Nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tùng:

Tôi theo đuổi vẻ đẹp của ngôn ngữ kịch câm

Có lẽ, danh hiệu “nghệ sĩ kịch câm số 1 Việt Nam” mà đồng nghiệp dành cho anh khiến Hoàng Tùng ngậm ngùi hơn là tự hào, bởi lâu nay, anh là người duy nhất vẫn kiên trì thực hành bộ môn nghệ thuật này. Sự gắn bó từ tình cảm thiết tha với kịch câm là chủ đề cuộc trò chuyện của chúng tôi với anh.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tùng trong vai ông hàng thịt, vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (kịch bản: Lưu Quang Vũ, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama), công diễn hồi tháng 1/2024 tại Hà Nội. Ảnh: Mai Thương
Nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tùng trong vai ông hàng thịt, vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (kịch bản: Lưu Quang Vũ, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama), công diễn hồi tháng 1/2024 tại Hà Nội. Ảnh: Mai Thương

Muốn học tư duy sáng tạo từ kịch câm

- Anh biết đến kịch câm trong hoàn cảnh như thế nào, thưa anh?

- Tôi yêu thích kịch câm từ nhỏ, khi còn là cậu bé 5 tuổi được bố mẹ cho tham gia lớp kịch tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, để bớt nhút nhát. Hồi ấy, tôi cũng thường được xem kịch câm tại Nhà hát Tuổi trẻ, vẫn còn nhớ phong cách diễn xuất của các nghệ sĩ Đào Kế Đoàn, Phúc Dzĩ, Phạm Tiến Dũng. Họ cũng là lớp nghệ sĩ kịch câm duy nhất ở Nhà hát Tuổi trẻ.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sẵn hứng thú với những hình thức mới của kịch, tôi đầu quân về Đoàn kịch Thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ ngay khi vừa thành lập. Ở đây, tôi được tham gia những vở diễn có sử dụng rất nhiều động tác hình thể, gần với kỹ thuật của kịch câm. Cùng thời gian đó, tôi được xem kịch câm của các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam biểu diễn, nhân các liên hoan, giao lưu sân khấu thể nghiệm. Tôi rất hứng thú vì thấy kịch câm hay quá, vô cùng đa dạng, sáng tạo, chứ không chỉ có mấy trò cơ bản như trước đây được xem. Tôi bắt đầu học hỏi về kịch câm từ những người thầy Việt Nam, mua giáo trình, xem băng đĩa ghi hình của nghệ sĩ nước ngoài. Cái tôi muốn học là tư duy sáng tạo được tiết mục kịch câm của riêng mình.

Năm 2014, tôi có cơ may được theo học kịch câm với một nghệ sĩ Nhật Bản từng sang Việt Nam biểu diễn. Dù chỉ là vài buổi học ít ỏi nhưng nó có giá trị cao đối với tôi, giúp tôi học được tư duy sáng tạo của các nghệ sĩ Nhật Bản. Sau khóa học ấy, về nước, cảm thấy mọi thứ trong tôi đã đầy, vậy là tôi quyết tâm làm dự án Kịch câm trở lại vào cuối năm 2014 và vẫn duy trì nó cho đến giờ.

- Năm 2016, trong khi đang làm Phó Trưởng Đoàn Kịch thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ, anh quyết định thôi việc để tập trung phát triển dự án Kịch câm trở lại. Vì sao vậy, thưa anh?

- Tôi theo đuổi kịch câm vì thấy được vẻ đẹp của ngôn ngữ hình thể, không lời mà như nói được ngàn vạn lời... Tôi yêu cái cảm giác một mình với bộ quần áo đen và âm nhạc trên sân khấu, kể chuyện với khán giả chỉ bằng những động tác hình thể. Từ nhỏ, tôi cũng có xu hướng thiên về thể hiện hình thể, thích diễn không lời, luôn tìm những đoạn diễn không lời trong các vở kịch. Cả một thế giới tưởng tượng nằm trong những động tác của diễn viên, chỉ bằng những động tác kỹ thuật mà làm cho những thứ vô hình trở nên hữu hình.

Kịch câm hay như vậy mà biến mất ở Việt Nam thì phí quá. Tôi không đành lòng nên đã làm dự án Kịch câm trở lại.

Kết quả ngoài mong đợi khi nhiều khán giả nhận thấy vẻ đẹp của kịch câm. Họ không ngờ kịch câm hay, hấp dẫn như thế. Trước đó, có người còn nghĩ kịch câm là một thứ cho người câm điếc, hay trò diễn của chú hề xiếc cho trẻ con.

- Nhưng gần đây, dự án của anh có vẻ khá dè dặt?

- Sau những thành công năm 2015 với show đầu tiên, tôi làm tiếp một show nữa vào năm 2016 rồi diễn hai show xen kẽ. Ra hai show xong, tôi thấy mình trống rỗng. Nếu cố nữa thì cũng có thể ra show thứ ba, thứ tư… nhưng tôi muốn chương trình tiếp theo phải mới mẻ, tựa vào một nguồn cảm hứng mới, ý tưởng mới.

