Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn:

Nghệ thuật là để chống lại sự lãng quên

Biệt danh “Tuấn lụa” như một lời tán thưởng dành cho họa sĩ Bùi Tiến Tuấn. Mới đây, anh vừa ra mắt triển lãm cá nhân Bùi Tiến Tuấn-một hành trình tại TP Hồ Chí Minh, đánh dấu chặng đường 30 năm gắn bó với hội họa. Triển lãm diễn ra đồng thời tại hai không gian trong hai tuần và được kéo dài thêm một tuần do nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng và giới chuyên môn. Chúng tôi có dịp trò chuyện với anh sau những ngày bận rộn của sự kiện này.
0:00 / 0:00
0:00
Bùi Tiến Tuấn, Tuổi mộng mơ, mực và acrylic trên lụa, 140x84cm, 2024. Ảnh: NVCC
Bùi Tiến Tuấn, Tuổi mộng mơ, mực và acrylic trên lụa, 140x84cm, 2024. Ảnh: NVCC

Tác phẩm có đời sống riêng khi đến với công chúng

- Vì sao anh quyết định thực hiện triển lãm Một hành trình?

- Như bạn đã thấy, suốt nhiều năm qua, mọi người biết đến tranh lụa của tôi. Tôi rất vui, nhưng thật ra trên hành trình đã qua, song song với việc vẽ lụa, tôi cũng tạo nên một thế giới khác, có tranh giấy dó, những loạt tranh sơn dầu, acrylic khổ lớn… Thế giới ấy như lặng lẽ hơn nhiều so tranh lụa (cười). Vì vậy, với triển lãm này, tôi hy vọng, công chúng yêu nghệ thuật thấy được một Bùi Tiến Tuấn khác hơn Tuấn của “tân mỹ nhân” trên lụa. Đặc biệt, tôi hy vọng, người xem nhận thấy một hành trình suy tư và ngôn ngữ nghệ thuật nhất quán của tôi được thể hiện qua nhiều chất liệu khác nhau.

- Nhưng có vẻ như tranh lụa của anh vẫn là đối tượng được chú ý nhiều hơn . Tôi đã đọc các bài viết trên truyền thông, cả truyền thông xã hội, và nhận thấy phần lớn trong số đó tập trung vào mảng tranh lụa.

- Đó là góc nhìn của công chúng, giới phê bình và báo chí. Tôi vui và tôn trọng. Tác phẩm có đời sống riêng sau khi rời khỏi xưởng vẽ.

- Sự tập trung của anh dành cho tranh lụa nhiều năm qua hẳn cũng bởi không ít lý do?

- Thành thật mà nói, khi còn là sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, lúc mới bị xếp vào lớp chuyên ngành lụa, tôi cũng buồn lắm. Tôi mê học với chất liệu sơn dầu hơn. Nhưng dần dà, cũng thấy hứng thú với lụa vì phía sau, có biết bao điều mới mẻ, hấp dẫn. Kết quả, tôi có một bài tốt nghiệp hơi phá cách với lụa (cười).

Sau khi ra trường một thời gian, vì nhà trường cần giảng viên bộ môn lụa, các thầy đề xuất mời tôi tham gia giảng dạy. Tôi chỉ nhận lời dạy cho sinh viên các năm cuối, nghĩa là không phải dạy căn bản, để đỡ ảnh hưởng tâm lý sáng tác sơn dầu ở nhà.

Cũng thật thà “khai báo” luôn, triển lãm tranh sơn dầu của tôi lúc ấy không được thành công về nhiều lẽ, trong đó có cả khía cạnh thương mại. Một tiền bối trong nghề, sau khi xem tranh lụa của tôi, nói đại ý: nếu tôi vẽ lụa thì mọi sự sẽ khác. Về sau, tôi thấy nhận xét này khá đúng. Sau khi tôi bán được tranh lụa, tranh sơn dầu cũ cũng có nhiều người mua, rồi đến tranh với các chất liệu khác, như giấy dó, acrylic, sơn mài…, như một hiệu ứng.

- Kỹ thuật vẽ lụa của anh có gì khác biệt so với các đồng nghiệp và với thế hệ họa sĩ đi trước?

- Tôi nghĩ mỗi họa sĩ đều có vài “tuyệt chiêu”, dựa trên nền tảng chung của lụa. Do vẽ thường xuyên, lại phải soạn bài và dạy đại học trong khoảng 10 năm, nên việc rút tỉa kỹ thuật vẽ lụa và kinh nghiệm sáng tác với tôi cũng có nhiều thuận lợi. Hơn nữa, các vật liệu cho việc vẽ lụa về sau này cũng chuyên nghiệp hơn, cứ chịu khó đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và rèn luyện một chút là làm chủ được thôi.

