Nhạc sĩ trẻ Antoine Lai:

“Cuộc đời sẽ yêu ta khi ta yêu đời”

Bắt đầu sáng tác từ năm 16 tuổi với nghệ danh Antoine Lai, Lại Hồng Toàn sở hữu một gia tài âm nhạc khá lớn, với khoảng 200 sáng tác hoàn chỉnh. Năm 2024 vừa qua, mối duyên cộng tác với ca sĩ Tùng Dương đã giúp anh được đông đảo khán giả trong nước biết tới và yêu mến, với bốn trong tổng số 12 ca khúc làm nên album “Đa vũ trụ”, riêng ca khúc “Đàn ông không cần khóc” được dàn dựng thành một MV, thu hút hàng triệu lượt xem.
0:00 / 0:00
0:00
Antoine Lai (hàng trước, thứ ba từ phải sang), trong một đợt ghi hình cho MV “Đàn ông không cần khóc”. Ảnh: NVCC
Antoine Lai (hàng trước, thứ ba từ phải sang), trong một đợt ghi hình cho MV “Đàn ông không cần khóc”. Ảnh: NVCC

Thật khó để tìm thấy sợi dây gắn kết, giữa nhạc sĩ thuộc Gen Z này với những sáng tác đậm sắc mầu triết lý nhân sinh, dường như chỉ có thể chưng cất từ nhiều tháng năm thăng trầm của một người từng trải. Và càng khó tìm thấy nét tương đồng giữa một nhà khoa học đam mê phát triển thuốc đặc trị ung thư cho trẻ em với một người trẻ hoang mang đầu đời, chọn cách tựa vào âm nhạc để chữa lành tâm hồn… Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng anh.

- “Hình hài này đang sống, tại vạn vũ trụ song song” - ca từ của “Đa vũ trụ” dường như có xuất phát điểm từ chính con người tác giả?

- Tôi biết có nhiều người băn khoăn giống chị, khi tác giả của các ca khúc Đàn ông không cần khóc, Già, Đa vũ trụ, Tàn canh là một thanh niên mới 26 tuổi. Tôi biết có nhiều người ngạc nhiên giống chị, khi một người nghiên cứu khoa học, vốn trọng chứng lý và logic, lại viết nên những ca từ rất gần với hành trình chiêm nghiệm đức tin tôn giáo, nhìn sâu vào bên trong và kiếm tìm bản thể của chính mình.

Nhưng chắc họ sẽ không còn thắc mắc, nếu biết tôi đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, trong thời gian đầu đặt chân tới Pháp. Vốn ngôn ngữ ít ỏi khiến tôi gặp khó khăn khi giao tiếp với người bản địa. Từ một chàng trai mới lớn, nói nhiều, giàu năng lượng, tôi chống chếnh vì không biết sử dụng quỹ thời gian dư thừa vào việc gì, trò chuyện với ai. Vậy là ngoài giờ lên lớp, tôi lao vào tìm hiểu mọi tín ngưỡng tôn giáo để kiếm tìm điểm tựa niềm tin, để hiểu rõ và rút ra một điểm chung: Tất cả đều tựa vào nền tảng vững chắc là tình yêu với con người. Đó cũng là lý do của những ca từ “Dẫu tận thế đan xen, ta vẫn yêu con người mà thôi” hay câu “chủ chốt” mà tôi đặc biệt thích, trong một tác phẩm chưa ra mắt, “Cuộc đời sẽ yêu ta khi ta yêu đời. Loài người sẽ thương ta khi ta thương người”.

Việc tách biệt hai con người độc lập ở hai vũ trụ song song là cách giúp tôi giữ được sự thăng bằng cần thiết, để có thể tiếp tục di chuyển trên sợi dây mỏng mảnh. Ban ngày say mê với chuyên ngành y-sinh yêu thích và viết nhạc khi đêm về, đây là cách tôi đối mặt với việc phải thu mình lại vì sốc văn hóa. Từ lúc đó, tôi coi sáng tác nhạc như ghi nhật ký, để lưu lại những nghĩ suy, cảm nhận của chính mình. Viết nhạc giúp tôi có cảm giác được sống nhiều cuộc đời, rất thú vị.

- Thật khó tưởng tượng một chàng trai 17 tuổi đã nghiền ngẫm và tiêu hóa chừng ấy khối lượng thông tin khó nhằn và sau đó, cho ra đời phần lời ca khúc đầy tính triết luận như thế?

