Triệt xóa băng nhóm đòi nợ kiểu khủng bố

Để thu được khoản nợ, các đối tượng đã bất chấp các thủ đoạn, hình thức tác động đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen có liên quan đến bị hại. Hành vi này đã gây mất an ninh trật tự, tác động đến tâm lý gây hoang mang, phẫn nộ trong nhân dân cần sớm được các cơ quan chức năng chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng khám xét trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CÔNG AN CUNG CẤP)
Cơ quan chức năng khám xét trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CÔNG AN CUNG CẤP)

Công an tỉnh Tiền Giang đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an triệt phá thành công chuyên án tổ chức tội phạm “núp bóng” Công ty Luật TNHH Pháp Việt thực hiện hành vi đe dọa, khủng bố nhằm cưỡng đoạt tài sản của rất nhiều người trên địa bàn cả nước.

Một người dân trên địa bàn thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) vay 50 triệu đồng của một công ty tài chính cho biết, khi nhận tiền, công ty này chỉ đưa cho người vay 47 triệu đồng.

Người này cho biết, ban đầu, nhân viên của công ty nói lãi suất thấp, tuy nhiên, sau ba năm, người vay phải trả cho công ty gần 100 triệu đồng. Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cưỡng đoạt tài sản của công ty này thông qua hình thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý, giáo viên chủ nhiệm đe dọa giết vợ, con, người thân... thậm chí đem quan tài, bình gas... để khủng bố, buộc các bị hại phải trả nợ xảy ra tại nhiều địa phương như: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Tại trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt (số 7, đường Lê Văn Huân, Phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), cơ quan chức năng làm việc với 133 đối tượng có liên quan, phát hiện có nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đây là tổ chức tội phạm hoạt động “núp bóng” công ty tư vấn luật. Các đối tượng làm việc tại đây đều không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hình thức các đối tượng núp bóng dưới mác công ty luật để tổ chức đòi nợ kiểu khủng bố cũng diễn ra gây bức xúc trong dư luận.

Mới đây, Công an thành phố sau khi tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm đã xác minh, làm rõ việc Công ty cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (Phường 1, quận Tân Bình) và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ (Phường 15, quận Tân Bình) đã tổ chức bộ phận thu hồi nợ, tuyển dụng nhiều nhân viên để thực hiện hoạt động thu hồi nợ với các phương thức, thủ đoạn tính chất khủng bố, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự lên mạng xã hội hoặc gửi đến người thân, nơi làm việc nhằm gây sức ép, đe dọa về mặt tinh thần, tạo tâm lý hoang mang, lo sợ, buộc phải nộp tiền theo yêu cầu của các đối tượng. Thời gian qua, Công an thành phố đã triệt xóa sáu băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty, khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Riêng đối với Công ty cổ phần kinh doanh F88, cơ quan điều tra đã khởi tố 10 bị can đồng thời tổng kiểm tra hành chính, phát hiện 79 địa điểm kinh doanh vi phạm quy định về quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.

Đối với hoạt động tín dụng đen, theo các cơ quan chức năng, thay vì sử dụng phương thức truyền thống, hiện nay các đối tượng này chuyển hướng sang hình thức cho vay qua ứng dụng với lãi suất lên tới hơn 1.000%/năm; các đối tượng cũng mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng, công ty tài chính, các app cho vay để khủng bố đòi nợ.

Trong quý I năm 2023, toàn quốc xảy ra 89 vụ cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra các cấp đã khám phá 79 vụ, bắt xử 223 đối tượng. Các địa phương phát hiện nhiều, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (16 vụ), Hà Nội (7 vụ), Thanh Hóa (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Đắk Lắk (5 vụ)... Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết:

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục quyết tâm triệt xóa các loại tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm mang lại bình an cho nhân dân. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác với các thủ đoạn, âm mưu của các loại tội phạm này. Khi xảy ra sự việc, người dân cần cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu của các tổ chức tội phạm để các cơ quan chức năng sớm ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, nhận diện rõ các loại tội phạm, chủ động có giải pháp đấu tranh mạnh mẽ, toàn diện; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, giải quyết tốt, kịp thời các tin báo tố giác tội phạm ngay từ cơ sở.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, Công an Thành phố Hồ Chí Minh mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tập trung triệt phá các tổ chức, cá nhân hoạt động “tín dụng đen” theo phương thức đòi nợ khủng bố; trộm cắp, cướp giật tài sản; đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu chuyên nghiệp.

Ngoài ra, các đơn vị cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự; rà soát, đánh giá, lập danh sách các khu vực trọng điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và các băng nhóm, đối tượng. Qua đó, công an thực hiện những giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm một cách chủ động, hiệu quả, nhất là đối với các đối tượng chuyên cho vay theo hình thức cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu khủng bố.