- Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO tròn 5 năm, nhưng đến giờ, vẫn có không ít người thật sự hiểu Thành phố Sáng tạo là gì, đó có phải là một thực tế, thưa bà?
- Điều đó không sai. Bởi ngay cả những người làm trong những lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, thời gian đầu cũng còn cảm thấy mơ hồ. Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO được ra đời nhằm thúc đẩy nguồn lực văn hóa, sáng tạo văn hóa cho phát triển bền vững dựa trên bảy lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện, âm nhạc.
Hà Nội chọn lĩnh vực Thiết kế, bởi thiết kế liên quan, thậm chí bao trùm nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Mỗi chúng ta có thể đang tham gia quá trình sáng tạo, nhưng không phải ai cũng có nhận thức đầy đủ về quá trình ấy; chưa hiểu được sáng tạo đem lại những giá trị gì cho công việc, cho bản thân mình.
Mặc dù còn nhiều người chưa hiểu rõ, nhưng qua mỗi năm tổ chức lượng người đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo ngày càng lớn. Con số 200 nghìn lượt người đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, không gian chính của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 cho thấy nhận thức của cộng đồng đang thay đổi. Hoạt động của Lễ hội không chỉ là trưng bày, trình diễn mà đề cao sự tương tác. Khách tham quan sẽ có những thu nhận riêng khi tương tác với những sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, và có thể “kích hoạt” những tiềm năng sáng tạo ở họ.
- Vậy còn “mùa” Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm nay sẽ có dấu ấn gì đặc biệt?
- Trước hết là một vị trí lý tưởng, với các tuyến phố: Lý Thái Tổ-Lê Thánh Tông và dốc Bác Cổ-Tràng Tiền, giao lộ của những kiến trúc nổi tiếng. Ngay cả những người Hà Nội lâu năm, hằng ngày vẫn đi qua đây, nhưng chưa chắc họ đã biết bên trong “có gì”. Dịp này, công chúng sẽ có cơ hội khám phá các di sản kiến trúc. Đơn cử như tòa nhà Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp trước kia) mà nhiều người vẫn nghĩ là kiến trúc Pháp, thật ra lại là kiến trúc đầu tiên ở Hà Nội có sự giao lưu văn hóa Đông-Tây.
Những di sản kiến trúc không chỉ làm nền, mà còn là một “bộ phận” của các hoạt động văn hoá - nghệ thuật sáng tạo của Lễ hội. Hầu như bất kỳ ai cũng có thể tìm được một lĩnh vực mà mình ưa thích. Các nghệ sĩ vừa tôn vinh cái đẹp của di sản kiến trúc, vừa thể hiện cái tôi sáng tạo của mình.
Có lẽ chưa bao giờ những hoạt động thủ công mỹ nghệ lại sôi động như trong Lễ hội lần này, với hai Hội chợ và khoảng 80 nhà sản xuất, cùng khoảng 500 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà sáng tạo tham gia.
- Như vậy là chúng ta nói đến hai cộng đồng. Một là cộng đồng toàn bộ người dân theo nghĩa rộng, và một cộng đồng là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo?
- Sáng tạo liên quan đến tất cả các mặt của đời sống. Thành phố Sáng tạo thì phải cần những công dân sáng tạo. Với một thành phố giàu tài nguyên văn hóa như Hà Nội, khi nhận thức của cộng đồng về vai trò của sáng tạo trong cuộc sống tăng lên, thì khả năng khai thác tài nguyên đó trong xây dựng, phát triển thành phố ngày càng được mở rộng.
Xây dựng Thành phố Sáng tạo gồm nhiều hoạt động, với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, Lễ hội là một hoạt động có tính điển hình, có phạm vi rộng lớn. Chính bởi thế, tôi muốn nói đến tính lan tỏa. Qua hoạt động của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo, công chúng tìm thấy sự đồng cảm, tìm thấy cảm hứng, để kích hoạt những tiềm năng sáng tạo; hoặc tìm thấy cơ hội hợp tác, phát triển với những người đang ấp ủ ý tưởng mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Từ đó, rất có thể họ gia nhập chuỗi kinh tế sáng tạo, chuỗi công nghiệp văn hóa trong tương lai. Ở các nước phát triển, đóng góp của nhóm ngành kinh tế này thậm chí còn cao hơn các ngành công nghiệp hay tài chính. Xây dựng Thành phố Sáng tạo đem đến những cơ hội, nhất là với những người trẻ tuổi. Câu chuyện Thành phố Sáng tạo chính là câu chuyện phát triển kinh tế-xã hội bằng tài nguyên văn hóa.
