Chúng tôi có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Lệ Chi, người sáng lập và hiện là Giám đốc Công ty Chibooks.
Chặng đường nhiều thử thách
- Xin được bắt đầu câu chuyện với Tủ sách Văn hóa Việt mà chị và Chibooks rất tâm huyết để giới thiệu đến độc giả trong và ngoài nước. Vì sao chị lại lựa chọn quảng bá dòng sách này?
- Văn hóa Việt Nam vốn có truyền thống lịch sử lâu đời và nội dung phong phú, rất đáng để giới thiệu rộng rãi tới bạn bè quốc tế. Là một người con của dân tộc Việt, chúng ta tự hào vì được kế thừa những tinh hoa văn hóa chắt lọc qua bao thế hệ, và càng tự hào hơn nếu những giá trị văn hóa đó được bạn bè quốc tế biết đến, đón nhận và trân trọng.
Mặt khác, văn hóa là phương tiện tốt nhất để bắc nhịp cầu hữu nghị, giúp các dân tộc, các quốc gia thêm thấu hiểu nhau, xích lại gần nhau, cùng nhau học cách dung hòa nếu có khác biệt, cùng biết tận dụng những điểm chung để ngày càng thêm hòa hợp... Từ đó, mới có thể tăng cường hợp tác và hợp tác lâu dài, có chất lượng. Văn hóa có thể được coi như “chìa khóa vạn năng” để mở cánh cửa ngăn cách giữa các dân tộc và các quốc gia.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy độc giả nhiều nước (trong đó có cả độc giả Trung Quốc) chưa hiểu rõ về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Có thể nói, những cảm nhận ban đầu của họ về sách Việt Nam nói chung, về đất nước, con người của chúng ta nói riêng còn rất xa vời, đôi khi có những nhận định bị lạc hậu từ vài chục năm trước. Chúng tôi mong muốn có thể góp phần khắc phục tình trạng thiếu thông tin về Việt Nam như vậy thông qua Tủ sách Văn hóa Việt.
- Chắc hẳn giới xuất bản Trung Quốc ban đầu cũng khá dè dặt với dự án này?
- Đúng vậy. Ban đầu, các đối tác nước bạn không thể tránh khỏi cảm giác xa lạ và khó cảm nhận cái hay cái đẹp của từng tác phẩm, bởi nếu ai đó mới chỉ đọc qua phần tóm tắt sách hay mục lục, dù đã dịch ra tiếng Trung, thì chắc chắn họ chưa thể bị thuyết phục. Chỉ khi chúng tôi tự đầu tư dịch luôn hai tác phẩm “Vắt qua những ngàn mây” (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, nói về văn hóa vùng Tây Bắc) và “Người Hà Nội - Chuyện ăn chuyện uống một thời” (tác giả Vũ Thế Long, nói về văn hóa ẩm thực Hà Nội), các đối tác mới có điều kiện để cảm nhận được những điều hay của văn hóa Việt Nam và quyết định đầu tư mua bản quyền xuất bản.
Giao lưu với tác giả Vũ Thế Long và Đỗ Quang Tuấn Hoàng (thứ hai và thứ ba, từ trái sang) tại lễ ký kết bản quyền hai cuốn sách tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC |
- Bên cạnh việc cần thời gian và điều kiện để thuyết phục đối tác, khó khăn đáng kể khác trong việc đưa Tủ sách Văn hóa Việt tới bạn đọc tiếng Trung là gì, thưa chị?
- Do đã trải qua 16 năm ròng rã giới thiệu sách Việt Nam ra nước ngoài, chúng tôi cũng có khá nhiều kinh nghiệm trong dịch thuật và quảng bá sách. Tuy nhiên, việc dịch thuật vẫn đang đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như công sức. Số lượng chuyên gia người Trung Quốc giỏi tiếng Việt và hiểu về văn hóa Việt không nhiều và họ đều cực kỳ bận rộn với các công việc chuyên môn. Vì vậy, việc mời họ dịch sách cho Chibooks không đơn giản. Có thể nói, chỉ vì quá yêu quý văn hóa Việt Nam nên họ mới nhận lời dịch và cũng phải mất từ hai đến ba năm, mới hoàn tất được công đoạn khó khăn này trong quy trình của một xuất bản phẩm tiếng Trung về văn hóa Việt Nam. Cùng với đó là khó khăn về kinh phí đầu tư cho việc dịch thuật.
Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các “bà đỡ” xuất bản ở Trung Quốc và các nước khác để “những đứa con tinh thần” có cơ hội được giới thiệu rộng rãi hơn nữa.
- Vì sao chị không chọn các dịch giả trong nước?
- Việc chuyển ngữ /dịch thuật từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác luôn khó hơn so chiều ngược lại, tức là dịch từ ngôn ngữ khác sang tiếng Việt. Vì vậy, chúng tôi không chọn các dịch giả Việt để chuyển ngữ Việt-Trung mà cố gắng tìm, mời được các tác giả dịch thuật người Trung Quốc giỏi tiếng Việt. Bên cạnh đó, việc tìm, mời được các chuyên gia người Trung Quốc làm công tác hiệu đính bản dịch cũng rất quan trọng, để nội dung đến tay bạn đọc được tốt nhất.
Sau khi bán bản quyền thành công, bản dịch của hai tác phẩm “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội - Chuyện ăn chuyện uống một thời” đã được hiệu đính bởi một vị tiến sĩ người Trung Quốc, đang tham gia giảng dạy ngôn ngữ Việt Nam tại một trường đại học ở nước bạn. Trong quá trình đó, chúng tôi tiếp tục đồng hành với phía nhà xuất bản sở tại ở khâu biên tập, thiết kế, cung cấp thêm nhiều hình ảnh minh họa sách.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để có nhiều cơ hội thành công
- Được biết, tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc- ASEAN, từ ngày 16 đến 19/11 vừa qua, Chibooks đã đưa một trong hai tác giả người Việt Nam sang giao lưu với bạn đọc Trung Quốc. Chị kỳ vọng gì về sự kiện này?
- Chúng tôi hy vọng, việc đưa tác giả sang tham dự buổi ra mắt Tủ sách Văn hóa Việt ấn bản tiếng Trung trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc-ASEAN sẽ góp phần giúp độc giả Trung Quốc có cơ hội giao lưu sâu sắc hơn với tác giả, từ đó hiểu thêm về tác phẩm, có sự tò mò, thích thú để muốn khám phá hơn nữa văn hóa Việt, qua đó yêu văn hóa Việt cũng như đất nước, con người Việt Nam.
- Nhìn rộng ra hơn, chị có thể chia sẻ quan sát của mình về các phương thức quảng bá văn hóa Việt Nam ở đất nước “tỷ dân” trong thời gian qua?
- Việc quảng bá văn hóa Việt đã và đang diễn ra ở nhiều phương diện, từ các dạng xuất bản phẩm, các sản phẩm ăn uống thông dụng, nổi tiếng (như cà-phê, phở, bánh cuốn…, sản phẩm may mặc như áo dài cho đến các nghệ sĩ Việt từng cộng tác, làm việc tại một số chương trình truyền hình thực tế tại Trung Quốc, kể cả cách ứng xử của những người Việt Nam khi đi du lịch tại nước bạn… Qua đó, người dân Trung Quốc dần có cái nhìn đầy đủ hơn, yêu thích và ủng hộ văn hóa Việt Nam.
Tất nhiên, những sản phẩm văn hóa của chúng ta một khi giới thiệu sang nước bạn thì cũng cần được chọn lọc chỉn chu, chuẩn bị kỹ càng, đạt chất lượng, được đầu tư kinh phí để quảng bá... thì mới có cơ hội thành công.
Tựu trung, để quảng bá nền văn hóa của một đất nước ở đất nước khác là điều không hề dễ dàng. Chúng ta chỉ có thể làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” qua mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, từng chút, từng chút một.
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Xin chúc cho Tủ sách Văn hóa Việt ngày càng phát triển, được độc giả các nước đón nhận nồng nhiệt!