Ảnh hay mới khó
- Ông vẫn nói ông là một người chụp ảnh đời sống. Có lẽ, ông đã bắt đầu đến với nhiếp ảnh trong hoàn cảnh liên quan đời sống thường nhật của cá nhân ông hơn là một công tác, một nhiệm vụ được cơ quan phân công?
- Đúng là như vậy. Năm 1973, tôi trải qua lần đầu cầm máy ảnh trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: đại gia đình chúng tôi được đón người em họ, là bộ đội tăng thiết giáp nhưng bị mất liên lạc từ lâu. Tôi chỉ được biết tin này trước ngày đón em mấy hôm, trong lúc tôi chưa hề biết chụp ảnh, dù cả gia đình tôi đều làm điện ảnh, từ ông anh trưởng tới ông anh thứ ba đều là những nhà quay phim. Tôi đã học chụp ảnh cấp tốc chỉ trong một ngày, từ cách lắp phim, lấy nét, bấm máy… Tôi nhớ hôm đó, thời tiết heo may gió lạnh, tôi đi cùng một người họ hàng khác tới ga Thường Tín (khi đó, thuộc tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội-PV) đón người thân. Khung cảnh nhốn nháo và khi gặp được cậu em, cả ba ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Tất nhiên, tôi đã không quên nhiệm vụ của mình, cầm máy ảnh lên rồi bấm, đâu như được 20-25 chiếc. Tôi chỉ quan tâm tới việc chụp người em… Sau này, nhìn lại, tôi thấy tiếc vì khi đó, chưa có được ý thức về vai trò của chiếc máy ảnh ở một thời khắc lịch sử rất có giá trị, đó là khung cảnh một cuộc trao trả tù binh của hai bên tham chiến sau Hiệp định Paris.
- Sự tiếc nuối ấy có ý nghĩa gì đối với việc chụp ảnh của ông sau này?
- Tôi đến với nhiếp ảnh bằng sự tự nhiên, gần gũi, vẫn thích chụp những điều giản dị trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, tôi tôn trọng tính chân thật trong ảnh, không can thiệp, chỉnh sửa hay nhờ người này người kia diễn cho mình chụp.
Nhưng ý thức về việc chụp ảnh được "vỡ ra" khi tôi chuyển từ phóng viên ảnh báo Văn nghệ sang làm việc tại tạp chí Xưa và Nay trực thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Từng bước trong công việc ở đó, tôi nhìn vào khía cạnh của lịch sử để ghi nhận và lưu giữ.
Như với Hà Nội chẳng hạn, tôi đã tìm lại những góc phố thân thương của Hà Nội từ thời vỡ lòng, thời niên thiếu, những con đường, ngõ ngách đến nay đã có nhiều biến đổi, không còn hình bóng xưa cũ. Tôi nghĩ, cứ nhìn vào kiến trúc là sẽ nhận ra sự biến đổi của một vùng đất, đặc biệt là Hà Nội. Do vậy, khi tôi làm cuốn sách ảnh "Hà Nội dấu yêu", nhiều người đã rất thích thú vì được nhìn ngắm Hà Nội của một thời đã qua, những con người Hà Nội năm đó ăn mặc, sinh hoạt ra sao. Đó là những bức ảnh mang giá trị của lịch sử. Cuốn sách đã được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội, ở hạng mục tác phẩm, năm 2017.
Phủ Tây Hồ, một ngày của năm 2000. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo |
- Ông đề cập tính chân thực, yếu tố lịch sử trong nhiếp ảnh. Vậy còn tính nghệ thuật trong nhiếp ảnh được ông nhìn nhận thế nào?
- Trong nhiếp ảnh, tôi đề cao tính chân thực. Một bức ảnh đẹp, đôi khi bởi được nhìn nhận từ khía cạnh thẩm mỹ. Tôi nghĩ, ảnh hay mới khó. Ảnh hay là ảnh có ngôn ngữ, thông điệp và tuyên ngôn nghệ thuật.
