Nghệ sĩ Hương Thủy

Làm sân khấu khiến tôi hạnh phúc

Được nhiều người trong nghề nhìn nhận là có tài, có sắc, có cơ hội tham gia nhiều dự án phim ảnh nhưng Hương Thủy đã từ chối tất cả để tập trung cho sân khấu. Giữa lúc bộ môn nghệ thuật này đang trong cảnh khó khăn trăm bề, bao người từng mê đắm ánh đèn nơi “thánh đường” ấy đã buộc phải chọn rẽ hướng khác, Hương Thủy vẫn đau đáu với từng vai diễn, không kể chính, phụ, hay lớn, nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn viên Hương Thủy (áo trắng, bên phải), trong vai Đế Thích, phiên bản Nhật Bản của vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, năm 2024. Ảnh: Mai Thương
Diễn viên Hương Thủy (áo trắng, bên phải), trong vai Đế Thích, phiên bản Nhật Bản của vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, năm 2024. Ảnh: Mai Thương

Có những khi “tắt lửa”...

- Vì sao chị lại nói “không” với phim truyền hình-con đường có thể mang tới khả năng được công chúng rộng rãi biết tới nhanh chóng cho các diễn viên?

- Hồi còn là sinh viên tôi cũng tham gia một số bộ phim. Nhưng vào năm thứ hai, tôi được học bộ môn diễn xuất với thầy Anh Tú (cố Nghệ sĩ Nhân dân Anh Tú, 1962-2018, nguyên Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam) và được truyền tình yêu sân khấu mãnh liệt từ thầy. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Diễn viên kịch nói, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, năm 2010, tôi về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Cùng thời gian đó tôi lập gia đình, sinh con. Tôi tự thấy cần chọn gì phù hợp cho bản thân. Tôi chọn sân khấu và gia đình.

Tôi thích được trải nghiệm cảm xúc bùng nổ trên sàn diễn, một cảm giác bào gan, bào ruột thật sự. Với sân khấu, diễn viên được sống trọn vẹn, hoàn toàn với nhân vật của mình trong suốt hai giờ liên tục, khóc là khóc thật, cười là cười thật, những kết nối với khán giả cũng rất thật, trực tiếp. Trải nghiệm ấy đem lại cảm giác hạnh phúc vô cùng.

Bên cạnh đó, còn có một lý do đặc biệt khiến tôi cứ đắm đuối với sân khấu mãi. Vào năm cuối thời sinh viên, một lần, thầy Anh Tú hỏi tôi: Em học xong, có theo nghề sân khấu không? Lúc đó tôi cũng trả lời thầy là có, tôi đã học nghề thì phải theo nghề. Nhưng đó cũng chỉ là câu trả lời hơi có chút bâng quơ, kiểu hỏi-đáp của thầy trò đơn thuần chứ thú thật, tôi không nghĩ gì nhiều... Nhưng đúng là sau khi thầy qua đời, nhớ lại lời nói tưởng bâng quơ với thầy năm nào, tôi cảm thấy nó mạnh mẽ như một lời hứa. Vì lời hứa ấy với người đã khuất mà có những thời điểm, tôi cảm giác mình “tắt lửa” với sân khấu rồi, nhưng cuối cùng, tôi vẫn không bỏ nghề.

- Có khi nào, chị cảm thấy chút nuối tiếc khi thấy bạn bè đồng trang lứa chọn tham gia đóng phim truyền hình và giờ đây, nhiều người đã nổi tiếng, trong khi chị là gương mặt diễn viên chính của Nhà hát nhưng ít được biết đến hơn?

- Tôi không tiếc. Làm phim hay làm gì, chung quy, cũng là để mình được hạnh phúc, phải không? Làm sân khấu khiến tôi hạnh phúc. Vậy là đủ. Có là ngôi sao thì cũng chỉ để kiếm tiền, để cảm thấy hạnh phúc thôi. Mà hạnh phúc của tôi là vừa chu toàn gia đình, vừa kiếm đủ sống bằng nghề của mình. Tôi vui mà.

- Nhưng ma lực của sự nổi tiếng nó lớn lắm, biết đâu...

- Đúng là sự thiệt thòi của các nghệ sĩ sân khấu hiện nay có thể khiến nhiều người cảm thấy chạnh lòng. Nhưng tôi không cảm thấy điều ấy. Tôi sống rất lý trí chứ không dễ bị xao động. Tôi kiên định với những gì mình chọn, mà ở góc độ khác, người ta có thể gọi là cố chấp.

Câu hỏi cứa lòng: Diễn cho ai xem?

- Tâm thế tự tại ấy của chị chắc cũng do chị đã đạt được một vị trí tốt trong Nhà hát? Gần đây, hầu như các vai chính trong những vở quan trọng nhất của Nhà hát Tuổi trẻ đều thuộc về chị.

- Hồi tôi mới về Nhà hát Tuổi trẻ, các nghệ sĩ thuộc hàng “cây đa, cây đề” của Nhà hát, như Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng, Quách Thu Phương… vẫn còn công tác nên lứa trẻ như tôi chưa nhiều cơ hội được giao vai. Nhiều bạn đồng trang lứa với tôi nản, chọn đi làm phim kiếm tiền ở bên ngoài. Tôi thì khác, tôi vẫn mài mặt ở sân khấu. Tôi nhận từng vai nhỏ, vai quần chúng. Thậm chí, khi không có vai, tôi cũng đến Nhà hát xem các cô, các chú tập. Rất thích vì các cô chú diễn hay quá.

