Trò chuyện với nhà văn Tô Hoài

Hà Nội cổ hay Hà Nội cũ...

Năm nay tám mươi sáu, cả một đời gắn bó với Hà Nội, nhà văn Tô Hoài đã sống qua nhiều thời kỳ, từ chế độ cũ đến khi đất nước giành được độc lập, chín năm kháng chiến rồi Thủ đô được giải phóng... và giờ là mở cửa - hội nhập...

Thi thoảng, có dịp được nghe ông nói chuyện, tôi thực sự thích thú với lối kể dí dỏm và sự am tường của ông, đặc biệt phần về Hà Nội. Ông giống như một cuốn sách sống, không có trang cuối về mảnh đất này, trong đó lưu trữ rất nhiều tư liệu. Không biết có phải “bệnh” của người già không nhưng quả thực, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông liên tục có những khoảng lặng với những điều khiến chúng tôi nghĩ ông là người nệ cổ...

- Thưa ông, điều gì đáng nói nhất trong đời sống Hà Nội hôm nay ?

- Tôi nghĩ đấy là quá trình đổi mới - mở cửa và hội nhập. Đây là điều đặc biệt, là vấn đề rất lớn. Đây cũng là quá trình không thể cưỡng lại được và cũng tất yếu, rất hợp ly. Chỉ có điều bên cạnh rất nhiều mặt tốt vẫn còn một số việc cần giải quyết.

Lấy thí dụ đơn giản thế này, thành phố phát triển, ắt phải xây dựng các khu đô thị lớn, chẳng hạn như khu đô thị mới Mỹ Đình. Không thể dừng việc ấy lại được nhưng những đảo lộn trong xây dựng khiến cả vùng này thay đổi, một số thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Trong khi bộ mặt đường sá, nhà cửa, kiến trúc không còn như cũ thì nếp sống, sinh hoạt làng xã vẫn giữ nguyên. Cả một cái chợ được xây dựng để giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất đìu hiu, buồn tẻ... Tất nhiên, phải thừa nhận cái được lớn hơn rất nhiều.

- Tôi được đọc Dế mèn phiêu lưu ký từ nhỏ, đến giờ thi thoảng vẫn thích đọc lại như một cách để cân bằng. Thú thực, tôi rất ngạc nhiên với vốn sống, vốn hiểu biết của ông ở tuổi ông viết, thể hiện trong tác phẩm này. Có lần ông kể rằng, cảnh vật trong ấy không ở đâu xa mà chính là cảnh làng quê ông, nó là cánh  đồng  làng ông, là sông Tô  Lịch... Gắn bó với Hà  Nội đến mức như  thế, vậy thì Hà Nội xưa để  lại ký ức  sâu  đậm  như  thế nào với ông?

- Hà Nội nay phải thay đổi theo tình hình nhưng bộ mặt cũ vẫn còn, vẫn tồn tại và có một sức sống bền bỉ. Trước, người ta định chuyển quê tôi (xã Nghĩa Đô) thành phường, sẽ gồm sáu xã cũ, cánh đồng cũ và một khu tập thể với vài ba chục đơn nguyên năm tầng, toàn người tứ xứ. Không thể hình thành một phường với làng và khu đô thị manh nha như thế. Thế là phải tách ra thành hai phường, Nghĩa Đô và Nghĩa Tân. Phường Nghĩa Đô vẫn gồm sáu xã cũ, cánh đồng làng.

Cứ như tôi biết, tôi vẫn thường hay về làng lắm, sinh hoạt vẫn tương tự nếp cũ: Dòng họ, cúng bái, tổ họ, làng nghề... Tức là cái cũ vẫn còn và nó có đời sống riêng. Tôi không cắt nghĩa được. Nó làm sao ấy.

Song khái niệm “cổ” hay “cũ” bây giờ, tôi cứ băn khoăn không biết nên gọi là Hà Nội cổ hay Hà Nội cũ. Tôi thì tôi thiên về khái niệm Hà Nội cũ hơn vì vốn cổ, ít ra về kiến trúc, xây dựng còn đâu nhiều...

- Hà Nội tự xưa cũng như hôm nay trở thành nơi tụ hội người bốn phương. Đây cũng là quá trình tất yếu của một Thủ đô phát triển...

- Ấn Độ, Cam-pu-chia... có hai thủ đô, một cũ và một mới. Ta làm theo cách khác, cách ta đương làm, trộn lẫn mà vẫn giữ được cái cũ đồng thời phát triển cái mới. Tức là Hà Nội ở vào thế chan hòa, bảo tồn cái cũ và đón nhận cái mới. Chỉ có điều trong khi làm phải lưu ý đến những mấu chốt của dĩ vãng.

