Trợ giúp sinh viên mồ côi, khó khăn

Còn hai tháng nữa là đến ngày giỗ đầu của ba nhưng bốn mẹ con Bảo Quý Nam (Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chưa có cách xoay xở tài chính vì năm học mới đã đến mà tiền thuê trọ, tiền điện, nước vẫn không giảm.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Nguyễn Ðình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao học bổng tặng sinh viên mồ côi, khó khăn. (Ảnh: Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
PGS, TS Nguyễn Ðình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trao học bổng tặng sinh viên mồ côi, khó khăn. (Ảnh: Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm rồi, gia đình Nam có năm người đều bị nhiễm Covid-19 và ba của em không qua khỏi. Mẹ con Nam ngơ ngác bên nỗi đau quá đột ngột và chọn cách mưu sinh bằng bán vé số. Thấy hoàn cảnh gia đình quá vất vả, cả ba chị em đều muốn nghỉ học để phụ giúp mẹ nhưng chị gái Nam không đồng ý. Cầm giấy báo trúng tuyển đại học, Nam thầm khóc gọi tên ba.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Trường đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh) đã phải bỏ học đến hai lần vì không có tiền. Do từ nhỏ đã không có ba, Tuyết sống cùng mẹ và ông, bà ngoại trong sự thiếu thốn trăm bề, em phải tự đi làm thêm. Ðến năm vào đại học thì mẹ Tuyết mất vì tai nạn và ông ngoại qua đời do Covid-19. Vừa rồi, Tuyết nhập học trễ hai tuần vì không đủ tiền đóng học phí.

Hoàng Bích Nương (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ trong nước mắt: "Em sinh ra là đứa trẻ không ba. Em lên 3 tuổi thì mẹ đi thêm bước nữa, gửi em cho ngoại. Giờ em rất sợ ngoại mất đi, em chỉ còn một mình…".

Trên đây chỉ là ba trong số 43 sinh viên nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt được nhận học bổng năm 2022-2023 từ Quỹ Phát triển Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. PGS, TS Nguyễn Ðình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Ngày xưa nhà nghèo, tôi từng nhận học bổng dành cho sinh viên vượt khó học giỏi. Sau này, tôi may mắn gắn với công việc tìm kiếm và trao học bổng cho sinh viên nghèo. Mỗi lần trao, tôi đều trang trọng gửi gắm sự tin yêu và kỳ vọng của những nhà tài trợ và thầy, cô cho các em".

Quỹ Phát triển Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động theo mô hình quỹ giáo dục đại học, không vì lợi nhuận. Sau 13 năm thành lập, Quỹ đã vận động và giải ngân được hơn 250 tỷ đồng, trong đó khoảng 150 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, 100 tỷ đồng cho các chương trình học bổng giúp sinh viên, xây dựng hình ảnh nhân văn. Những năm qua, Quỹ đã có các chương trình trao học bổng như: Học bổng toàn phần NK Lee; học bổng toàn phần NutiFood; học bổng toàn phần CDI. Ðáng chú ý, Quỹ đã ra mắt một chương trình rất ý nghĩa cho sinh viên vay ưu đãi học tập với lãi suất 0% và đã có hàng trăm sinh viên tiếp cận với nguồn vay này…

Với sinh viên Lại Tô Hoàng Huy (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), học bổng lần này như "giấc mơ" khi em đã định bỏ học để đi làm thuê nuôi em gái và bà 70 tuổi. Nhờ được tiếp sức kịp thời, Huy tạm gác lo âu và nỗi nhớ ba (đã mất năm Huy 2 tuổi) và mẹ (lập gia đình riêng), tập trung học tập.

PGS, TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong tổng số 43 suất học bổng lần này, có 41 suất học bổng toàn phần với giá trị lớn nhất đến 50 triệu đồng. Quỹ còn đầu tư, kinh doanh tạo vốn nhằm hỗ trợ đào tạo, tài trợ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ Phát triển Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là nguồn động lực để các em nỗ lực hơn nữa trong học tập và cuộc sống.