Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng:

Chúng tôi hạnh phúc vì có lúc, rạp xiếc đã “cháy” vé

Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ; số lượng khán giả tới rạp tăng, nhiều tiết mục của Liên đoàn đã giành được giải thưởng quốc tế danh giá. Giám đốc Liên đoàn, Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, chia sẻ cùng chúng tôi nhiều niềm vui bên cạnh những nỗ lực mới cho hoạt động của Liên đoàn nói riêng, của nghệ thuật xiếc Việt Nam nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng
Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng

Diễn viên hầu như không có ngày nghỉ

- Trong hình dung của nhiều người, các buổi biểu diễn xiếc ở nước ta nói chung, rạp của Liên đoàn nói riêng, chỉ đông đúc khán giả vào các dịp Trung thu và Ngày Quốc tế Thiếu nhi rồi sau đó lại rơi vào trầm lắng. Thực tế này đã thay đổi như thế nào trong thời gian gần đây, thưa ông?

- Thay đổi khá nhiều! Chúng tôi thật hạnh phúc khi lượng khán giả tới rạp xiếc vào dịp “thấp điểm” đã đông vui, tấp nập hơn xưa. Có những buổi biểu diễn ở rạp sau tháng 10, thời điểm mà các cháu thiếu nhi đã bắt đầu năm học mới, bị “cháy” vé. Chúng tôi phải xin lỗi những khán giả đã mất thời gian thu xếp đến rạp mà không thể mua vé.

Các nghệ sĩ biểu diễn của chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ, với lịch diễn dày đặc ở cả rạp cố định cũng như theo hợp đồng ký kết cùng các đơn vị.

- Đó hẳn là kết quả từ những nỗ lực thay đổi về tư duy vận hành một đơn vị nghệ thuật, trong bối cảnh nhiều thay đổi của đời sống xã hội?

- Chúng ta làm nghệ thuật không còn như ngày xưa, thuần túy nghệ thuật, mà phải kết hợp tư duy làm kinh tế, tìm phương thức phù hợp để thâm nhập thị trường. Những người làm nghệ thuật phải đi theo guồng, không thể đi ngược xu thế. Chiến lược kinh tế đóng một nửa vai trò dẫn đến thành công về doanh thu, bên cạnh việc xây dựng chương trình có chất lượng nghệ thuật.

Một thí dụ cụ thể để bạn tiện hình dung: Ngay từ đầu năm trước, chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho từng buổi biểu diễn của năm sau, dự đoán về xu hướng, về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước để lên lịch xây dựng chương trình nghệ thuật. Từ bản xây dựng kế hoạch này, mỗi năm, chúng tôi thường vượt chỉ tiêu đề ra chừng vài chục buổi biểu diễn. Nhờ đó giúp đời sống của nghệ sĩ, diễn viên được nâng cao, tạo niềm tin cho họ tiếp tục cống hiến.

Bên cạnh đó, chúng tôi tận dụng lợi thế của sự phát triển các nền tảng mạng xã hội và công nghệ, như TikTok, YouTube, Facebook, để tăng khả năng tương tác với khán giả, bắt “trend” (tạo xu hướng), gây sự tò mò, chú ý của khán giả. Tháng 7/2024, tiết mục “Đu nón” đoạt Huy chương bạc tại IDOL-Liên hoan xiếc quốc tế lớn nhất do Liên bang Nga tổ chức. Qua bảy lần tổ chức, chưa lần nào chúng ta chạm được giải thưởng thì lần này đã giành được. Sau khi clip “Đu nón” xuất hiện chưa đến một phút trên TikTok, đạt bốn triệu view, số lượng thanh niên trẻ đến rạp xiếc rất đông. Có những đôi vợ chồng đưa con nhỏ đến xem “Đu nón” và livestream trên TikTok, YouTube. Có thể nói, chúng tôi được hưởng lợi từ thành quả của công nghệ và từ đó, có chiến lược đầu tư vào Facebook, TikTok bằng tiền quảng cáo tăng tương tác, để giữ lượng khán giả nói chung.

- Nhưng đầu tư cho công nghệ là khoản đầu tư tốn kém. Liên đoàn dựa vào nguồn lực nào để thực hiện, thưa ông?

