Họa sĩ Trần Nguyên Đán:

Sống đúng với mình trong nghệ thuật

Trong cả câu chuyện dài, ông cứ nhắc đi nhắc lại rằng, những điều ông bộc bạch là tâm tư gan ruột, cũng là quan điểm của riêng ông, sẽ có người đồng tình và ngược lại… Ông nghĩ, như vậy mới là cuộc sống, đa dạng, phong phú.
0:00 / 0:00
0:00
Trần Nguyên Đán, "Đây Thăng Long Đông Đô Hà Nội", khắc gỗ, 106x182cm, năm 2009, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Trần Nguyên Đán, "Đây Thăng Long Đông Đô Hà Nội", khắc gỗ, 106x182cm, năm 2009, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tôi có duyên với chất liệu khắc gỗ

- Thưa ông, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn làm việc hằng ngày với tranh khắc gỗ, chất liệu chính yếu trong nghệ thuật của ông suốt hơn 50 năm qua. Dù, như ông có nói, ngày càng hiếm người đi cùng dòng tranh này…

- Cái gì sinh lợi nhiều thì mới phát triển, đó là quy luật xã hội. Trong tranh khắc gỗ, để khắc xong một bản tranh hoàn thiện trên tấm gỗ, nhất là với những bức tranh khổ lớn, nhiều chi tiết, có lẽ họa sĩ vất vả không kém, nếu so công làm việc với chất liệu sơn dầu, sơn mài. Tuy nhiên, giá bán của một bản tranh thường rất thấp và họa sĩ cũng không thể in tranh vô tội vạ chỉ để bán lấy tiền được.

Trong số các họa sĩ ở độ tuổi của tôi hiện giờ, chắc còn mỗi mình tôi vẫn trực tiếp làm việc hầu như chỉ với chất liệu này. Về lớp trẻ, tôi nghĩ, ngày càng hiếm người kiên nhẫn với khắc gỗ.

- Ông đã từng thử nghiệm với các chất liệu khác?

- Tôi cũng có vẽ sơn dầu, nhưng để cho vui thôi. Riêng với kỹ thuật đồ họa, trên tranh của tôi, không chỉ có duy nhất khắc gỗ mà còn có thêm một số kỹ thuật in khác, đôi khi, tôi có vẽ thêm nét, chỉ với mục đích đạt được hiệu quả thẩm mỹ.

Nhưng đúng là, tôi có duyên với chất liệu khắc gỗ. Hồi còn là sinh viên Trường Mỹ thuật công nghiệp, tôi học điêu khắc gỗ, hệ trung cấp và hội họa hoành tráng ở hệ cao đẳng. Thấy một số thầy trong trường làm tranh khắc gỗ, tôi cũng thử tìm cách thể hiện chứ không học trực tiếp từ ai. Ấy vậy mà một trong ba bức tranh đầu đời của tôi đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập, năm 1976; một thời gian ngắn sau, bức thứ hai được một đoàn khách nước ngoài mua. Tôi hiểu, đó là khởi điểm, là tín hiệu khích lệ tôi về một thế mạnh mà tôi nên nắm lấy.

Tôi tiếp tục với tranh khắc gỗ. Tác phẩm của tôi vẫn được hội đồng nghệ thuật của các triển lãm duyệt trưng bày, trao giải, lại vẫn có khách mua. Tôi thấy tôi cần phải lấy nghề để nuôi nghề nên cứ thế, "chiếm lĩnh trận địa". Tôi không mơ tưởng sang chất liệu khác.

- Ông nói đến "duyên" với chất liệu khắc gỗ, nhưng để duy trì được cuộc hội thoại cùng chất liệu này qua hơn 50 năm, có lẽ, duyên chỉ là khởi đầu.

- Nhiều lúc nản chứ, nhưng tôi phải tự ép mình lại để tập trung vào công việc. Tôi cũng nghĩ ra cách soạn vài ba phác thảo cùng lúc. Đục, khắc cái này thấy không hào hứng, chuyển sang cái khác, đôi tuần sau, quay lại xem xét, sửa chữa, có khi có tiếng gọi trong thâm tâm chỉ cho mình cách làm.

Tôi tự động viên mình: Người hợp thời đi trên đường cao tốc cũng đến đích, tôi đi đường riêng của tôi, cuối cùng, cũng đến đích. Tôi cứ thủng thẳng đi và tự nâng cao, đào sâu, đẩy mạnh chuyên môn của mình.

Cái đẹp là trước tiên và sau cuối

- Đến giờ, ông có thể miêu tả một cách khái quát về con đường đi riêng trong nghệ thuật tranh khắc gỗ?

- Tôi thấm cách thể hiện của các cụ ta xưa, trong mỹ thuật dân gian, thiên về mảng bẹt, phẳng, nhìn từ trên cao xuống, mang tính ước lệ. Tôi học được tinh thần của tranh dân gian Đông Hồ là khơi gợi tình cảm nơi người xem.

Việc theo học ngành hội họa hoành tráng cũng tạo điều kiện cho tôi có cái nhìn rộng dài về không gian, đa chiều, đồng hiện và biết cách áp dụng hợp lý các tính chất này vào tranh khắc gỗ, nên có lẽ, tranh của tôi có chút tiếng nói riêng.

