Trở lại Tân Trào chứng kiến những đổi thay lớn lao

Tân Trào - Thủ đô lâm thời Khu giải phóng, trung tâm Thủ đô kháng chiến là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám và chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đã 78 năm trôi qua, các thế hệ hôm nay đang phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Bơi mảng hát then trên hồ Nà Nưa, một hoạt động thu hút khách du lịch.
Bơi mảng hát then trên hồ Nà Nưa, một hoạt động thu hút khách du lịch.

Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào), thông qua ba quyết định lớn: Phát động Tổng khởi nghĩa; thông qua 10 chính sách của Việt Minh và thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Bản Quân lệnh số 1 xuất quân của Giải phóng Việt Nam lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội...

Về lại Tân Trào ngày nay thấy thay đổi rõ rệt, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày được bảo tồn, sửa chữa và xây dựng mới. Đường giao thông được bê-tông hóa 100%... Tự hào với truyền thống cách mạng, người dân Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương, đưa Tân Trào trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2014.

Sự thay đổi hiện rõ ở đường làng, ngõ xóm đã được bê-tông hóa, trường học, trạm y tế xã được xây dựng khang trang, người dân hăng hái phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Trên địa bàn xã hiện có nhiều mô hình trồng cây nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao như mô hình trồng dưa chuột, trồng ớt xuất khẩu, sản xuất chè sạch... Xã Tân Trào cũng có ba sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là: Mật ong Tân Trào, rượu men lá và sản phẩm tâm trà.

Ông Ma Văn Yên, Trưởng thôn Bòng, xã Tân Trào hào hứng cho biết, đời sống khá lên nhiều cho nên năm 2023 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, chính quyền xã và nhân dân tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như: Các trò chơi dân gian, các môn thể thao như đẩy gậy, kéo co, đua mảng, đánh bóng chuyền hơi; liên hoan văn hóa các dân tộc, cắm trại… Nhân dân trong xã rất hào hứng, phấn khởi.

Đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Trào phấn khởi chia sẻ, trên địa bàn xã giờ không còn đường đất; tất cả đường thôn, 60% đường nội đồng đã được cứng hóa. Tân Trào cũng không còn nhà tạm, nhà dột nát. Hiện nay, tư duy sản xuất, phát triển kinh tế của người dân đã thay đổi, người dân chủ động nắm bắt thời cơ, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế và trở thành chủ thể xây dựng nông thôn mới. Hơn 80% số hộ dân trong xã có mức sống từ trung bình đến khá, giàu; thu nhập bình quân đầu người đạt 52,8 triệu đồng/năm, tăng hơn hai lần so với thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới.

Năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã được cấp hơn 800 triệu đồng để làm đường bê-tông nông thôn; 100 triệu đồng để sửa chữa nhà văn hóa thôn Tân Lập; 150 triệu đồng để xây dựng cổng, hàng rào Nhà văn hóa thôn Vĩnh Tân và thôn Tiền Phong. Phòng khám đa khoa khu vực Tân Trào vừa được khởi công nâng cấp. Các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia.

Nhằm phát triển du lịch cộng đồng, vừa qua, chín hộ dân tại thôn Tân Lập được hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, để sửa chữa, nâng cấp nhà ở, bảo tồn nhà sàn truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng homestay.

Hiện nay, xã Tân Trào đang triển khai thực hiện Dự án Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào cũng như thực hiện chủ trương nâng cấp, sửa chữa tuyến đường ĐH15 dài khoảng 4 km nối ATK Tân Trào với ATK Định Hóa (Thái Nguyên) nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối, liên kết vùng để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Trào Hoàng Đức Soài, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của xã là tuyên truyền để người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tập trung phát triển các ngành du lịch, dịch vụ; tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị để thực hiện xây dựng các vùng hàng hóa tập trung, tạo các chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân; nâng cao ý thức trong bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống, chỉnh trang khuôn viên, nhà ở, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình và thu hút khách du lịch; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chỉ tiêu, từng bước đưa Tân Trào trở thành khu du lịch quốc gia; góp phần đưa Tân Trào thực hiện mục tiêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại V trong giai đoạn 2026-2030.