- Để đầu tư về công nghệ, Liên đoàn không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà sẽ cần đến các phương thức xã hội hóa. Chẳng hạn, chúng tôi có thể tham gia đóng góp chương trình nghệ thuật phù hợp trong một tổng thể chương trình kêu gọi đầu tư du lịch ở một điểm đến nào đó, có thêm các doanh nghiệp lữ hành cùng tham gia, hợp tác với một đội ngũ thông thạo về công nghệ quảng bá, tiếp thị.

Ý tưởng hợp tác thì nhiều nhưng cái khó nhất hiện nay là chưa có cơ chế cởi mở, thông thoáng cho sự hợp tác công-tư tại các đơn vị nghệ thuật công lập.

Đón đầu xu thế bằng sự sáng tạo

- Con người vẫn là yếu tố cốt lõi của mọi thành công trong nghệ thuật. Mấy năm trở lại đây, Liên đoàn gặt hái không ít thành công trên nhiều đấu trường quốc tế. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Hiện nay, song song với sản xuất nội dung chương trình có khả năng bắt kịp xu hướng, chúng tôi tiếp tục nâng cao trình độ của các nghệ sĩ. Mặc dù, có một điều không thể phủ nhận là nhân lực của Liên đoàn hiện nay bị già hóa, chưa có đội ngũ kế cận đủ tài năng và kinh nghiệm đảm nhận. Trong bối cảnh như vậy, Liên đoàn khắc phục bằng việc tận dụng kinh nghiệm biểu diễn của dàn diễn viên hiện có, đồng thời đưa vào chương trình, tiết mục thêm các yếu tố truyền thống, mang màu sắc văn hóa Việt Nam.

Khi ra đấu trường quốc tế, xiếc Việt Nam có thế mạnh là tiết mục của các nữ nghệ sĩ, còn nam nghệ sĩ có thể hình nhỏ bé, thua kém nhiều so nghệ sĩ nước bạn. Nhưng nếu biết tận dụng lợi thế của mình, biết tìm ra những cái mà người khác không làm được, ta vẫn có cơ hội giành giải cao khi đi thi quốc tế. Như tiết mục “Đu nón”, các cô gái của Việt Nam đã làm nên điều phi thường và thuyết phục hội đồng giám khảo trao Huy chương bạc tại Liên hoan IDOL mà tôi vừa kể.

Người Việt Nam vốn cần cù, thông minh, dù tầm vóc nhỏ bé nhưng lại học cái tinh hoa của thế giới rất nhanh. Các chương trình luôn xuất hiện cái mới sẽ kéo được khán giả đến rạp. Mà muốn có cái mới, bắt buộc người làm chương trình phải sáng tạo. Chúng tôi cũng thường xuyên khơi gợi về thành quả các thế hệ đi trước trong trao đổi với nghệ sĩ hôm nay, góp phần làm tinh thần của họ đượm thêm lửa nghề. Bên cạnh đó, “có thực mới vực được đạo”, đời sống nghệ sĩ cần được nâng lên.

- Trong khi chờ đợi sự thông thoáng về cơ chế trong hợp tác công-tư, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có những bước đi như thế nào để khai thác hiệu quả rạp biểu diễn mới được đầu tư xây dựng?

- Chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhu cầu của khán giả, để hiểu hơn về họ và có cách thức phục vụ tốt hơn. Khán giả hôm nay của xiếc đến rạp nhưng không chỉ thuần túy xem xiếc mà còn có các nhu cầu giải trí khác, mong muốn có các dịch vụ ăn uống, vui chơi để tận hưởng một khoảng thời gian dài hơn bên gia đình, bạn bè. Vì vậy, trong định hướng xây dựng chương trình tại khu vực rạp mới, chúng tôi cũng cân nhắc lồng ghép nhiều gói sản phẩm để đáp ứng đa dạng nhu cầu giải trí của khán giả.

Thách thức là rất nhiều, nhưng chúng ta cứ bắt tay vào làm mới đo được sự uyển chuyển của chính bản thân đơn vị tổ chức. Điều quan trọng nhất vẫn là định hướng nghệ thuật vị nhân sinh.

- Trân trọng cảm ơn Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng về cuộc trò chuyện!

Chúng tôi hạnh phúc vì có lúc, rạp xiếc đã “cháy” vé ảnh 1

Hình ảnh từ tiết mục “Đu nón”. Ảnh: NVCC