Theo đó, qua công tác trinh sát, nắm tình hình qua mạng xã hội, lực lượng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự đã phát hiện một số trang Facebook, hội nhóm có tình trạng rao bán giấy phép lái xe máy, ô-tô các loại...
Sau quá trình trinh sát, ngày 29/3, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội đồng loạt triển khai 12 tổ công tác tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nam Định, tiến hành bắt giữ, khám xét tại 12 địa điểm liên quan đến đường dây làm giả bằng lái xe nêu trên.
Tính đến ngày 31/3, Cơ quan Công an đã triệu tập, đưa về trụ sở tổng số 44 đối tượng có liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ bằng lái xe máy, ô-tô và hồ sơ kèm theo.
Cơ quan điều tra xác định có 5 ổ nhóm đối tượng làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Ban đầu, Cơ quan Công an đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ đối với 31 đối tượng về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự.
Đường dây làm giả các loại giấy phép lái xe có quy mô này hoạt động qua các trang mạng xã hội, chia thành nhiều nhóm nhỏ và ước tính đã hoạt động hơn 1 năm qua, thu lợi bất chính khoảng 20 tỷ đồng.
Nhóm đối tượng cầm đầu gồm: Phạm Văn Vũ (sinh năm 1997); Phạm Văn Sỹ (sinh năm 1991); Lưu Công Hữu (sinh năm 2000); Phạm Văn Phong (sinh năm 1996); Đỗ Văn Phúc (sinh năm 1998); Lưu Công Chí (sinh năm 1993) cùng trú tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; Nguyễn Văn Trình (sinh năm 1991) trú tại xã Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định.
Theo Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, các đối tượng đăng quảng cáo việc làm bằng lái xe trên mạng Internet và qua mạng xã hội Zalo, Facebook, trong đó có cả những Facebook như “Trung tâm tiếp nhận hồ sơ GPLX”, “Trung tâm GPLX Việt Thanh”, “Dịch vụ làm BLX toàn quốc”, “Trung tâm làm bằng lái toàn quốc”, “Bằng lái uy tín toàn quốc”...
Để che dấu việc làm bằng giả, các đối tượng thường “quảng cáo” với khách hàng muốn làm bằng “có chỗ làm chui”, khách hàng sẽ không phải đi học, đi thi. Nếu khách hàng đồng ý làm thì từ 5 đến 7 ngày, sẽ có bằng (gồm bằng lái xe và bộ hồ sơ).
Sau khi “chốt đơn”, các đối tượng yêu cầu "khách hàng" cung cấp ảnh chứng minh thư, ảnh 3x4, số điện thoại, địa chỉ nhận hàng. Giá bằng lái xe máy từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng; giá bằng lái xe ô-tô từ 2-6 triệu đồng tùy theo hạng bằng lái xe: A1, A2, B1, B2…
Trước đó, vào đầu năm 2021, Báo Nhân Dân đã có bài phản ánh về tình trạng công khai rao bán bằng lái xe không cần thi được đông đảo bạn đọc quan tâm.
Rao bán bằng lái không cần thi - Công khai vi phạm pháp luật