Tôi thấy mình may mắn
- Xin chào dịch giả Nguyễn Thị Minh! Được biết, chị là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nên tôi tự hỏi, điều gì khiến chị lựa chọn dịch triết học thay vì văn chương?
- Chào bạn. Với tôi, con người đọc văn chương và con người say mê với các văn bản triết học dường như không tách biệt lắm. May mắn của tôi là được cùng đọc, dịch, bàn luận và suy nghĩ về các vấn đề triết học với thầy tôi, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, cùng các anh chị em đồng môn trong nhiều năm. Tôi đã từng rất tiếc, vì sao mình lại không đến với triết học sớm hơn. Tôi nghĩ các bạn trẻ ngày nay năng động, sáng tạo và có nhiều điều kiện về tài liệu, sách vở hơn thế hệ chúng tôi. Triết học không chỉ là nền tảng cho các khoa học xã hội và nhân văn, mà còn giúp ta tư duy tốt hơn ở rất nhiều lĩnh vực học thuật khác. Khi giảng dạy văn học, tôi đã nhận ra cách các triết gia như Hannah Arendt, Jacques Derrida đọc Kafka, Judith Butler đọc Sophocles… đều cho tôi những gợi ý rất hay để từ góc nhìn của triết học suy tư về các vấn đề của văn học.
- Triết học vốn là dòng sách kén người đọc, đặc biệt là với tác giả chưa từng được dịch tại Việt Nam trước đó như Judith Butler, điều gì giúp chị kiên trì trên con đường đầy "kén chọn" này?
- Mối quan tâm của tôi đối với Judith Butler nằm trong dòng mạch chung về mối quan tâm đối với các nữ triết gia. Năm 2020, tôi đã dịch và ra mắt cuốn Giữa quá khứ và tương lai của Hannah Arendt, cũng là tác giả được giới thiệu lần đầu ở Việt Nam. Những người như Arendt, Butler góp phần tạo ra những giá trị rất to lớn mà tôi nghĩ người Việt nên biết đến. Hannah Arendt thuộc phái bảo tồn, Butler lại thuộc xu hướng cấp tiến, tuy nhiên, họ có rất nhiều điểm gặp gỡ thú vị. Một trong những động lực thôi thúc tôi là cần phải giới thiệu các nữ triết gia kiệt xuất ấy cùng tư tưởng của họ đến Việt Nam. Phụ nữ cũng có thể bàn luận về những chuyện như văn chương và triết học chứ nhỉ, ngoài chuyện yêu đương, chồng con, hay nồi niêu xoong chảo…
Về độ khó của Butler thì có lẽ không có gì phải bàn. Một người bạn của tôi ở Mỹ, giáo sư dạy về nghiên cứu giới (gender studies), nói đến Butler cũng "lắc đầu lè lưỡi" mà than câu "kính nhi viễn chi". Tôi đã từng dành cả hai năm chỉ để đọc hiểu một tiểu luận của bà, thuật ngữ dày đặc, quá nhiều lý thuyết sâu và "hiểm", lại không ngừng biến ảo. Cho nên, người chưa đọc bà có cảm giác như đang va đầu vào đá là điều dễ hiểu. Từng chữ đều cần suy nghĩ cẩn thận. Nhưng mặt bên kia của nỗi nhọc nhằn là gì? Người xưa từng nói "Dữ quân nhất dạ thoại/ Thắng độc thập niên thư" (Được hầu chuyện một đêm/ Hơn mười năm đọc sách), tôi cũng có thể nói điều tương tự về Butler. Tôi đã trải qua "khoái cảm" trí tuệ khi đọc bà, và tôi muốn chia sẻ điều này với nhiều người khác. Tôi hy vọng các bạn đọc Yêu sách của Antigone cũng sẽ tận hưởng được niềm vui của nhọc nhằn chữ nghĩa giống như tôi. Tôi cố gắng làm cho việc đọc trở nên "dễ thở" hơn bằng việc thêm rất nhiều chú thích, là những gì trong khả năng tôi có thể tra cứu và tìm hiểu được.
Tôi cũng tham khảo cách dịch tương đương ở Nhật Bản, Trung Quốc, và tham khảo ý kiến của mọi người, thông qua các bài đăng tôi chia sẻ trên Facebook. Tôi luôn hình dung mình là một người đang đi học, vẫn đang cần mẫn học thêm, từ các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác, từ đồng nghiệp, học trò… Và tôi thấy mình may mắn vì trên con đường ấy, tôi có rất nhiều bạn đồng hành.
Tôi muốn lan tỏa tinh thần Antigone
- Là người đồng sáng lập "The Ladder-không gian học thuật cho cộng đồng", chị có thể chia sẻ lý do của việc ra đời cũng như những hoạt động và hiệu ứng mà không gian kết nối này đã và đang làm được?
- Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, dịch sách và làm diễn giả khách mời tại một số tọa đàm học thuật, tôi nhận thấy có nhiều bạn trẻ rất yêu mến tri thức, và có mong muốn cập nhật những kiến thức mới, bên cạnh những gì các bạn được học trong nhà trường. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều không gian như vậy. Do đó, tôi quyết định thành lập The Ladder, để các bạn có thêm không gian trao đổi. Ở The Ladder, chúng tôi tổ chức các seminar theo chủ đề, mở rộng cho công chúng, mời diễn giả là các nhà nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước giới thiệu kiến thức mới; các buổi đọc văn bản kinh điển và bước đầu có kế hoạch dịch, giới thiệu những văn bản này; đôi khi chúng tôi tổ chức chiếu phim và thảo luận, liên kết với một số không gian nghệ thuật khác… The Ladder nhận được rất nhiều sự khích lệ, không chỉ của các bạn trẻ, mà cả những người tham gia thuộc nhiều lứa tuổi, cũng như các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến sự phát triển học thuật. Năm 2021, vì dịch Covid-19, nhiều hoạt động của The Ladder phải tạm hoãn, nhưng tôi hy vọng có thể tổ chức lại các hoạt động khi tình hình đã ổn hơn.
- Năm 2021, chị được mời tham gia tư vấn và hỗ trợ dự án "Nàng Antigone" tại Viện Goethe (Hà Nội), góp phần đưa các phiên bản Việt của Antigone lên sân khấu. Hoạt động này mang lại cho chị cảm nhận như thế nào?
- Tinh thần của Butler khi đọc Antigone là tinh thần của việc mở ra những khả thể, khiến con người ta có thể sống một cuộc đời rộng mở, hạnh phúc hơn. Tôi muốn lan tỏa tinh thần này, và tạo không gian đối thoại về Antigone, tạo ra phiên bản "Antigone" của Việt Nam. Tôi trao đổi điều này với ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe (Hà Nội), và ý tưởng của tôi rất được ông ủng hộ. Rồi chúng tôi quyết định tổ chức Hội thảo "Nàng Antigone", đồng thời lập kế hoạch kêu gọi các nghệ sĩ đưa Antigone phiên bản Việt lên sân khấu. Như bạn thấy, chúng ta đã có, và sắp tới sẽ có thêm rất nhiều vở diễn hay được công chiếu. Đó là điều khiến tôi cảm thấy rất vui.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!