Trong lúc chờ đợi, tôi vẫn tiếp tục với kịch câm bằng cách duy trì các buổi trò chuyện, biểu diễn ở quy mô nhỏ hơn, đưa lên kênh truyền thông trực tuyến nội dung một số workshop, tiểu phẩm để mọi người xem. Như hồi dịch Covid-19, tôi cũng làm một tiểu phẩm về những ngày dịch bệnh, hay khi nhạc sĩ Phú Quang mất, tôi cũng cảm xúc mà lấy bài hát Ngọn nến của ông để làm nhạc nền cho tiểu phẩm kể câu chuyện về cuộc đời của một con người, từ khi trai trẻ tới về già và mất đi.

Tôi cứ để cho kịch câm được phát triển tự nhiên trong tôi như chính cách mà nó đã đến với tôi. Thời điểm nó đến, tưởng như không gì ngăn được tôi làm show đưa kịch câm trở lại và liên tục ra show mới. Sự ào ạt ấy là điều rất tự nhiên, và bây giờ là một khúc trầm hơn, cũng là tự nhiên vậy. Khán giả kịch câm của tôi không đông nhưng luôn chờ đợi tôi có những tác phẩm mới và tôi không muốn phụ lòng họ.

Với những nỗ lực bền bỉ cho kịch câm, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tùng vừa được trao giải thưởng thuộc lĩnh vực sân khấu tại dự án Âm thanh tình anh em: Khám phá tài năng sáng tạo, do Quỹ Dàn nhạc trẻ thế giới (World Youth Orchestra Foundation- WYO) của Italia phối hợp Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức.

Tôi theo đuổi vẻ đẹp của ngôn ngữ kịch câm ảnh 1
Nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tùng biểu diễn tại buổi trao giải thưởng, tháng 9/2024. Ảnh: Thúy Hương

Chờ đợi sân khấu trong nước bắt kịp sân khấu thế giới

- Nhưng anh không vui khi được gọi là “nghệ sĩ kịch câm số 1 Việt Nam”?

- Tất nhiên tôi rất biết ơn khi được ghi nhận như vậy, nhưng tôi cũng thường mang câu đó ra tự giễu vui mình. Bởi có ai khác làm kịch câm nữa đâu mà tôi chẳng là số 1?!

Tôi chọn kịch câm vì tôi chỉ thích làm những gì không ai làm. Nhưng tôi mong có nhiều người làm kịch câm cùng tôi. Đừng để một môn nghệ thuật mà chỉ có một người làm. Vì tôi có sáng tạo bao nhiêu, cũng chỉ là một kiểu của tôi. Nghệ thuật rất cần phát triển đa dạng để khán giả được hưởng lợi.

- Tôi thấy, anh không chỉ làm kịch câm mà vẫn tham gia diễn trong các vở kịch thể nghiệm của Lucteam (đoàn kịch của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực) hay mới đây là “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (kịch bản của Lưu Quang Vũ) do đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng, những vở diễn mang đến một thứ sân khấu mới mẻ, kích thích tâm trí người xem trong bối cảnh chung khá cũ kỹ của sân khấu trong nước hiện nay. Anh còn làm nhiều việc khác nữa cho sân khấu, tôi đang đoán vậy.

- Tôi muốn mở rộng năng lực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của mình. Tôi sống cả đời với nghệ thuật kịch và kịch câm là phần quan trọng nhất chứ không phải duy nhất.

Sau khi nghỉ việc ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi có ba năm làm nghệ sĩ tự do, dành nhiều thời gian đi dạy về nghệ thuật. Từ năm 2019 đến nay, tôi giảng dạy môn hình thể tại Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Song song với việc dạy học, làm các workshop kịch câm, tham gia các vở kịch như bạn vừa đề cập, tôi làm giáo dục nghệ thuật cho trẻ em, làm biên kịch và đạo diễn của tất cả các vở nhạc kịch tiếng Anh cho dự án Hanoi Arts for Youth, dùng nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em, phát triển kỹ năng cho học sinh phổ thông. Tôi cũng tham gia một số bộ phim độc lập. Vừa rồi bộ phim ngắn Tẹo của đạo diễn Đồng Công Hiếu mà tôi đảm nhiệm vai chính đã được trao giải Cánh diều bạc, Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2024.

Nhân ý bạn nói về bối cảnh cũ kỹ của sân khấu trong nước lâu nay, tôi lại nghĩ tích cực hơn. Thật ra, lượng khán giả thích sân khấu vẫn đáng kể. Công chúng có nhu cầu ra rạp, đến nhà hát, không chỉ để xem phim, xem kịch, mà còn thể hiện mong muốn được tương tác xã hội, gặp gỡ mọi người, kết nối cộng đồng.

Tôi chờ đợi sân khấu tiệm cận, bắt kịp sự đa dạng, phong phú của sân khấu thế giới.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện chân thành!