sản OCOP 3 sao được sản xuất thủ công bằng tình yêu của người thợ và bí quyết gia truyền đã nổi danh ở Hải Phòng chia sẻ: Thông qua livestream trên mạng xã hội tại Chợ phiên OCOP mà món đặc sản truyền thống của gia đình ông tiếp tục được lan tỏa rộng rãi hơn tới người dân của mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Sản phẩm tiêu thụ tốt hơn cũng là động lực cho cơ sở của ông tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như thực hiện các giải pháp để sản phẩm được bảo quản tốt hơn, vận chuyển xa hơn; cơ sở cũng đa dạng các kênh bán hàng hơn...

Ông Đặng Thanh Tùng, chủ cơ sở sản xuất Mật ong Tùng Hằng ở xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) ngay khi livestream đã có nhiều người theo dõi và đặt hàng. Ông phấn khởi chia sẻ, đây là kênh bán hàng mới có nhiều triển vọng để giới thiệu và đưa sản phẩm mật ong rừng ngập mặn độc đáo của quê hương đi xa hơn...

Không có sản phẩm được giới thiệu trong Chợ phiên OCOP Hải Phòng lần này nhưng ông Đậu Văn Hải, đại diện Công ty nước mắm Hương Biển của huyện đảo Cát Hải vẫn có mặt trực tiếp tại Chợ phiên OCOP để chứng kiến và mong muốn được hợp tác lâu dài với các nhà tổ chức để đưa sản phẩm nước mắm truyền thống lâu đời của đơn vị ông đến với đông đảo người tiêu dùng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, chương trình OCOP đã được Hải Phòng hưởng ứng và triển khai với quyết tâm cao từ thành phố tới các quận, huyện, ban, ngành và sự đồng thuận từ người dân các xã, phường, thị trấn. Với quyết tâm đó, từ năm 2019 đến nay, toàn thành phố công nhận 188 sản phẩm OCOP, trong đó có 126 sản phẩm đạt 3 sao, 57 sản phẩm đạt 4 sao, năm sản phẩm đang được gửi lên Trung ương để đánh giá OCOP 5 sao. Tuy vậy đầu ra cho sản phẩm OCOP vẫn là điều quan trọng để tạo sức sống bền vững cho các sản phẩm cũng như nghề truyền thống của các địa phương.

Hiện nay, thành phố Hải Phòng đang nghiên cứu xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử riêng cho hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP địa phương, phát triển song song cùng với sàn thương mại điện tử Voso.vn của Viettel Post... Cùng với đó là triển khai lập bản đồ điện tử chỉ dẫn thương hiệu sản phẩm OCOP có gắn kết với bản đồ điểm đến du lịch; xây dựng bộ cẩm nang sản phẩm OCOP của Hải Phòng để quảng bá, giới thiệu rộng khắp hơn; khuyến khích các chủ thể có sản phẩm OCOP đăng ký quyền sở hữu trí tuệ liên quan sản phẩm, chú trọng đối với những sản phẩm chủ lực... ■