Kỹ thuật vẽ lụa không quá phức tạp hay khó nắm bắt. Cái khó hơn là ở quan niệm khi vẽ. Phải vẽ giống như cũ hay là vẽ theo cách mới, hoặc theo cách của mình? Tôi vẽ theo cách mà bản thân thấy hấp dẫn và thoải mái nhất. Chủ đề chính của tôi có vẻ phi truyền thống, đó là phần tính nữ đô thị; họ chuộng thời trang, sự yểu điệu, làm dáng, phù phiếm…

Nghệ thuật là để chống lại sự lãng quên ảnh 1
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971, tại Hội An, Quảng Nam, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã có 12 triển lãm cá nhân và khoảng 30 triển lãm chung. Tác phẩm của anh có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và hàng trăm bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

Không ngừng suy tư về con đường đang đi

- Chủ đề chính trong tranh lụa đã chi phối ngôn ngữ tạo hình của anh ra sao?

- Tôi thích tự do “bóp hình”, như mấy câu thơ của thi sĩ Trần Dần: “… Em dài man dại/ Em dài quên che đậy/ Em dài tê tái/ Em dài quên cân đối/ Em dài bối rối/ Em dài vô tội/ Em dài-khổ tâm”.

Nói chung, tôi không cứng nhắc trong bố cục, tạo hình và cả môtip chủ đề. Là một người cầm cọ suốt mấy chục năm nay, tôi luôn muốn tìm cách làm sao để tác phẩm của mình đến được với công chúng yêu nghệ thuật. Đó là một trong những động lực để tôi không ngừng suy tư về con đường mình đang đi, đề tài mình đang tư duy.

Khi quay lại với lụa và tìm thấy khả năng làm mới lụa ở cả cách thể hiện cũng như đề tài, tôi thật sự rất hạnh phúc. Và còn hạnh phúc hơn bởi ngay từ triển lãm cá nhân tranh lụa đầu tiên của tôi năm 2009, các bức tranh đã được giới chuyên môn và công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt ngoài sự mong đợi của bản thân.

Từ thành công ấy, tôi đi sâu hơn trên con đường khám phá những khía cạnh mới mẻ, hiện đại của cái đẹp mà chất liệu lụa có thể mang lại. Tính chất bóng bẩy, uyển chuyển, mỏng manh đầy quyến rũ của lụa tự thân đã đồng điệu với tính nữ tự nhiên của con người. Tôi vẽ trong một sự thống nhất về tư duy chủ đề của mình.

- Câu nói của anh khiến tôi muốn mường tượng lại “thế giới lặng lẽ hơn tranh lụa” của anh trong triển lãm vừa qua…

- Cảm ơn bạn. Bạn hẳn cũng thấy, ở đó đã có tôi của thời kỳ hậu sinh viên với sự trăn trở về hiện thực thị thành cùng những “hình nhân đường phố”. Có một Bùi Tiến Tuấn nhuộm thắm và lật trở suy tư trên chất liệu giấy dó, vừa trắc ẩn vừa phiêu bồng nơi “hội chợ phù hoa” với những bức tranh acrylic khổ lớn… Triển lãm đem lại một bức tranh rộng lớn, toàn cảnh hơn về hành trình sáng tạo của tôi. Đặc biệt, tôi hy vọng, qua triển lãm này, mọi người thấy một hành trình suy tư và ngôn ngữ nghệ thuật nhất quán của tôi được thể hiện qua nhiều loại vật liệu hội họa khác nhau.

- Có những đề tài nhất định trong hội họa từ xưa đến nay luôn là tâm điểm của các tranh luận đa chiều, trái chiều về sự dung tục hay tính thẩm mỹ. Đã có những lúc mà tác phẩm của anh cũng ở trong vòng xoáy đó. Thực tế ấy gợi những suy nghĩ gì trong anh?

- Việc tranh luận trong một vấn đề là điều không hề mới mẻ nhưng luôn cần thiết để hâm nóng bầu không khí nghệ thuật. Một đề tài gì đó, nếu không còn được tranh luận, nghĩa là nó đã cáo chung và sẽ đi vào quên lãng; mà nghệ thuật là để chống lại sự lãng quên.

Tôi vẫn nghĩ rằng, việc tranh luận về vấn đề nào đó trong mỹ thuật nên được bắt đầu với một tác phẩm cụ thể, không nên nói chung chung vì dễ bị rơi vào lối nói quy đồng, sẽ không cho ra một kết quả khả dĩ.

Họa sĩ, dù vẽ bất cứ đề tài nào, thì ý niệm đầu tiên là họ muốn thử thách và vượt qua những giới hạn của bản thân. Còn nhìn nhận về bức tranh này, kia “là nghệ thuật hay là dung tục” lại phụ thuộc rất lớn vào khiếu thẩm mỹ của mỗi cá nhân, quy chuẩn đạo đức của thời đại, các lề luật liên quan…

Nên như đã nói, để có được sự công nhận, công tâm của công chúng, họa sĩ vẫn sẽ như xưa nay: Họ suy tư về đẹp-xấu, cũ-mới, vẽ như thế nào…, chứ không dừng ở “đề tài”. Nan đề muôn thuở của người làm nghệ thuật là có đủ sức sáng tạo ra những tác phẩm đẹp, mới để chinh phục công chúng hay không.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!