- Đấy là những sáng tác đã có độ chín vào giai đoạn thứ tư rồi, chứ mầu sắc âm nhạc thời kỳ mới đi du học, được đánh số 2, vô cùng tiêu cực… Sau giai đoạn “âm lịch”, như chữ dùng của ca sĩ Tùng Dương, tôi còn phải vượt qua khúc thứ ba “lạc lõng”. Đó là thời gian sáng tác mỗi ngày một bài, thể loại thì ngẫu hứng, thấy gì đang thời thượng thì viết. Bè bạn nhận xét, năng lượng sáng tạo bùng nổ nhưng chưa tiết chế được cảm xúc, nên nội dung còn ôm đồm.

Ở thời điểm hiện tại, tôi đã hình thành được mầu sắc âm nhạc riêng, diễn giải thật nhiều góc nhìn rồi chốt lại bằng một câu kết, vậy là đủ. Thí dụ: Tôi liệt kê những áp lực trách nhiệm xã hội đang đè nặng trên vai người đàn ông rồi kết lại bằng một thông điệp ngắn gọn: “Đàn ông biết khóc là đàn ông biết yêu cuộc đời” và “đàn ông không khóc là đàn ông đã trao cuộc đời”. Hay miêu tả “những nốt trầm thăng còn ngân dài” của tuổi già, kể cả viễn cảnh đối mặt với cái chết để rồi nhẹ tênh kết lại, “bộ phim nào cũng có hồi kết, thế nên đừng tiếc, hãy sống cho đáng kiếp này đi”.

- Anh đã từng học qua những lớp nhạc lý cơ bản?

- Tôi nghĩ mình có chút năng khiếu cảm nhận âm thanh. Chỉ cần một hợp âm bất chợt vang lên là đủ để bộ não tiếp nhận và nối tiếp một dòng giai điệu kế tiếp.

Mỗi người có quy trình sáng tác khác nhau, người làm nhạc trước viết lời sau và ngược lại. Với tôi, nhạc và lời cùng lúc tuôn trào. Dù vốn kiến thức nhạc lý chỉ gói gọn trong những hợp âm cơ bản thời học đàn guitar nhưng tôi cứ viết từ sự thôi thúc của con tim, viết để kiếm tìm người đồng cảm có thể sẻ chia những thanh âm của cảm xúc. Có thể nói, âm nhạc đã chữa lành tới 90% tâm hồn tôi. 10% còn lại đến từ những ngày tháng miệt mài trong phòng nghiên cứu thuốc cho bệnh nhi ung thư; tay làm thí nghiệm, miệng hát véo von. Tôi nghĩ mình đã dùng khoa học để thiền, rất hiệu quả.

Antoine Lai là nghệ danh của Lại Hồng Toàn (sinh năm 1998), hiện là nghiên cứu sinh trình độ Tiến sĩ tại Institut Gustave Roussy (Villejuif, Pháp, nơi điều trị và nghiên cứu ung thư hàng đầu châu Âu hiện nay). Đề tài mà anh tham gia là “Phát triển các loại thuốc đặc hiệu nhắm vào khả năng tái lập trình chuyển hóa trong bệnh u xương ở trẻ em”. Anh cùng đồng nghiệp vừa được cấp bằng sáng chế cho một loại thuốc mới, sau bốn năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

- Những thành công ấn tượng ban đầu ở cả hai lĩnh vực có khiến anh cảm thấy quá tải và cần phải điều chỉnh cán cân công việc không?

- Công việc nghiên cứu khiến tôi phải tiếp xúc hằng ngày với những ca bệnh hiểm nghèo. Tôi kiên định theo đuổi giấc mơ tạo ra phương pháp trị bệnh mới, với mong muốn dù chỉ cứu được một bệnh nhi từ những viên thuốc mình sáng chế ra, cũng đã là hạnh phúc.

Tôi nuôi dưỡng giấc mơ làm khoa học đến cùng, bởi nếu không còn tình yêu nồng nàn với con người, với sự sống thì tôi cũng mất đi cảm hứng viết nhạc. Hai lĩnh vực đó, nghe qua tưởng như hoàn toàn độc lập nhưng lại tương hỗ, liên kết mật thiết với nhau. Tôi tin mình sẽ giữ được sự cân bằng cần thiết để cùng lúc làm tốt cả hai việc. Âm nhạc vẫn là cuộc chơi hết mình, nơi tôi tin mình đã, đang và sẽ có những tác phẩm chạm đến trái tim công chúng, như Đàn ông không cần khóc hay Già… Và sẽ vẫn có một Tiến sĩ y sinh Lại Hồng Toàn (cười). Vậy hai vũ trụ song song cùng tồn tại (cười).

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!