Bên cạnh các bản tranh in đen trắng thuần túy khắc gỗ, tôi cũng linh hoạt, kết hợp một số kỹ thuật in ấn khác để có thể đạt hiệu quả với tranh có mầu, đáp ứng thị hiếu đa dạng hơn của công chúng và nhà sưu tập. Tôi giữ sự cân bằng giữa một bên là nghệ thuật, tự do sáng tạo và một bên là cuộc đời, cân đối giữa ảo và thực, cân bằng giữa bút pháp hiện đại theo phương tây và ảnh hưởng truyền thống Á Đông trên tranh. Tôi cũng dần tự ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình để làm sao cho hài hòa trong sáng tác. Trong mấy chục năm làm cán bộ nhà nước, đi đâu tôi cũng địu theo ống cuộn phác thảo tranh, như địu con (cười), tranh thủ thời gian rảnh để nhìn ngắm, điều chỉnh, đúc rút kinh nghiệm.

Tôi vẫn cho rằng, mình thế nào thì tranh của mình là vậy.

- Để thấm được cách thể hiện nội dung trong mỹ thuật dân gian, hẳn là ông cũng phải tìm hiểu và tự gạn lọc nhiều kiến thức từ kho tàng vô tận ấy. Nhưng là theo cách thức như thế nào, thưa ông?

- Tôi như một kẻ nghiện thụ động mỹ thuật dân gian vậy (cười). Sau khi ra trường, tôi được phân công công tác ở Vụ Bảo tồn bảo tàng (nay là Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tham gia tu sửa đình, chùa ở nhiều địa phương khắp miền bắc. Từ năm 1981, tôi chuyển về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiếp tục làm công việc bảo quản, phục chế tranh, tượng.

Tôi thích cách nhìn của người phương Đông trong nghệ thuật tạo hình. Nhưng để không lệ thuộc vào vốn cổ, tôi phải có các nghiên cứu, phân tích trong quá trình xây dựng ý tưởng, để vẫn thể hiện được nội dung cần thiết đồng thời luôn đi theo tôn chỉ: Cái đẹp trong tranh là quan trọng nhất. Mọi thứ trên tranh phải đẹp, từ ý tưởng đến bố cục, bút pháp, cách thể hiện… để cuối cùng, có một bức tranh đẹp. Tôi giữ ý nguyện này, nên tôi cố gắng độc lập, trong cả cách sống và làm việc. Tôi chưa bao giờ thuê thợ phụ.

- Ông có nhiều bộ tranh về các địa danh mà ông yêu mến, như Huế, Hà Nội, Hội An, Hải Phòng. Đây cũng là những địa danh được thể hiện trên tranh của nhiều thế hệ họa sĩ. Ông tạo nên vẻ khác biệt trong tranh của mình như thế nào?

- Thí dụ như với bộ tranh về Hội An, tôi mất cả 5 năm để hoàn thành được 42 bức. Tôi nhớ là khi làm triển lãm cá nhân riêng cho bộ tranh này, tôi chỉ đề tên triển lãm "Hội An trong mắt tôi", các tranh đều không có tên riêng.

Đúng là người ta đã vẽ, đã nói, đã nghĩ về Hội An nhiều rồi. Nhưng tựu trung, có ba dạng thể hiện về Hội An: Người nơi khác đến Hội An, người ở Hội An và tôi. Vậy là phải có sự tìm hiểu, phân tích rằng họ đã vẽ, đã nói, đã nghĩ thế nào, còn tôi sẽ làm gì để khác đi, để có Hội An trên tranh vẫn là Hội An mà như không phải Hội An…

- Hiện giờ, tuổi tác và sức khỏe có chi phối việc ông tìm hiểu xu hướng sáng tác, trong một thế giới nghệ thuật đang biến chuyển rất nhanh chóng?

- Tôi nhờ con cháu hướng dẫn để tận dụng tinh hoa công nghệ số. Tôi đã thay đến hai chiếc iPad rồi đấy (cười). Mỗi khi nghỉ tay, tôi lại xem tin tức về hiện tình xã hội và nghệ thuật, tìm hiểu các xu hướng sáng tác, suy nghĩ, cách làm của người trẻ trong nghệ thuật.

Lúc nghỉ hưu, cũng tưởng mình sẽ "tắt nắng". Nhưng rồi tôi tự thay đổi, xoay chuyển quan niệm để không bị rơi vào cảm giác ở bên lề dòng chảy xã hội, để sống sao cho không bị già đi. Tuổi này rồi, còn giữ được ham muốn và yêu thích làm việc là vui lắm, thấy yêu đời.

Nhiều người hỏi tôi về tác phẩm hay nhất, nhưng tôi thích nói về tác phẩm mới, trong tương lai hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Sống đúng với mình trong nghệ thuật ảnh 1

Họa sĩ Trần Nguyên Đán nguyên là Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, với nhóm 5 tác phẩm chất liệu khắc gỗ. Mới đây, tháng 10/2024, tác phẩm khắc gỗ "Bản nhạc Thăng Long" của ông được trao giải A duy nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô.