Nhà báo Sherry Buchanan:

Một điều kỳ diệu là khả năng tha thứ của phụ nữ Việt Nam

Việc đang lên kế hoạch xuất bản cuốn sách thứ tám viết về Việt Nam cho thấy một tình cảm đặc biệt của Sherry Buchanan dành cho Việt Nam, nhất là với những con người mà bà có cơ duyên gặp gỡ, nghe câu chuyện cuộc đời của họ. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng bà.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Nguyễn Thị Kim Huế (bên trái), người từng tham gia bảo vệ đèo Mụ Giạ, tỉnh Quảng Bình, tiếp đón nhà báo Sherry Buchanan tại nhà riêng bên Quốc lộ 12A. Ảnh: NVCC
Bà Nguyễn Thị Kim Huế (bên trái), người từng tham gia bảo vệ đèo Mụ Giạ, tỉnh Quảng Bình, tiếp đón nhà báo Sherry Buchanan tại nhà riêng bên Quốc lộ 12A. Ảnh: NVCC

Nguồn cảm hứng và lòng biết ơn

- Bà có thể chia sẻ về những kết nối đầu tiên của bà với Việt Nam?

- Qua các bài học thời phổ thông về chủ nghĩa thực dân Pháp, Việt Nam trong tôi chính là Đông Dương, một vùng đất xa xôi, kỳ lạ và lãng mạn mà tôi muốn đến thăm. Hình ảnh về Việt Nam hồi ấy là đền đài, những tấm áo choàng gấm và người phụ nữ trong bộ áo dài mầu trắng… Nhưng tôi cũng chịu ảnh hưởng từ tiểu thuyết của Marguerite Duras, “Un barrage contre le Pacifique” (có tên tiếng Anh là The Sea Wall; tạm dịch từ tiếng Pháp: Đập chắn Thái Bình Dương, năm 1950), khắc họa mặt tối của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Người giám hộ của tôi là một nhà sưu tập danh tiếng về nghệ thuật châu Phi và tiểu họa Ba Tư; mẹ tôi là một nhà làm phim tài liệu về người bản địa Colombia chống lại các công ty dầu mỏ của Mỹ. Từ hoàn cảnh sống riêng, tôi đã phát triển một thế giới quan quốc tế, hiểu biết về phi thực dân hóa và quan tâm đến các nghệ sĩ từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở Việt Nam, tôi chịu ảnh hưởng của Tòa án Tội phạm chiến tranh quốc tế, nơi đã phán quyết rằng “Chính phủ Hoa Kỳ phạm tội diệt chủng đối với người dân Việt Nam” và các cuộc biểu tình phản chiến vào tháng 5/1968 tại Paris. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi học đại học tại Hoa Kỳ, tôi đã chọn ngành khoa học chính trị và chuyên về các phong trào dân tộc đấu tranh giành độc lập.

- Những điều đó hẳn là rất có ý nghĩa cho sự gắn bó sau này với Việt Nam của bà? Như tôi được biết, một trong những cuốn sách đầu tiên của bà về Việt Nam lại là về tranh và thơ của cố họa sĩ Trần Trung Tín.

- Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trong thời gian làm việc cho tờ International Herald Tribune, tôi viết về nghệ thuật đương đại ở Trung Quốc và Đông Nam Á.

Năm 1995, lần đầu tôi có cơ hội gặp họa sĩ Trần Trung Tín tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau cuộc gặp, tôi vẫn không biết nhiều về cuộc đời ông, ngoại trừ việc ông đã vẽ tranh ở Hà Nội trong thời chiến. Nhưng các tác phẩm nghệ thuật của ông đã tự nói lên tất cả.

