Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm:

Thấm hiểu bản chất cuộc sống thông qua nghệ thuật

“Hóa thân: 241” là triển lãm điêu khắc cá nhân lần thứ hai của Nguyễn Ngọc Lâm, cách triển lãm đầu tiên 19 năm. Điều đáng kể, trong thời gian diễn ra (từ ngày 7 đến 31/12/2024, tại Hanoi Studio Gallery), triển lãm nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng ở đa dạng lứa tuổi, nhất là từ những đồng nghiệp và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian tầng hai của triển lãm. Ảnh: AN TRUNG
Không gian tầng hai của triển lãm. Ảnh: AN TRUNG

Giá trị của nghệ thuật là làm lay động tâm hồn con người

- Hầu hết các tác phẩm trong “Hóa thân: 241” đều có kết cấu bao gồm khối gỗ bên trong và các thanh inox đan thành lớp bao bọc bên ngoài. Đây cũng là kết cấu hai lớp cho một tác phẩm đã theo suốt hành trình điêu khắc với anh từ nhiều năm qua. Có lý do gì khiến anh duy trì và biến hóa cùng kết cấu ấy theo thời gian?

- Tôi phát triển ý niệm với kết cấu tác phẩm như vậy từ khi còn là sinh viên Khoa Điêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam). Xuất phát điểm là suy nghĩ trong tôi về sự bao bọc, che chở, bảo vệ mà cũng là ràng buộc lẫn nhau giữa các thực thể, vấn đề trong đời sống.

Theo thời gian, tôi sử dụng vật liệu bền vững hơn, đẩy mạnh yếu tố đối lập giữa vật liệu, hình khối tạo tác từ các vật liệu để tạo nên các cặp đối lập cả về hình thức và nội dung.

Như trong “Hóa thân: 241”, tôi sử dụng hai vật liệu: Gỗ để làm khối lõi bên trong và các thanh inox mảnh/hộp inox để đan tạo khối bên ngoài. Tự thân hai chất liệu này có thể tạo ra cặp tương phản rất mạnh về độ cảm chất liệu, gợi cảm xúc khác thường, làm tăng ấn tượng về tác phẩm đối với người xem. Từ lợi điểm này, tôi tiếp tục tìm kiếm các cách thức xử lý chất liệu và nghiền ngẫm cấu trúc nội dung cho từng tác phẩm để những cặp đối lập đặc-rỗng, mềm-cứng, mỏng manh-vững vàng… có thể tiếp tục gợi mở những cảm nhận đa tầng nghĩa khác, trong liên tưởng về cuộc sống, về thời đại chúng ta đang sống.

- Nhưng ngay với những khối lõi bên trong là gỗ, anh cũng không để chúng chỉ là khối đặc mà ở không ít tác phẩm, anh tiếp tục biến chúng thành như hợp phần của nhiều khoảng trống lớn, nhỏ?

- Đó là hệ quả của sự tìm tòi trong quá trình thực hành của tôi, như một sự dẫn dắt tự nhiên của nghề nghiệp điêu khắc. Từ xử lý khối đặc tới giải phẫu khối, đi sâu vào nhiều tầng bên trong của khối để phân tích các cấu trúc bên trong nữa mà vẫn giữ được khối lớn… rồi tìm kiếm cách bao bọc khối sao cho nó trở nên lung linh, kỳ ảo, nhiều lớp, nhiều điều muốn nói như là câu chuyện đời người.

- Có câu chuyện của anh ở đó chứ?

- Có thể nói, mỗi tác phẩm trong số 15 tác phẩm cùng chung tên triển lãm (Hóa thân, được đánh số từ 1 đến 15) đều được “hóa thân” từ một phần câu chuyện cuộc sống cá nhân tôi, khối lõi như là một mảnh cá nhân tôi tương tác với một tình huống, một hoàn cảnh sống. Có những ràng buộc, rạn vỡ, khoảng trống, những kết nối, đâm xuyên… nhiều thứ làm ta tốt lên, không ít thứ làm ta bị tổn thương. Những suy tưởng ấy trong suốt thời gian nung nấu cho bộ tác phẩm của triển lãm này đã tạo nên mối liên quan giữa các tác phẩm.

- Quãng thời gian dành cho “Hóa thân: 241” không hề ngắn và chắc chắn là có không ít ngắt quãng vì đan xen các công việc khác. Đây có phải là một khó khăn đối với anh trong quá trình xây dựng nên câu chuyện nghệ thuật dài với các chương liên quan, có tính thống nhất xuyên suốt trong triển lãm này?

- Từ hơn 10 năm trước, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều về một triển lãm cá nhân tiếp theo, rằng sẽ phải làm gì, làm như thế nào. Nhưng khoảng ba năm trở lại đây, ý tưởng mới cô đọng dần, hình thành nên các phác thảo và tập trung thể hiện trực tiếp trên chất liệu. Tôi chỉ thấy thích thú mà thôi. Trong thời gian đó, những lúc ngồi tạm nghỉ, ngắm nhìn mọi thứ dở dang trước mắt, suy tư về chúng, tôi dần thấm hiểu về bản chất cuộc sống, về chính bản thân mình, những ưu-nhược điểm, hiểu được giá trị của sự tồn tại của mình giữa bao ràng buộc cuộc đời này.