Trước đây, Hà Nội có nghề rút lốp xe đạp; do chế độ bao cấp, phân phối mọi thứ đến người dân nên nhiều khi, sau mấy đợt phân phối khác nhau, một gia đình mới gom đủ phụ tùng cho một cái xe đạp, và thường có cảnh lốp xe to hơn vành xe. Do vậy, ở Hà Nội mới sinh ra nghề rút lốp xe đạp. Để có thể sử dụng được, người ta bắt buộc phải "rút lốp", làm cho nó nhỏ lại để vừa với vành xe… Hay là cảnh xếp hàng lấy nước ở các vòi nước công cộng. Những bức ảnh ghi lại các khung cảnh ấy đã cho thấy sức mạnh ghê gớm của nhiếp ảnh bởi tính hiện thực, mãi mãi là những hình ảnh thuộc về quá khứ.
Chụp ảnh là sở thích cá nhân
- Việc chụp ảnh "không diễn", "không can thiệp" có lẽ cũng đồng nghĩa việc ông không kiếm sống bằng nhiếp ảnh?
- Tôi chụp ảnh như một thú vui trong cuộc sống, chứ kỳ thực, tôi không sống được với nhiếp ảnh. Trước đây, trong những năm tháng khó khăn, tôi nhận chụp ảnh dịch vụ để có thu nhập cho gia đình. Còn lại, tôi xác định chụp ảnh là để dành cho mình. Tính cách của tôi như thế nào, tôi chụp đúng như thế. Ngay trong tư gia, tôi cũng chỉ treo hai bức để làm vừa lòng vợ và các con. Tôi cũng xa rời các cuộc thi nhiếp ảnh.
- Tôi biết, sau khi xem những hình ảnh về ông, lọ mọ trong đêm đông của Hà Nội để chụp ảnh, không ít người đã cho rằng, ông khá vất vả với "thú vui" này?
- Kỳ thực, đó là nhu cầu, là một cách hưởng thụ đời sống, giống như tôi thích được trèo đèo, lội suối, được tắm suối, được ngủ trong rừng. Nếu tôi đi chụp ảnh để kiếm tiền hoặc để thực hiện một nhiệm vụ mà phải lặn lội đêm hôm thì đó mới là vất vả, hy sinh.
Để có được những bức ảnh hiện thực, tay máy bắt buộc phải đi vào đời sống. Khi đến Hạ Long, tôi không chụp cảnh đẹp ở vịnh mà tôi vào làng chài, xem người dân đang sống ra sao. Hay trong những trận lụt ở Hà Nội trước kia, tôi thuê đò đi ra bãi Phúc Tân, Phúc Xá, đi ra khu vực sông Hồng giữa một dòng cản và dòng chảy để hiểu về ranh giới trên sông… Tôi đi chụp ảnh cũng là một cách học, "đi một ngày đàng học một sàng khôn". Cũng vì "một người một ngựa" nên tôi hay nhận được các thắc mắc về góc chụp mà chỉ mình tôi, kiểu như "tại sao ông lại có được góc ảnh này?". Tôi rất vui vì theo thời gian, ảnh của tôi vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ và chia sẻ của mọi người. Bên cạnh những người không thích thì vẫn có những người cùng tần số trong thưởng thức ảnh và họ trân trọng các bức ảnh của tôi.
- Nhưng thú vui nhiếp ảnh cũng lắm công phu. Qua nhiều năm tháng chiến tranh, rồi khi đời sống vật chất khó khăn, cho tới nay, ông đã nuôi thú vui của mình bằng cách nào?
- Nhiếp ảnh là một loại hình rất tốn chi phí. Những năm chiến tranh đã khó khăn thì chớ, đến thời bao cấp còn khó khăn hơn gấp bội. Tôi vẫn nhớ, lương cán sự loại 3 của tôi khi ấy chỉ đủ để mua ba cuộn phim... Tôi may mắn vì có các anh trai làm trong ngành điện ảnh nên có điều kiện thuận lợi để xin những đoạn phim trắng, thuốc tráng phim còn thừa. Sau này, cuộc sống cứ tùng tiệm trôi đi, trong hoàn cảnh nào thì tùy nghi thích ứng, có thể chắp vá một chút nhưng cứ chụp được ảnh là tốt rồi.
Mỗi người sẽ có một cách để nuôi thú vui của mình, tôi nghĩ vậy. Như bạn thấy, nhà thơ đâu có thể đủ sống được bằng thơ nhưng mọi thứ vẫn cứ tiếp diễn và thơ vẫn hiện diện trong đời sống nhờ sự tiếp nối thế hệ người làm thơ.
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ chân thành!