Tôi quyết định viết cuốn sách ấy vì nghệ thuật của ông nắm bắt được nỗi thống khổ và sức chịu đựng của một dân tộc trong chiến tranh mà không hề cay đắng hay tức giận. Có thể kể đến “Này bạn, đừng buồn!”, vẽ hình ảnh chú chim đang mơ về tự do-cũng là biểu hiện cho một thế giới của riêng ông; “Cô gái, cây súng, bông hoa” tôn vinh những chiến binh là phụ nữ, những hình ảnh về sự hồn nhiên không hề bị mất đi, dẫu có tổn thương bởi hoàn cảnh, bức tranh như đề cập số phận của người phụ nữ Việt Nam với tư cách là “người lính, người mẹ và người chu cấp”. “Mẹ và con” tôn vinh cuộc sống và sự thay mới, bất chấp chiến tranh... Câu thần chú của ông trong nhiều cuộc gặp gỡ với chúng tôi qua năm tháng là: “Không còn chiến tranh nữa!”.

- Bên cạnh sự tiếp xúc với hình ảnh phái nữ trong nghệ thuật, bà cũng đã gặp gỡ, nghe câu chuyện cuộc đời của nhiều phụ nữ Việt Nam bình dị đã đi qua chiến tranh. Câu chuyện của họ khiến bà liên tưởng điều gì?

- Tính thực tiễn, sức mạnh và sự lạc quan của họ. Điều kỳ diệu nhất là khả năng tha thứ của họ đối với người từng là kẻ thù, song tha thứ không có nghĩa là họ quên nhắc đến trách nhiệm của phía đó.

Bà Ngô Thị Tuyển đã kể tôi nghe về cuộc tiếp đón hai phi công Mỹ, những người từng ném bom cây cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa: “Tôi đã gạt lịch sử sang một bên và hướng tới tương lai… nhưng hãy nói với người Mỹ rằng, họ nên trả giá cho những gì họ đã làm và giải quyết vấn đề chất độc da cam”, bà ấy nói với tôi. Bà Tuyển cũng nói với tôi suy nghĩ của bà về tình trạng tiếp diễn của chiến tranh trong thế giới này, là bởi những kẻ gây ra chiến tranh không thể cảm nhận được nỗi đau khổ. “Họ biết nỗi đau khổ nhưng họ không thể cảm nhận được nỗi đau khổ đó”, bà nói.

Bà Võ Thị Mô, một chỉ huy cấp trung đội ở khu vực Củ Chi năm xưa, đã kể cho tôi nghe về tuổi trẻ của bà, về việc phải chứng kiến sự hy sinh của nhiều đồng đội trẻ trung của mình và vì sao, bà quyết định tha mạng cho bốn người lính Mỹ cùng độ tuổi trẻ trung ấy…

Sau nhiều cuộc gặp gỡ, tôi đã chia tay nhân vật của mình với tâm trạng bàng hoàng nhưng xen lẫn cảm giác tinh thần được nâng đỡ nhiều phần. Câu chuyện của họ là nguồn cảm hứng và lòng biết ơn trong tôi.

Để luôn nhắc nhở bản thân về lòng trắc ẩn và sự dũng cảm của họ, tôi đã lưu bản sao một số bài thơ về chiến tranh trong điện thoại cá nhân: Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và những bài thơ của bà Lê Hồng Quân, một cựu tù Côn Đảo.

Chút đóng góp vào quá trình hòa giải và cân bằng lại lịch sử

- Bà Tuyển, bà Mô cũng là nhân vật trong “Trên Đường mòn Hồ Chí Minh”, phiên bản tiếng Việt đầu tiên trong số các sách của bà vừa được xuất bản tại Việt Nam (Nhà xuất bản Phụ nữ, tháng 9/2024). Vì sao bà quyết định có sự hợp tác xuất bản này?

- Tôi luôn muốn cuốn sách này được đến tay bạn đọc ở Việt Nam và Hoa Kỳ. Bản tiếng Anh đã được xuất bản và phát hành từ cuối năm 2021. Tôi muốn cuốn sách này là đóng góp nhỏ bé của tôi vào quá trình hòa giải ở cấp độ cá nhân giữa những con người từng ở hai phía chiến tuyến. Tôi biết ơn những phụ nữ và nghệ sĩ đã ủng hộ tôi trong suốt chuyến đi và hy vọng rằng, bằng cách chia sẻ câu chuyện của họ, tôi đã đóng góp một chút gì đó cho một thế giới không có chiến tranh.

Một điều kỳ diệu là khả năng tha thứ của phụ nữ Việt Nam ảnh 1
Cô gái vận chuyển đạn giữa các trạm giao liên trên Đường mòn Hồ Chí Minh, ký họa mầu nước của tác giả Nguyễn Văn Trừ, năm 1971. Ảnh: NVCC

- Nhưng có một thực tế là, hầu hết những câu chuyện/cuốn sách về Việt Nam xuất bản ở các nước khác, bao năm qua vẫn đề cập các cuộc chiến ở Việt Nam dù chúng đã lùi xa hàng chục năm. Bình luận của bà về thực tế này? Liệu có cách nào thay đổi nó theo hướng tích cực hơn? Nghệ sĩ và nghệ thuật có thể đóng góp vào thay đổi ấy?

- Từ góc nhìn của cá nhân tôi, tôi cho rằng, sự ám ảnh của nước Mỹ và người Mỹ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn tiếp diễn vì còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Con người cần công lý. Tôi biết một số xuất bản phẩm gần đây về cuộc chiến này đã đưa ra cái nhìn lịch sử cân bằng hơn. Tôi hy vọng sẽ dịch lời kể và hồi ký của các nữ cựu chiến binh Việt Nam để bổ sung vào sự cân bằng lịch sử đó.

Tương tự, nỗi ám ảnh của chiến tranh với phần còn lại của thế giới, tuy không phải xảy ra với tất cả, nhưng vẫn còn đó. Nhưng điều này đang thay đổi nhờ du lịch và các thế hệ mới ở phương Tây chưa bao giờ nghe nói đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, nghệ thuật và nghệ sĩ đã, đang góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam của hôm nay đến với thế giới. Nhiều địa chỉ nghệ thuật đương đại của Việt Nam đã đóng vai trò đi đầu trong việc quảng bá một thế hệ nghệ sĩ mới ở cấp độ quốc tế. Một số nghệ sĩ trẻ đã được mời trưng bày triển lãm bởi những địa điểm nghệ thuật có uy tín ở Anh, Italy, Pháp…

Tuy nhiên, đúng là sự giàu có về tài năng và sức sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam cần có vị trí xứng đáng trong không gian văn hóa thế giới. Tôi tin rằng, sự thay đổi sẽ được đẩy nhanh với một môi trường thuận lợi cùng việc tạo ra cơ sở hạ tầng nghệ thuật đương đại và bảo tàng mới tại Việt Nam.

- Chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của bà có gợi cảm hứng cho bà viết về Việt Nam của hiện tại và tương lai?

- Trong chuyến đi gần đây nhất (tháng 9/2024), tôi đã dành phần lớn thời gian tại Thành phố Hồ Chí Minh và chứng kiến ​​những thay đổi tích cực to lớn ở nhiều phương diện, từ hạ tầng cơ sở vật chất đến đời sống nghệ thuật.

Tôi không chắc mình có đủ trình độ để viết về Việt Nam của hiện tại và tương lai hay không, nhưng tôi rất vui để thử sức. Trong thời gian chờ đợi, tôi dự định xuất bản “Steel Flowers” (tạm dịch: Những bông hoa thép), một tác phẩm tri ân những người phụ nữ ở miền nam Việt Nam đã chiến đấu và vượt qua mọi cuộc tra tấn tại các trung tâm giam giữ và nhà tù của quân đội Hoa Kỳ, trở về đoàn tụ gia đình trong hòa bình.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Sherry Buchanan nguyên là biên tập viên và người phụ trách chuyên mục của hai tờ báo The Wall Street JournalThe International Herald Tribune. Các sách của bà về lịch sử, lịch sử nghệ thuật và văn hóa, trong đó khá tập trung vào Việt Nam, được Nhà xuất bản Đại học Chicago (University of Chicago Press, Hoa Kỳ) đồng xuất bản và phát hành.