Ði lên từ đôi bàn tay trắng
Năm 1987, sau khi xuất ngũ, chàng trai trẻ Nguyễn Ðức Quảng (trong ảnh) trở về quê hương, như biết bao thanh niên khác cùng lứa tuổi, anh cũng ấp ủ chí làm giàu. Nhưng, khó khăn lớn nhất của anh lúc này là vốn và hướng làm giàu. Anh tâm niệm: Phải làm giàu ngay trên quê hương mình. Nhưng làm giàu bằng cách nào đây, khi quê hương anh từ trước đến nay, người dân sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô thu nhập vài trăm nghìn đồng/sào?
Câu hỏi đó lúc nào cũng trăn trở trong tâm trí anh. Anh đã đi khắp mọi nơi trong tỉnh và các tỉnh lân cận để làm thuê và học cách làm giàu, đã nhiều lần anh làm thử một số mô hình nhưng đều thất bại, số tiền đầu tư bị mất trắng. Không nản lòng, anh vẫn kiên trì quyết tìm cách làm giàu. Trời không phụ lòng người, trong lần tình cờ đi chơi cùng một người bạn đến xã Nhân Hòa (Nhân Hậu, Hà Nam), anh đã phát hiện ra cây chuối tiêu hồng, nhận thấy loại chuối này rất phù hợp thị hiếu của người dân Hà Nội và điều kiện ruộng đồng, trình độ canh tác của địa phương mình, anh Quảng đã quyết định "đi lên" bằng cây chuối tiêu hồng.
Loại chuối này có rất nhiều ưu điểm: Kỹ thuật canh tác đơn giản, có mầu và mã rất đẹp, thích hợp cả mùa đông và mùa hè, càng về mùa hè mã của quả chuối càng đẹp. Ngoài ra, nó còn giúp điều hòa huyết áp và không gây lượng đường thừa trong máu đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Ðược sự giúp đỡ của anh em bạn bè, sự hỗ trợ về vốn của Ngân hàng phát triển nông thôn, gia đình anh đã thế chấp nhà để vay vốn, bước đầu mua giống và thực hiện trồng cây chuối tiêu hồng trên diện tích bảy sào ruộng. Những năm đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn do loại chuối này còn mới lạ trên thị trường chưa chấp nhận.
Anh kể lại: "Những ngày đầu mang chuối bán cực khổ, dân trong huyện và các huyện khác họ chưa quen nên chưa dám mua chuyển lên Hà Nội bán, phần lớn người dân cho rằng, chuối nhuộm thuốc Trung Quốc nên không mua hoặc trả giá rất rẻ, chỉ có số ít người sống ở những khu phố cổ là biết được giá trị của loại chuối này". Có những hôm chở chuối đi bán, không bán được lại phải chở về nhà, mồ hôi thấm ra ướt đẫm cả áo. Không chấp nhận thua cuộc, anh Quảng chịu khó đi khắp các khu phố cổ, rong ruổi từng ngày trên chợ Trương Ðịnh để giới thiệu và mong muốn mọi người chấp nhận và hiểu được giá trị của loại chuối này, khi mọi người chưa hiểu anh vẫn bền bỉ giải thích cho họ và cắt thử cho mỗi người một quả mang về giấm. Sau một thời gian, thấy quả chuối sau khi chín có mầu và mã rất đẹp, ăn lại rất ngọt và ngon, nên người dân đã bắt đầu chấp nhận.
Ước mơ xây dựng "thương hiệu"
Tiếng lành đồn xa, chuối của anh Quảng bán rất chạy, thu nhập của gia đình anh cũng bắt đầu tăng lên. Bên cạnh việc mua chuối, một số người dân đã đến học hỏi và mua chuối giống của anh về trồng. Anh đã truyền lại cho họ kỹ thuật canh tác và cách chăm bón chuối tốt nhất mà anh đã học hỏi được từ người khác và học qua sách báo.
Anh Nguyễn Văn Bẩy một người dân trong vùng cũng đến học cách trồng chuối của anh tâm sự: "Nhờ anh Quảng mà chúng tôi đã biết đến cây chuối tiêu hồng. Nhờ cây chuối mà người dân quê tôi đã dần thoát khỏi cái nghèo". Giờ đây, cây chuối tiêu hồng đã có mặt hầu hết trong tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận như: Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương... tên tuổi của anh Quảng và cây chuối tiêu hồng đã được nhiều người biết đến. Diện tích trồng chuối của gia đình anh cũng tăng lên nhanh chóng. Gia đình anh đã thuê khoảng 5 ha đất để trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là trồng chuối tiêu hồng.
Bên cạnh đó, anh còn trồng thêm một số cây ăn quả dài ngày khác như: Bưởi Diễn, cam đường canh... và một số loại nhãn quý của Hưng Yên. Anh nói: "Muốn gì thì cũng phải giữ gìn được nét đẹp truyền thống của quê hương đất nhãn chứ".
Nhận xét về anh, anh Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Ðại Tập nói: "Anh Quảng là một tấm gương điển hình về cách làm giàu cho mọi người học tập và noi theo". Trung bình, trừ mọi chi phí gia đình anh thu nhập được khoảng 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho sáu, bảy lao động, năm 2006, anh đã bán 20 nghìn cây chuối giống sang tỉnh Hà Tây. Nhờ cây chuối tiêu hồng, thu nhập của người dân trong xã cũng tăng lên đáng kể, trung bình thu nhập từ bốn đến năm triệu đồng/sào chuối. Vào dịp Tết, nếu bán chuối chạy và canh tác tốt có thể lên đến bảy, tám triệu đồng/sào chuối. Khi được hỏi về những dự định của mình sau này anh tâm sự: "Tôi mơ ước mình sẽ xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng cho cây chuối tiêu hồng, để từ đó mọi người trong nước sẽ biết đến và xa hơn nữa có thể xuất khẩu".