Nhiều ý tưởng thể hiện đến trong tâm trạng như thế và tôi mong muốn có thể truyền những dấu ấn suy ngẫm, cảm xúc sáng tạo, hình bóng của cá nhân mình vào từng vết đục, vết khắc, vết hàn trong tác phẩm… Vì vậy, tôi cảm thấy rất vui khi có những người xem đã quay lại thăm triển lãm, chụp hàng trăm bức ảnh chi tiết tác phẩm và chia sẻ cho tôi. Hoặc có bạn khán giả chỉ mới 20 tuổi, đã nhắn cho tôi rằng, bạn ấy không kìm được sự xúc động khi xem các tác phẩm bày ở khu vực tầng hai, bởi bạn ấy cảm nhận ở đó có “cuộc hành trình trưởng thành, phải chiến đấu, giằng co với thế giới bên ngoài, nhưng vẫn phải bảo vệ cho chính mình…”.

Khán giả đã cho tôi niềm tin rằng, giá trị của nghệ thuật là làm lay động tâm hồn con người, kích thích trí tưởng tượng của họ, đánh thức tiềm thức của họ, khơi gợi trong họ nhận thức mới về những điều tưởng chừng quen thuộc trong đời sống.

Sẽ có những “Hóa thân” tiếp theo

- Ta quay lại thực tại một chút nhé! Để có được một triển lãm điêu khắc cá nhân, việc đầu tư cho vật liệu cũng không hề dễ dàng. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn?

- Chỉ riêng việc lựa chọn loại gỗ và cách xử lý chất liệu này để bảo toàn được sự bền vững cho tác phẩm cũng là một thử thách khó khăn. Một vài năm trước, tôi phải làm lại một tác phẩm vì phần gỗ bằng gỗ nhãn đã bị nứt, chỉ sau một thời gian ngắn. Đó là trải nghiệm khó chịu mà tôi không muốn lặp lại. Cũng bởi tôi chỉ mới làm quen với chất liệu gỗ trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, mà gỗ thì vô cùng phong phú về chủng loại.

Lần này, tôi tìm các loại gỗ bền hơn, học được ở làng nghề cách ngâm tẩm nước muối và vôi trong, cách phủ lớp bảo vệ sau khi hoàn tất các khâu chế tác, để vừa chống mối mọt vừa hạn chế sự co, ngót của gỗ theo thời gian.

- Anh tự làm tất cả mọi việc?

- Không thể. Vì có một số khâu công việc khiến tôi rất cần người phụ giúp, nhất là trong giai đoạn cuối trước ngày khai mạc triển lãm. Nhưng về cơ bản, tôi luôn ở đó, cùng họ căn chỉnh, hoàn thiện chi tiết.

Có lẽ, tôi thuộc thế hệ người làm điêu khắc cũ rồi chăng, chỉ muốn tự mình “ôm” hết mọi khâu công việc (cười). Giờ, nghệ sĩ thị giác có thể chỉ cần thiết kế ý tưởng, còn lại, có một đội ngũ trợ lý, máy móc thể hiện thành tác phẩm vật lý. Nhưng tôi làm nghệ thuật vì tôi muốn thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của bản thân mình, để có thể cất lên tiếng nói của cá nhân mình về cuộc đời này, với cuộc đời này. Lúc thích thú nhất đối với một người sáng tác là lúc tìm kiếm cách thể hiện, cách nói điều mình muốn với từng chi tiết tạo tác, được đi cùng chất liệu và phát triển tác phẩm. Tôi không nên để mất những quãng thời gian đẹp đẽ như thế trong cuộc đời mình.

- Anh không theo đơn đặt hàng, phục vụ người khác thì đổi lại, tác phẩm của anh sẽ lại càng khó có thể bán được trong bối cảnh mỹ thuật ở Việt Nam chưa có thị trường đúng nghĩa. Anh không ân hận chứ?

- Không, đây là lựa chọn của cá nhân tôi vì ngay từ đầu, tôi đã xác định là tác phẩm của mình rất khó bán.

Với lại, tác phẩm của tôi không phải món tượng tròn để trang trí nội thất, bày biện nơi góc phòng nào đó… Chúng thích hợp trong một không gian riêng, để thuần túy thưởng lãm và ngẫm ngợi.

Điều vui nhất với tôi lúc này là “Hóa thân: 241”, cùng va chạm của nó với chính tôi thời gian qua cũng như với người xem nhiều thế hệ, đã gợi cảm hứng cho tôi về những “Hóa thân” khác nữa cho một triển lãm cá nhân tiếp theo. Hình dáng tác phẩm sẽ đa dạng hơn, cấu trúc sẽ phức tạp hơn, phác thảo và kỹ thuật thể hiện sẽ kỹ lưỡng, chi tiết hơn. Như thể, tôi đang có cơ hội nhìn sâu hơn nữa vào cuộc đời này.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh! ■

Thấm hiểu bản chất cuộc sống thông qua nghệ thuật ảnh 1

Nguyễn Ngọc Lâm hiện là giảng viên Khoa Điêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh là thành viên từ buổi đầu (năm 2010) của nhóm các nhà điêu khắc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng gây dựng chuỗi triển lãm điêu khắc định kỳ hai năm tại hai thành phố. Một số tác phẩm của anh đã được giới thiệu trong tour triển lãm khu vực Đông Nam Á, thuộc dự án Kohler and the Art, của Tập đoàn Kohler (năm 2015), lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Flamingo, một số bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.