Trở lại “thung lũng trăn”

Rừng, tiếp rừng. Núi, rồi lại qua núi. Suốt dọc đường đi vẫn là thăm thẳm mầu xanh hoang sơ và kỳ vĩ của đại ngàn. 20 năm, hôm nay tôi mới được trở lại với những người bạn dân tộc Cơ Ho Chill buôn K’long K’lanh anh hùng - căn cứ của hai cuộc kháng chiến (thuộc xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) dưới chân dãy Bidoup - một trong ba đỉnh núi cao nhất được mệnh danh là nóc nhà, điểm tựa tâm linh của vùng đất Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày hội nơi buôn làng Cơ Ho giữa núi rừng nam Tây Nguyên.
Ngày hội nơi buôn làng Cơ Ho giữa núi rừng nam Tây Nguyên.

Chuyện kể rằng, xưa kia, thung lũng nơi thượng nguồn dòng sông Đa Nhim này loài trăn nhiều lắm. Trăn sống trong các hang đá lạnh, bên các dòng suối lớn như Hung yău, Liêng sú, Đưng T’vó. Buổi đẹp trời, những con trăn lớn bé trườn mình lên thảm cỏ phơi nắng, vảy trăn phản quang lấp lánh dưới ánh nắng. Có thể vì lẽ đó, người Cơ Ho Chill nơi đây gọi tên quê hương của mình là thung lũng trăn mà tiếng bản địa là “K’long K’lanh”.

Đang trò chuyện về huyền thoại tên gọi vùng đất cổ, vùng đất anh hùng mà các đồng nghiệp trẻ đang cần tìm hiểu, chúng tôi đã đến đầu buôn K’long K’lanh từ lúc nào không hay. Văng vẳng trong trưa tĩnh lặng, tiếng hát từ một nơi nào đó cất lên, mà lại là một giọng lẩy chèo mượt mà, làm chúng tôi ngạc nhiên và thú vị hết sức. Giữa thung lũng hoang sơ của buôn làng người Chill lọt thỏm giữa các dãy núi xa mờ Tây Nguyên bỗng được nghe khúc hát cổ truyền vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Thì ra, đó chính là vị già làng khả kính Konsă Ha Chong. Già làng đang vui, gặp khách quý cho nên càng vui hơn.

Tại sao già biết hát chèo? - tôi hỏi. Già chưa vội trả lời mà tiếp tục một điệu nói lối vui tươi: “Khi hoa đào ửng má chào Xuân-Khi hạt mưa rơi thấm tình đất nước-Cũng là lúc tiếng súng chiến trường vang dậy…”. Già Ha Chong kể rằng, những điệu hát chèo ấy và cả quan họ Bắc Ninh, ví dặm Nghệ-Tĩnh nữa, già đã được những đồng đội quê miền bắc dạy cho. Ha Chong có giọng hát khá mượt và từng hát trong những buổi lễ mừng công thắng trận, những cái Tết chiến trường đã lùi về ký ức.

Theo dòng hồi tưởng của cụ già người Cơ Ho Chill, cậu bé Ha Chong nhanh nhẹn, được bố là Ha Đưng - người đảng viên đầu tiên của vùng căn cứ kháng chiến dưới chân núi Bidoup-giác ngộ. Người cha ấy đã dạy Ha Chong đi làm giao liên, truyền tin cho các cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng như Chế Đặng, Đinh Sỹ Uẩn... Những năm 1967-1969, Ha Chong đã trở thành trạm trưởng một trạm giao liên trên tuyến hành lang chiến lược bắc-nam. Anh đã đứng ra tổ chức chiêu mộ hàng trăm trai gái trong các buôn làng đi cứu thương, tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến trường, hoạt động suốt tuyến Quốc lộ 21, nối Nam Tây Nguyên với chiến khu D và Trung ương cục miền nam.

Đội quân ấy là những chiến binh dũng cảm của Đoàn H50 Anh hùng nổi tiếng một thời. Ha Chong cũng từng là Phó Bí thư Huyện đoàn Đơn Dương từ những ngày đất nước còn trong máu lửa. Hôm nay gặp già giữa rừng, giữa buôn làng cũ và những kỷ niệm một thời cũng tự nhiên trở về. Khi kể về quá khứ, già làng Ha Chong như trở lại với thời trai trẻ cùng đồng đội đi đánh đồn Thái Phiên, Chư K’longga, hay tập kích Trường võ bị Đà Lạt-trung tâm đào tạo quân lực của Việt Nam cộng hòa trong những ngày Xuân Mậu Thân 1968…

Trong câu chuyện thân mật với vị già làng vui tính, người chiến binh dân tộc Chill năm xưa, tôi chợt hồi tưởng hình ảnh K’long K’lanh trong một chuyến công tác qua đây vào mùa lũ hơn 20 năm trước. Đó là một chuyến đi ghi lại những trang buồn trong cuốn sổ tay của người làm báo.

