Tinh thần âm nhạc luôn là quan trọng nhất
- Thưa ông, vở diễn được dàn dựng trong suốt sáu tháng cuối năm 2021, giữa mùa dịch Covid-19. Bên cạnh những khó khăn của ngoại cảnh, còn có những nguyên do nào khác dẫn đến thời gian dàn dựng lâu như vậy?
- Trước tiên là phần nhạc dành cho các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên không được soạn sẵn, tôi trực tiếp làm việc với các nhạc công, nghệ nhân trong Đoàn, chia sẻ và trao đổi với họ về từng phần thanh âm, để làm sao có sự hòa quyện với phần nhạc giao hưởng được thu âm từ trước. Vài lần tập dợt từng phần nhỏ, rồi cũng quen, mọi người bắt nhịp ngọt, như đã nắm được lòng bản.
Phần hợp xướng cũng được xử lý theo hướng thu âm trước, để trong các chuyến lưu diễn, Đoàn bảo đảm chất lượng nghệ thuật mà vẫn tinh gọn đội ngũ, tiết kiệm kinh phí. Đặc biệt, nhạc sĩ phối khí phần giao hưởng đã sử dụng một cách hiệu quả các hộp tiếng để tạo phần tiếng động trầm hùng, kịch tính trong nhiều phân đoạn; đây lại là lợi thế của việc sử dụng thanh âm điện tử.
- Ông có những tính toán gì về mặt nghệ thuật khi cho chuyển soạn phần âm nhạc mà đáng lý, sẽ do một dàn nhạc giao hưởng trình tấu, thành bản hòa tấu hoàn toàn với thanh âm điện tử?
- Tôi luôn ghi nhớ lời của thầy tôi, cố nhạc sĩ Đàm Linh (1932-2001), rằng hãy biết phân biệt dàn nhạc giao hưởng và tính giao hưởng. Có thể chỉ cần một cây vĩ cầm, một cây đàn nhị, hay thậm chí một miếng gỗ để trên bàn cùng đôi tay và sự sáng tạo, như tôi đã chứng kiến trong một lần giao lưu với các nhạc sĩ người Pháp tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), mà có thể tạo nên lớp lớp thanh âm, nhiều tuyến thanh âm đan xen, tạo nên một hình tượng âm nhạc. Tính giao hưởng nằm ở đó, và đó mới là cốt lõi.
Chính vì vậy, tôi không phụ thuộc vào bất cứ hình thức trình hiện nào của âm nhạc. Tôi chỉ làm theo tư tưởng, tinh thần âm nhạc của tôi.
Năm 1981, lần đầu đến với Đoàn Ca Múa dân tộc Đắk Lắk để dựng tiết mục tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, tôi đã soạn bản concerto dành cho đàn Dinh-pá, có phần độc tấu dành cho cây đàn này, bên cạnh phần hòa âm dành cho tất cả những nhạc cụ có ở Đoàn lúc đó. Để dàn dựng được concerto ấy, chúng tôi cũng mất tới sáu tháng trời, cải tiến cả bộ dùi vỗ ống đàn từ đôi dép cao su để bảo đảm lực vỗ ống đàn và tốc độ của thanh âm như ý. Tiết mục thành công, tôi còn nhớ ngày biểu diễn của Đoàn là 15/12/1981 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tên tuổi của tôi gắn liền với cao nguyên từ đó, bên cạnh ca khúc Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk. Tôi biết, giám khảo của Hội diễn đã tranh luận, liệu đó có phải là một “concerto” hay không, kết luận của họ là: phải… Và nay, 40 năm sau, Khát vọng Dam Săn cũng là kết quả từ một tinh thần âm nhạc như vậy.
Một điều nữa, giọng hát của tất cả các diễn viên tham gia vở diễn chỉ có thể khiến ta thốt lên “tuyệt vời”… Khi nghe họ hát, bạn sẽ tin tôi, rằng tinh thần âm nhạc luôn là quan trọng nhất.
![]() |
Hình ảnh trong vở ca kịch Khát vọng Dam Săn. Ảnh: NVCC |
Sẽ có nhiều hơn một phiên bản Khát vọng Dam Săn
- Ông đã trực tiếp tham dự nhiều lần trình diễn Khát vọng Dam Săn tại địa phương Đắk Lắk, ông có thể chia sẻ một vài phản hồi ấn tượng từ khán giả ở đó?
- Ngay từ rất sớm, chúng tôi đã tìm tới một số nhà văn hóa, trí thức người Ê Đê để mời họ làm cố vấn về văn hóa và dân tộc học cho chương trình, như cụ Ama Pheng, cụ Y Luyện, ông Y’kô Niê. Chúng tôi gửi kịch bản văn học để họ đọc và góp ý. Niềm vui, sự hài lòng của họ về kịch bản, về dẫn dắt câu chuyện truyền cảm hứng chứa đựng khát vọng nghìn đời của đồng bào Ê Đê chứ không phải là sự chuyển thể sử thi Dam Săn một cách thô giản, đã đem lại cho chúng tôi sự tự tin về đón nhận của đồng bào dành cho vở diễn.
