Bền bỉ mục tiêu nhưng phải luôn thay đổi phương thức
- Những năm qua, anh liên tục tham dự các sự kiện, trong đó có nhiều cuộc nói chuyện về đọc sách, về văn hóa đọc tại nhiều đơn vị, từ trường đại học, trường phổ thông, đến các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Anh nhận thấy, trong thực hiện công việc này, khó khăn lớn nhất đối với anh là gì?
- Tôi bắt đầu tiến hành rộng rãi các hoạt động khuyến đọc của mình từ năm 2017 và duy trì đến nay. Các hoạt động ấy bao gồm nói chuyện truyền cảm hứng, tư vấn xây dựng tủ sách, thư viện và các bài giảng, khóa học về kỹ năng đọc sách. Sau bảy năm thực hiện các hoạt động khuyến đọc, tôi thấy có sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, các cơ quan giáo dục, văn hóa. Mặc dầu vậy, thật sự mà nói, nỗ lực của chúng tôi vẫn như muối bỏ bể vì trong một thời gian dài, văn hóa đọc đã bị xem nhẹ trong xã hội và nay, người dân, nhất là trẻ em, đang bị bủa vây bởi văn hóa nghe nhìn.
Đây là công việc gần giống như “đánh nhau với cối xay gió”. Nó đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì hướng tới mục tiêu trong khi phải luôn thay đổi phương thức cho phù hợp. Có rất nhiều phụ huynh mới chỉ chú trọng vào việc học thêm của con, vào điểm số của con mà chưa nhận ra vai trò của đọc sách. Ở nhiều trường học, giáo viên vẫn chỉ quan tâm tới thành tích phong trào để báo cáo… Làm sao để thay đổi nhận thức của họ là vấn đề thách thức của những người làm khuyến đọc như tôi.
- Anh có nhiều thời gian ở nước ngoài, đặc biệt là tám năm học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. Anh có thể chia sẻ phương pháp phát triển văn hóa đọc của đất nước mặt trời mọc?
- Nhật Bản là nước có truyền thống về văn hóa đọc. Đây là điều kiện quan trọng để họ có thể học tập các nước phương Tây và nhanh chóng trở thành cường quốc ở đầu thế kỷ 20. Lịch sử của họ cũng có nhiều khúc đoạn bi thương nhưng văn hóa đọc hầu như không gián đoạn.
Ở tầm chiến lược quốc gia, họ có nhiều bộ luật liên quan khuyến đọc, như Luật Thư viện (ra đời năm 1950), Luật Thư viện trường học (năm 1953, sửa đổi năm 2016), Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (năm 2001), Luật Chấn hưng văn hóa đọc (năm 2005)… Họ cũng ban hành chiến lược văn hóa đọc cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, thôn, làng, với các bước triển khai rất cụ thể.
Thêm nữa, phong trào “Book-start”, tặng sách cho mỗi em bé vừa ra đời, được tổ chức trên toàn quốc từ năm 2001, có tác động rất tốt đến văn hóa đọc. Hệ thống thư viện của họ cũng rất phong phú, trong đó, không chỉ là thư viện công mà cả hệ thống thư viện tư nhân, thư viện dành cho trẻ em, thư viện trường học... Các thư viện cấp tỉnh thường có từ một triệu cuốn sách trở lên.
Nhật Bản cũng có các ngày lễ quan trọng liên quan văn hóa đọc như “Năm quốc dân đọc sách”, “Tuần lễ thư viện”, “Tuần trẻ em đọc sách”…
Ở tầng vi mô, thư viện trường học ở Nhật cũng được khai thác tốt, hơn 70% các trường học trên toàn quốc triển khai phong trào “đọc sách buổi sáng”, tất cả từ giáo viên tới học sinh thực hiện mỗi ngày đọc sách 10 phút vào buổi sáng.
Văn hóa đọc là yếu tố nền tảng
- Thực tế chứng minh, ở không ít quốc gia, nhờ chú trọng phát triển văn hóa đọc và cải cách giáo dục, đã trở thành cường quốc về kinh tế. Việt Nam có thể tham khảo gì ở những quốc gia ấy?
