Trở lại Vị Xuyên thăm chiến trường ác liệt năm xưa

Sau 40 năm chia tay đồng đội, xa vùng chiến địa được coi là ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc, chúng tôi có dịp trở lại Vị Xuyên (Hà Giang) thắp nén hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ với tâm trạng bồi hồi và những cảm xúc khó tả.
0:00 / 0:00
0:00
Đài tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên ở Điểm cao 468.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên ở Điểm cao 468.

Chúng tôi trở lại Vị Xuyên vào một ngày thời tiết khá mát mẻ. Sáng sớm, những cung đường uốn cong chìm trong sương mù nhẹ, những cành cây đu mình với những hạt nước nhỏ lấp lánh ánh mặt trời, dòng sông Lô ẩn hiện nhấp nhô theo triền dốc gợi nhớ.

Sau khi đến thăm và dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, chúng tôi ngược lên Cửa khẩu Thanh Thủy, nơi chiến trường ác liệt năm xưa, để đến Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 ở lưng chừng núi Nậm Ngặt.

Gần 40 năm trước, nơi đây là trung tâm của mặt trận Vị Xuyên phía tây sông Lô, cũng là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc.

Suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng quân ở địa bàn Vị Xuyên ngày đêm anh dũng, mưu trí, kiên cường chiến đấu, quyết tâm giữ gìn từng mỏm đồi, vách núi, điểm cao, với tinh thần "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử".

Nơi đây đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh và hơn 9.000 người đã để lại một phần cơ thể tại những trận địa được mệnh danh là "Đồi thịt băm", "Ngã ba cửa tử"...

Những dãy núi đá tai mèo trước đây từng là trận địa khốc liệt năm xưa ở vùng biên giới Vị Xuyên nay đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cây cối, nương lúa, nương ngô. Cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng thay da, đổi thịt, hồi sinh trên mảnh đất biên cương vẫn còn nhiều gian khó.

Thời gian đã lùi xa, nhưng dấu tích của cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và những hy sinh, mất mát để gìn giữ từng tấc đất, từng mỏm đá của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến ác liệt vẫn còn đó.

Cùng đồng đội - những người trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trở lại thăm chiến trường xưa, chúng tôi lặng lẽ thắp nén hương thơm, lau từng phần mộ cho đồng đội mình. Ai cũng nghẹn ngào, xúc động khi nghĩ về những năm tháng hào hùng xen lẫn đau thương, mất mát của cuộc chiến năm xưa.

Tôi cùng nhiều đồng đội may mắn được trở về với gia đình, người thân, nhưng hiện vẫn còn nhiều hài cốt của cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc vẫn còn nằm lại ở chiến trường, chưa về với gia đình, đồng đội.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của 1.863 liệt sĩ và một mộ tập thể. Đây là "ngôi nhà chung" của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc và các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Những dãy núi đá tai mèo trước đây từng là trận địa khốc liệt năm xưa ở vùng biên giới Vị Xuyên nay đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cây cối, nương lúa, nương ngô. Cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng thay da, đổi thịt, hồi sinh trên mảnh đất biên cương vẫn còn nhiều gian khó.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, nội lực khai thác và phát huy thế mạnh, đột phá, tạo nguồn lực cho hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất, phục vụ phát triển kinh tế, thương mại và du lịch, du lịch tâm linh, trong đó có việc nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468.

Với phương châm "việc dễ làm trước, việc khó làm từng bước", huyện Vị Xuyên đã triển khai hiệu quả đồng bộ các kế hoạch, giải pháp, chú trọng xây dựng và phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo bước đột phá, huy động nhiều nguồn lực thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, khai thác các tiềm năng, lợi thế để giảm nghèo bền vững; nâng cao dân trí, phát huy và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Hiện nay, đường giao thông nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt 24 tuyến/24 xã, thị trấn. Vị Xuyên hiện đang có hơn 2.700 ha chè Shan Tuyết, với sản lượng hơn 8.000 tấn. Cùng với cây chè mang lại thu nhập cho người dân, huyện có hơn 2.800 ha cây thảo quả, sản lượng khoảng hơn 2.000 tấn, cho giá trị thu nhập hơn 60 tỷ đồng/năm.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2023, Vị Xuyên phấn đấu mục tiêu thu ngân sách hơn 322 tỷ đồng, sản lượng lương thực đạt hơn 57 nghìn tấn và thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người.

Đại tá Nguyễn Minh Khôi, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, cho biết: Vị Xuyên năm xưa là chiến trường ác liệt, nhưng hiện nay, cuộc sống của người dân không chỉ ở các xã biên giới mà toàn huyện đang có sự thay đổi, phát triển vững mạnh mọi mặt, từ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đến phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc địa bàn và hơn 277 km đường biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang còn làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các gia đình có công với nước.Triển khai và thực hiện tốt công tác dân vận, vận động đồng bào các dân tộc hiểu biết thêm và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, gắn với củng cố cơ sở chính trị. Đồng thời, chủ động phối hợp các ban, ngành thực hiện tốt chính sách xã hội và chính sách hậu phương quân đội; tích cực vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống thiên tai, hỏa hoạn.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện tốt phương châm: Bám bản làng, bám dân, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phát triển đời sống, kinh tế-xã hội sau chiến tranh bằng nhiều chương trình, nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa như: chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là giống ngô; chương trình bò giống, hỗ trợ gạo cho người nghèo; quân dân y kết hợp, khám, cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí cho người dân; xây và tặng nhà đồng đội, tình nghĩa, đại đoàn kết, xóa nhà tạm cho người nghèo; thực hiện dự án "Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường"...

Hàng nghìn hộ gia đình và người dân địa phương, nhất là vùng biên giới Vị Xuyên được hưởng lợi từ các mô hình, dự án nêu trên, góp phần củng cố mối quan hệ quân dân bền chặt.

Trở lại Vị Xuyên, được đi và đến những vùng đất, địa danh, những dòng sông, ngọn núi mà một thời tôi cùng đồng đội đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu mới thấu hiểu thêm ý nghĩa về sự hy sinh của những người lính để bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Vị Xuyên giờ đây không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tâm linh, mà còn có cả những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, phong tục, tập quán, văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo và tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em cùng sinh sống. Một Vị Xuyên đang vươn lên mạnh mẽ.