Quả vậy, tại Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023, hơn 20 nghìn khán giả đã đến quảng trường 10/3 để thưởng thức vở diễn, không một ai bỏ về trước. Khi vở được trình diễn tại huyện Krông Bông xa xôi, đồng bào vui sướng lắm. Họ thấy họ ở đó, họ thấy được sắc màu văn hóa của dân tộc mình ở đó.
- Có một vài đoạn kể khan bằng tiếng Ê Đê, hay câu hát trong vở diễn được trích từ các ca khúc của ông đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ đồng bào Tây Nguyên. Phải chăng, đó là “mẹo” để vở diễn thu hút khán giả ở lại?
- (cười) Tinh thần của người Ê Đê, tâm hồn của người Ê Đê cường tráng mà bay bổng được thể hiện xuyên suốt mới giữ chân họ ở lại với Khát vọng Dam Săn.
Bạn làm tôi nhớ đến một ý kiến nhận xét, rằng âm nhạc trong vở dồn dập tiết tấu và tiết tấu mạnh mẽ, nhiều cao trào quá… Nhưng nếu như ta đã dự một đêm chiêng Tây Nguyên, ta sẽ thấy chỉ dồn dập, trùng điệp thanh âm như vậy. Hơn 40 năm trước, lần đầu đến Tây Nguyên, trong khi dự một đêm chiêng, tôi thoáng có ý nghĩ sẽ không thể chịu nổi quá 30 phút, nhưng không, sau một vài ngụm rượu cần, tôi bắt đầu cảm thấy thanh âm êm dần, bềnh bồng… Tôi muốn âm nhạc của tôi thể hiện được những nét đặc sắc như vậy.
- Nhưng ta sẽ không thể vừa uống rượu cần trong một nhà hát vừa thưởng thức Khát vọng Dam Săn, thưa ông?
- Nếu ta có rượu ở trong lòng (cười)...
- Khát vọng Dam Săn được hoàn thành trong năm 2021. Nhưng có lẽ, độ phức tạp của một vở kịch hát khiến tôi nghĩ rằng, những ấp ủ dành cho nó hẳn ít nhiều phải có từ lâu, trước đó?
- Từ những năm 1980, chính quyền, lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk đã muốn có một vở diễn quy mô về Dam Săn, nhưng chưa thành. Khoảng 20 năm trước, đại diện Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam lại đặt hàng tôi cùng một tác giả kịch bản thực hiện vở nhạc kịch về Dam Săn, cũng không thành. May mắn đến khi tôi gặp chị Hồng Hoa, có các chia sẻ với chị ấy về một “giấc mơ âm nhạc với Dam Săn và về Dam Săn” của tôi. Chị Hoa cũng nghe nhiều ca khúc về Tây Nguyên của tôi nên có sự đồng cảm. Chị ấy đã viết kịch bản văn học.
Sau khi hoàn tất kịch bản và phần tổng phổ âm nhạc, chúng tôi mới chính thức trình bày với đại diện chính quyền tỉnh Đắk Lắk, vào khoảng giữa năm 2020…
- Đây cũng là chương trình nghệ thuật quy mô nhất của Đoàn Ca Múa dân tộc Đắk Lắk kể từ sau năm 1975 đến nay. Ông kỳ vọng gì về những bước đi tiếp theo để lan tỏa thành công của vở diễn, trước mắt là ở trong nước?
- Xem như Khát vọng Dam Săn là hiện thân của giấc mơ âm nhạc 40 năm của tôi với Tây Nguyên, là kết quả của từng ấy năm tháng lăn lộn với nắng gió nơi này để thấm từng điệu dân ca, từng lời tâm tình, từng nét đẹp ban sơ của tâm tính người Tây Nguyên. Nhưng tôi chưa dừng lại. Tôi đã nghĩ đến phiên bản âm nhạc thứ hai của vở diễn, được trình tấu hoàn toàn bằng nhạc cụ dân tộc. Đây là một thử thách mà tôi mong muốn vượt qua.
Bên cạnh chủ trương của lãnh đạo tỉnh là tiếp tục đưa vở diễn đi phục vụ tại các trường phổ thông, buôn làng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác, một dự án đưa vở diễn vào khai thác theo hình thức sân khấu thực cảnh, trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa riêng có của tỉnh Đắk Lắk, cũng đang được triển khai từng bước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ca kịch Khát vọng Dam Săn gồm năm chương, thời lượng 90 phút. Đơn vị tổ chức sản xuất là Sông Thương Garden.
Ngày 13/4 tới đây, Thủ đô Hà Nội là điểm đến ngoại tỉnh thứ hai của vở diễn, tiếp sau điểm đến đầu tiên là Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5/2024.