- Lâu nay, nhiều người thường chỉ nhìn vào thành tựu khoa học - kỹ thuật, kinh tế của các nước tiên tiến rồi tư duy rằng sự phát triển ấy đến từ giáo dục, nghiên cứu khoa học-kỹ thuật và các chính sách kinh tế. Tuy nhiên, đấy chỉ là phần ngọn, gốc rễ của vấn đề còn có nhiều thứ khác, trong đó có văn hóa đọc. Văn hóa đọc vừa là bệ đỡ vừa là sự giao thoa của rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực: khoa học - kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, nghệ thuật, truyền thông, xuất bản… Nếu không có văn hóa đọc thì sẽ không thể có thiên tài, nhân tài, nhân lực chất lượng cao, kinh tế tri thức và lối sống văn minh.
Điều chúng ta có thể học hỏi, theo góc nhìn của tôi, là suy xét cho đến cùng nguồn gốc của sự phát triển, về tính nền tảng và dẫn dắt của văn hóa đối với đời sống xã hội và sự sáng tạo.
- Từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã đứng ra tổ chức nhiều cuộc thi nhằm phát triển, bồi đắp văn hóa đọc. Anh đánh giá thế nào về ý nghĩa của những cuộc thi này?
- Tôi có theo dõi các cuộc thi này qua nhiều năm và tham dự một vài buổi lễ tổng kết, trao giải ở cấp quốc gia và địa phương. Theo cảm nhận của tôi, các cuộc thi đã làm được một việc là truyền thông cho văn hóa đọc trên toàn quốc, đi vào các trường học, cơ quan, tổ chức, ban, ngành, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và người yêu sách tham gia. Các cuộc thi đã góp phần thay đổi nhận thức của các gia đình về văn hóa đọc, giúp phụ huynh nhận ra đọc sách cũng quan trọng như là học tập tại trường.
- Từ thực tế hành trình khuyến đọc của anh cũng như kinh nghiệm thúc đẩy văn hóa đọc của những quốc gia mà anh đã tìm hiểu, anh có thể đề xuất những việc nên làm trước mắt và lâu dài để văn hóa đọc ở nước ta phát triển thực chất, hiệu quả hơn?
- Ở phương diện vĩ mô, cần có chiến lược quốc gia đối với xuất bản, giáo dục, thư viện, truyền thông, khuyến đọc hướng vào việc tôn vinh giá trị của văn hóa đọc, có cơ chế khuyến khích để người dân tham gia vào xây dựng, vận hành thư viện tư nhân, các quỹ khuyến đọc, khuyến học, các giải thưởng khuyến đọc, huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động khuyến đọc ở mọi tầng bậc, phù hợp các đối tượng khác nhau. Cần phải xác định: Văn hóa đọc là nền tảng để xây dựng kinh tế tri thức và đời sống văn minh. Đọc chính là học. Nếu học sinh không có thói quen, không biết đọc sách, không yêu thích việc đọc thì khó có thể nói học sinh đó thật sự học và có thể tự học. Việc học nếu tách rời việc đọc thì thực chất là học vì thành tích, là để thi đạt điểm số tốt mà thôi. Hết thi, học sinh sẽ không đọc nữa. Chính vì vậy, khuyến đọc chính là đồng hành, thúc đẩy và hỗ trợ tốt nhất cho đổi mới giáo dục.
Ở cấp độ vi mô, từng gia đình có thể bắt đầu từ việc xây dựng tủ sách gia đình, cha mẹ tự giác quan tâm đến việc trở thành người đọc sách, chăm chỉ đọc sách cho con từ 0-6 tuổi, giúp con biết đọc sách và thưởng thức niềm vui đọc sách khi bắt đầu đến trường. Các phụ huynh liên kết, hợp tác với nhau để tổ chức ra các câu lạc bộ đọc sách để giao lưu, học hỏi lẫn nhau, mở cửa tủ sách gia đình để người khác đến đọc.
- Trân trọng cảm ơn anh!
Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 1982) là diễn giả, dịch giả tự do, người đã thực hiện hàng trăm cuộc diễn thuyết về văn hóa đọc và giáo dục, ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. Anh cũng là tác giả và dịch giả của 100 cuốn sách, hơn 200 bài báo, trong đó có nhiều tác phẩm mang tinh thần truyền cảm hứng đọc tích cực đến công chúng, nhất là các em nhỏ.