Triều cường dâng cao trên sông Cửu Long và sông Sài Gòn

* Nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại do sâu bệnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hiện mực nước sông Cửu Long và hạ lưu sông Sài Gòn đang lên theo kỳ triều cường. Mực nước cao nhất sáng ngày 27-10, trên sông Tiền tại Mỹ Thuận: 1,75m (dưới BĐ3: 0,05m), tại Mỹ Tho: 1,66m (trên BĐ3: 0,06m); trên sông Hậu tại Long Xuyên: 2,11m (dưới BĐ2: 0,09m), tại Cần Thơ: 1,86m (dưới BĐ3: 0,04m); trên sông Sài Gòn tại Phú An: 1,51m (ở mức BĐ3). Dự báo trong hai đến ba ngày tới, mực nước sông Cửu Long và hạ lưu sông Sài Gòn tiếp tục lên theo kỳ triều cường và đạt đỉnh vào ngày 28 và 29-10. Mực nước đỉnh triều tại các trạm chính vùng cuối nguồn sông Cửu Long lên mức BĐ2, BĐ3 và tr&e

* Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, tình trạng xâm nhập mặn năm nay sẽ đến sớm và diễn biến gay gắt hơn nhiều năm trước, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh ven biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công về nhỏ, cho nên độ mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu tại các tỉnh vùng sông Cửu Long trong thời gian tới.

* Tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Dự án đầu tư kè chống sạt lở bãi bồi Đồng Hiệp, thuộc phường Minh An, TP Hội An (giai đoạn 1), với tổng chiều dài tuyến kè khoảng 315m. Dự án thực hiện từ năm 2016 đến 2018, do UBND thành phố Hội An làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư dự kiến 9,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Việc xây dựng kè chống sạt lở bãi bồi Đồng Hiệp nhằm phòng chống lụt bão trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tạo cảnh quan cho thành phố.

* Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay ở các tỉnh phía nam, trên đồng phổ biến rầy nâu, mật độ thấp, cần theo dõi diễn biến của rầy nâu, duy trì mực nước trên ruộng thích hợp để hạn chế rầy chích hút thân cây lúa và khi rầy xuất hiện mật độ cao, cần phòng, chống kịp thời. Những vùng chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2015-2016 vào đầu tháng 11 cần theo dõi bẫy đèn để xuống giống tập trung đồng loạt, né rầy.

* Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, hiện nay bệnh thắt gốc (hay còn gọi là bệnh lở cổ rễ) đã xuất hiện trên cây hành ở các xã Nam Trung và Quốc Tuấn (huyện Nam Sách) với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 1 đến 2%, nơi cao 5% diện tích. Nguyên nhân do một số loại nấm tồn tại sẵn trong đất hoặc hành giống xâm nhập vào cây hành non, làm hành có hiện tượng héo rũ rồi chết.

* Hiện nay, gần 2.000 ha chanh ở huyện Bến Lức (Long An) đang bị mắc các loại sâu, bệnh. Trong đó, 800 ha nhiễm nấm hồng, 500 ha nhiễm bệnh ghẻ nham với tỷ lệ 5 đến 10%, 500 ha nhiễm bệnh mủ thân, 40 ha nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, 19,5 ha ghẻ loét. Do nhiều năm nay, cây chanh mang lại lợi nhuận cao nên nhiều nông dân đã chuyển qua trồng ào ạt, trong khi chưa nắm rõ kỹ thuật, cách chăm sóc, hoặc mua giống chanh không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm, dẫn đến cây dễ bị nhiễm bệnh. Hiện toàn tỉnh Long An có khoảng 6.715 ha chanh, riêng diện tích trồng chanh ở huyện Bến Lức là 3.842ha.