Một chương trình diễn ra trong khuôn viên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (năm 2023). |
- Vừa đánh thức tinh thần sáng tạo của cộng đồng theo nghĩa rộng, vừa kiến tạo môi trường cho cộng đồng sáng tạo theo nghĩa hẹp là nhiệm vụ không đơn giản…
- Đây là nhiệm vụ khó nên ngay từ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo, Hà Nội đã coi đây là nhiệm vụ của nhiều cấp, ngành và các địa phương.
Hà Nội có lợi thế là tài nguyên văn hoá vô cùng giàu có. Nhưng nhiều khái niệm, cách làm chúng ta mới tiếp cận, đó là bất lợi không nhỏ. Song, do đi sau nên chúng ta có kinh nghiệm của người đi trước. Chẳng hạn, để có những công dân sáng tạo, nhiều Thành phố Sáng tạo trên thế giới tập trung cho giáo dục sáng tạo từ rất sớm. Mới đây tôi tham dự một hội nghị ở Asahikawa - Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế của Nhật Bản, họ tập trung vào đối tượng là học sinh Trung học phổ thông - đối tượng bắt đầu có định hướng nghề nghiệp, nhưng chưa “lớn” như các sinh viên đại học. Họ có nhiều hoạt động phong phú, chú trọng phân nhóm những em có cùng sở thích, để các em cùng tìm hiểu, nghiên cứu, phát triển… dưới sự định hướng của người lớn.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi một nhóm các em giới thiệu về những sản phẩm từ cây bông. Các em giới thiệu từ chi tiết cách thu hoạch, sản xuất ra sản phẩm, rồi những sáng tạo trong làm ra sản phẩm, ý nghĩa môi trường của các sản phẩm tự nhiên… Hay có trường hợp chỉ là 1 chiếc móc chìa khóa thôi nhưng cũng là cả một câu chuyện. Tôi tự hỏi, nếu mười năm nữa các em vẫn đi theo con đường hôm nay thì các em ấy sẽ là chuyên gia giỏi đến mức nào? Nếu chúng ta cùng chung tay quan tâm sớm thì chắc chắn cộng đồng sáng tạo sẽ ngày một mạnh hơn.
- Hiện nay, Việt Nam đã có ba địa phương gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm gì?
- Mỗi thành phố đều có những thế mạnh riêng. Bản thân Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng Thành phố Sáng tạo và có cả thuận lợi lẫn khó khăn. Tuy nhiên, qua thực tế cũng như học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tôi nghĩ một trong những vấn đề quan trọng là xây dựng cộng đồng sáng tạo. Khi chúng ta lan toả tinh thần sáng tạo đến cộng đồng; chúng ta kiến tạo môi trường cho cộng đồng sáng tạo phát triển, mà bắt đầu từ chính việc lắng nghe họ cần gì, thiếu gì và tạo ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ thì chính cộng đồng sáng tạo sẽ làm nốt phần việc còn lại. Khi đó, xã hội có thêm giải pháp khai thác, phát huy tài nguyên văn hóa một cách đầy năng động, sáng tạo và tất nhiên, có thêm nhiều công ăn, việc làm với thu nhập cao. Luật Thủ đô đã đưa ra nhiều ưu đãi với các doanh nghiệp đầu tư vào 13 lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Dịp này, thành phố sẽ ra mắt Mạng lưới các không gian sáng tạo. Tôi hy vọng những hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, sáng tạo trên địa bàn.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà.
Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh đã tham gia xây dựng Hồ sơ ứng cử của Hà Nội vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019; đồng thời, trực tiếp tham gia công tác tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo của Hà Nội trong bốn năm qua và nhiều hoạt động khác liên quan đến xây dựng Thành phố Sáng tạo của Hà Nội.