Sau chuyến đi ấy, tôi đã viết một phóng sự đầy ắp chuyện không vui, kể về thân phận của một làng buôn, một căn cứ kháng chiến kiên trung vốn rất nghiều gian khó, hy sinh nay tiếp tục thầm lặng chịu đựng hy sinh trong nguy cơ lãng quên sau nhiều năm nước nhà không còn bóng giặc. Hóa ra, trang nhật ký phóng viên của tôi thời đó nay đã trở nên lạc hậu lắm rồi. Hơn 20 năm, một sự đổi thay đáng kinh ngạc đã đến với người Cơ Ho Chill K’long K’lanh, như lời già làng Konsă Ha Chong: “Người Chill buôn mình nay đã hết khổ rồi, sướng rồi”.

Đường lớn đã mở từ mười mấy năm trước - một con đường lớn đã mở thật sự chứ không phải là một kiểu nói trừu tượng thường nghe. Con đường ấy đã đưa lối chúng tôi vào K’long K’lanh hôm nay một cách dễ dàng chứ không phải mò mẫm xuyên rừng như chuyến đi của nhiều năm trước. Đó là Quốc lộ 27C dài 141 km nối liền đô thị cao nguyên Đà Lạt với phố biển Nha Trang phóng tuyến xuyên qua giữa buôn K’long K’lanh. Con đường ấy với buôn làng người Chill như một huyền thoại, nó chính là dấu ấn chấm dứt những năm tháng hoang vu, chìm đắm giữa đại ngàn.

Tuyến đường mới, một tương lai tươi sáng đã và đang dần hiện ra trên vùng đất anh hùng năm xưa. Đường lớn mở, dòng điện về. Không còn cách trở nữa, K’long K’lanh đã tổ chức sản xuất hàng hóa, trở thành một điểm du lịch lịch sử, văn hóa sắc tộc và khám phá thiên nhiên hấp dẫn mang đậm dấu ấn Tây Nguyên trong tour lữ hành từ biển lên rừng. Nhiều nhà đầu tư tìm đến buôn K’long K’lanh và bây giờ nơi này trở thành một vùng sản xuất cá nước lạnh nổi tiếng trên bản đồ thủy sản Việt Nam.

Nhiều hộ dân người Cơ Ho Chill buôn làng này tham gia giữ rừng đầu nguồn Đa Nhim, giữ Vườn quốc gia Bidoup. Nhiều người trẻ tham gia làm xã viên Hợp tác xã cà-phê mang tên Chappi, họ vừa sản xuất cà-phê sạch xuất khẩu, vừa là những hướng dẫn viên cho khách du lịch trong tour khám phá rừng núi, buôn làng. Ngày xưa, khắp mảnh đất K’long K’lanh tràn ngập cỏ tranh, lạnh buốt những đêm gió hú, nay mát mắt bởi những vườn hồng, cà-phê trĩu quả và những trang trại nuôi cá tầm, cá hồi. Trên đồi, những đàn bò núng nính nối đuôi nhau gặm cỏ, tiếng lục lạc nghe thật vui tai…

Cứ mỗi lần về với vùng sâu, tôi thích được trọn vẹn sống trong không gian đêm rừng, và lần này cũng vậy. Đêm ở K’long K’lanh không còn hoang lạnh như ngày xưa nữa, dù bốn ngọn núi cao vây quanh thung lũng vẫn sừng sững uy nghi như chứng tích về sự biến động của mọi thời. Dù gió cao nguyên vẫn ràn rạt thổi về từ miền thẳm xa nào đó. Đêm buôn làng sáng choang ánh đèn điện. Chúng tôi cùng nhập vào buổi sinh hoạt giao lưu giữa chi đoàn buôn và chi đoàn giáo viên. Ngọn lửa thắp sáng giữa buôn, trước sân nhà sinh hoạt cộng đồng. Sự rụt rè, xa lạ được thay bằng không khí thân thiện.

Những chàng trai, cô gái Cơ Ho Chill buôn K’long K’lanh, những cô giáo, thầy giáo người Kinh và chúng tôi hát trong tiếng ghi-ta bập bùng. Những bài ca cách mạng một thời lại vang lên giữa vùng đất chiến khu oai hùng năm xưa. Thấy vui, chị Ka Bin len vào và nói rằng, rất lâu rồi hôm nay mới lại thích hát. Chất giọng của người phụ nữ tuổi xấp xỉ bảy mươi vẫn ngọt ngào và vút cao khỏe khoắn trong bài ca “Cô gái vót chông” lay động một thời. Tiếng hát năm xưa thắp lửa cho người đi đánh giặc, nay xúc động nao lòng nhớ về quá khứ, làm cho những cư dân sống giữa đại ngàn hùng vĩ này vững tin và ấm lòng hơn trên đường tới ngày mai .