Ba sáu phố phường là nét điển hình của Hà Nội. Ngày xưa, nó là làng nghề, có nghề, có tổ nghề, và đều có gốc ở nông thôn. Cần phải có chính sách đối với nghề cũ của Hà Nội vì Hà Nội còn rất nhiều những làng thủ công.

- Rất nhiều người hoài cổ, muốn níu giữ quá vãng nhưng thực tế là không gì, không ai cưỡng lại được thời gian. Vấn đề là có thể tìm được một cách cân bằng không?

- Tôi không hoài cổ hay thủ cựu mà chỉ nghĩ rằng cần giữ lại được những cái đáng trân trọng, gìn giữ. Làng tôi có nghề làm kẹo mạch nha từ xưa. Bây giờ, nếu nó không “chạy” thì kệ nó “chết” nhưng nó lại vẫn bán chạy được. Vậy thì hà cớ gì để nghề đấy chết.

Bảo tồn, phát triển là điều nên làm. Hà Nội đang làm...

- Hồi Thủ đô giải phóng xong, ông có về Hà Nội ngay không và tâm trạng của ông nói riêng, của anh em văn nghệ sĩ nói chung lúc ấy thế nào, thưa ông?

- Cả đời, tôi đi khắp nơi nhưng đi đâu, hễ ở đâu xa thì khi có điều kiện là phải về ngay Hà Nội. Tôi sinh ra ở đây, xa Hà Nội lâu nhất hồi chín năm, đi Tây Bắc, đi khắp nơi nhưng vẫn phải về đây, bây giờ ngần này tuổi thì ở đây.

Cảnh trong Dế mèn phiêu lưu kí là cảnh quê tôi, cánh đồng làng tôi và sông Tô Lịch. Tôi yêu mảnh đất này lắm tôi mới viết được như thế...

Phải có cái mốc mà vươn tới...

- Thưa ông, nếu cần có một đánh giá nào đấy tổng kết cả quá trình vận động của Hà Nội suốt từ khi giải phóng đến giờ ông sẽ nói như thế nào ?

- Câu hỏi đấy quá lớn với tôi và tôi cũng khó đánh giá. Nhưng tôi đồng ý rằng nước ta, Hà Nội đạt được những kết quả đáng ngạc nhiên, với một tốc độ đáng ngạc nhiên.

- Và trong sự phát triển ấy, ông nghĩ gì về những thay đổi trong nếp sống, trong đời sống của người Hà Nội hôm nay?

- Nếp sống giờ khác chứ. Guồng sống công nghiệp, công chức đã rõ ràng.

- Rất nhiều người, rất nhiều ý kiến trong nhiều dịp đã phàn nàn về một số yếu tố không lành mạnh trong văn hóa, nếp sống ở người Hà Nội. Thưa ông, ông nghĩ như thế nào?

- Họ phàn nàn có lý. Những gì họ phàn nàn đặc biệt rõ rệt trong văn hóa sống, trong lối ứng xử ở thanh niên. Tôi vừa đi uống bia ở một hàng rất sang trọng, gặp hai anh không chỉ trông rất có tiền mà còn rất sang nhưng ngồi cạnh mình thì họ văng kinh quá. Ca dao, tục ngữ làm gì có tiếng chửi tục. Cùng lắm là chém cha cái số má đào...

Nhưng ta khắc phục cái này được, với những phép tắc, định lệ rõ ràng trong môi trường giáo dục, môi trường gia đình và ngoài xã hội.

- Ông là người đã sống qua hai thế kỷ, đã sống hơn tám mươi năm, đã gắn bó với Hà Nội từ hồi chế độ cũ, qua chín năm rồi thời kỳ kháng chiến, đến giờ là đổi mới- mở cửa- hội nhập. Xin phép được hỏi, ông mong muốn hay ông hình dung Thăng Long tròn nghìn tuổi sẽ như thế nào mà ta cứ tạm lấy ngày 10- 10 làm mốc sinh nhật?

- Đấy là dịp để ta khuếch trương những thành quả qua từng năm một, năm năm một để thấy được kết quả đấy là cả một quá trình, được hình thành trên những vận động hợp lý, không ngưng nghỉ và đầy nỗ lực chứ không có chuyện đột ngột. Cần phải có cái mốc để ta vươn tới và thực hiện.

Ngày nào tôi cũng đọc báo Hà nội mới. Anh bưu tá đưa báo đều đặn lúc 6 giờ 10 phút, sáu rưỡi tôi ngồi đọc. Tôi đọc từ trang đầu đến trang cuối, không bỏ sót bài nào, để xem Hà Nội thay đổi ra sao. Tôi giữ nếp ấy bao nhiêu năm nay rồi. Sức không còn khỏe, mình đọc như thế cũng như một cách thay cho việc đi.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn và kính chúc ông mạnh khỏe!