Cho đến một ngày đẹp trời, năm 2012, thầy Anh Tú, với vai trò đạo diễn, đã giao cho tôi một vai chính trong vở Mùa yêu đương. Vai này rất nặng ký với tôi khi phải thể hiện một nhân vật ở hai thời kỳ: lúc trẻ và lúc đã 60 tuổi. Tôi còn nhớ, sau môt tháng tập vở, tôi sút bảy kilogram. Ngày nào về nhà cũng khóc sưng mắt vì bị chê. May mắn cho tôi là thầy Anh Tú rất nghiêm khắc với học trò và cũng rất kiên quyết bảo vệ vai diễn cho tôi dù tôi còn non nớt. Nhờ vai diễn đầu tiên nhiều thử thách ấy, tôi trưởng thành dần lên.

- Đó có phải là vai diễn ấn tượng nhất cho đến giờ, với chị?

- Vai diễn nào cũng ấn tượng với chính tôi, vì vai diễn nào tôi cũng luôn đầu tư rất nhiều chất xám.

- Người ta bảo chị cũng rất “điên” trong nghề đấy.

- Nghệ sĩ Chí Trung gọi tôi là “cô gái lửa”. Tôi thích tìm tòi, sáng tạo cho vai diễn của mình. Khi có vở, tôi ở Nhà hát tập suốt, đến nỗi nhiều cô, chú hay hỏi đùa: Có phải bị chồng đuổi không (cười). Giờ đây, khi đã làm nhiều vai chính, nhưng nếu Nhà hát gọi đến làm vai quần chúng, tôi cũng vẫn làm. Tôi nghĩ rất đơn giản, được lên sân khấu là vui chứ đâu cần phải vai chính mới vui. Quan điểm của tôi là phấn đấu để có được vai chính nhưng nếu được chọn cho vai phụ, tôi cũng làm vai phụ cho thật tốt.

Năm 2023, để khám phá những khả năng khác của mình, học hỏi và nâng cấp bản thân, tôi đã xin tham gia vở nhạc kịch Chú mèo Zorba với đội ngũ sáng tạo đến từ Hàn Quốc, bao gồm đạo diễn, đạo diễn âm nhạc, giám đốc sản xuất... Đây là nội dung thuộc Chương trình Hỗ trợ trao đổi nghệ thuật quốc tế 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, thông qua dự án hợp tác và sáng tạo chung giữa Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc) và Nhà hát Tuổi trẻ (Việt Nam). Một vai diễn phụ thôi, nhưng tôi phải học cả vũ đạo và hát một cách bài bản vì làm việc với ekip nước ngoài thì khó có chuyện nương tay, thông cảm. Ban đầu, tôi cũng nản, nhưng khi hoàn thành, tôi rất vui vì đã vượt qua giới hạn của bản thân.

- Nhưng làm sân khấu trong bối cảnh lâu nay quả là thu nhập thấp quá, chị sắp xếp cuộc sống thế nào?

- Tôi thường đùa với mọi người là tôi không ăn nhiều và ăn chay, nên tôi vẫn sống được với nghề (cười). Đúng, giờ đây, chẳng mấy ai sống ổn nếu chỉ có thu nhập từ sân khấu. Nhưng tôi may mắn còn có gia đình hỗ trợ, nên mới sống và vui được với nghề.

Chẳng phải riêng tôi, mọi người đều nhận ra, sân khấu đang cũ, ai cũng muốn làm cái mới nhưng làm thế nào thì lại chưa tìm ra. Còn vấn đề khán giả nữa. Các nhà hát vẫn nỗ lực làm nhiều vở hay nhưng những vở này lại rất kén khán giả. Hedda Gabler rất hay, rất mới, rất đẹp, có tầm tư tưởng rất lớn, nhưng cũng rất kén khán giả. Diễn viên diễn vở nhạc kịch Chú mèo Zorba rất vất vả nhưng vở diễn cũng vắng khách. Chúng tôi vất vả mấy cũng chịu được, nhưng diễn cho ai xem là câu hỏi cứa lòng chúng tôi.

Ai không yêu sân khấu tha thiết thì rất dễ bỏ nghề. Nhưng chị yên tâm, tôi vẫn làm sân khấu, tôi không bỏ đâu (cười).

- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Làm sân khấu khiến tôi hạnh phúc ảnh 1

Diễn viên Hương Thủy (tên đầy đủ: Đinh Hương Thủy) đã đảm nhận nhiều vai chính trong kịch mục của Nhà hát Tuổi trẻ. Có thể kể đến: Quỳnh (vở Nhà có ba chị em gái, đạo diễn Xuân Huyền, năm 2014); Mơ điên (vở Công lý không gục ngã, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, năm 2015); Elena (vở Cậu Vanya, đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama, năm 2018), Hedda (vở Hedda Gabler, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, năm 2022); Đế Thích (vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, dự án phiên bản Nhật của đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, năm 2024). Chị đã giành hơn 10 huy chương tại các cuộc thi, liên hoan sân khấu trong nước và quốc tế.