Triển vọng tươi sáng của quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ

Trải qua hơn nửa thế kỷ đồng hành, quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ phát triển ngày càng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, cho đến hợp tác phát triển, văn hóa-giáo dục, giao lưu nhân dân. Đây là nền tảng vững chắc và cũng là xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hai nước tiếp tục kết nối, đồng hành, cùng nhau xây dựng tương lai tươi sáng.
0:00 / 0:00
0:00
Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững. (Ảnh ĐẠI SỨ QUÁN THỤY SĨ TẠI VIỆT NAM)
Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam phát triển đô thị bền vững. (Ảnh ĐẠI SỨ QUÁN THỤY SĨ TẠI VIỆT NAM)

Trên chặng đường hợp tác kéo dài hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp khoảng cách địa lý, quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ không ngừng được vun đắp và phát triển.

Theo TTXVN, tại cuộc tọa đàm hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ về thương mại, đầu tư và công nghệ diễn ra tại thành phố Zurich hồi năm 2023, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long nhấn mạnh, sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong bối cảnh quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc, thách thức và cơ hội đan xen, lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ đều mong muốn và thống nhất cần sớm đưa mối quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới.

Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác của Thụy Sĩ. Tháng 3/2021, Thụy Sĩ công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sĩ-Việt Nam giai đoạn 2021-2024 với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khoảng 76 triệu USD.

Hiện nay, vấn đề chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững là một ưu tiên của Việt Nam và cũng là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới, trong đó có Thụy Sĩ. Trong các buổi gặp mặt, tiếp xúc với lãnh đạo Thụy Sĩ, các lãnh đạo Việt Nam đều bày tỏ mong muốn Thụy Sĩ tham gia vào các hình thức hợp tác để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải.

Theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập, Thụy Sĩ có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới và là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Thời gian qua, WEF ngày càng khẳng định uy tín và có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác công-tư, đưa ra những sáng kiến, mô hình mới nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Hội nghị thường niên WEF, diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), là hội nghị quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của WEF hằng năm, thu hút đông đảo sự tham dự của các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước, đại diện các tập đoàn hàng đầu thế giới, chuyên gia và giới truyền thông quốc tế. Hội nghị là nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu, cả chính phủ và doanh nghiệp thảo luận, đưa ra các ý tưởng quan trọng, góp phần định hình xu hướng hợp tác và xử lý những vấn đề toàn cầu.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và WEF được khởi đầu từ năm 1989. Thời gian qua, hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển thực chất, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF.

Tại các hội nghị, Việt Nam luôn thể hiện dấu ấn là một quốc gia năng động, tích cực đề xuất những ý tưởng mới, triển khai những kế hoạch hợp tác thiết thực trong khuôn khổ WEF. Tháng 6/2023, Việt Nam và WEF ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2026, tạo nền tảng để hai bên thắt chặt quan hệ trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, trên cơ sở Biên bản ghi nhớ này, WEF đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách và nâng cao năng lực thích ứng trước các xu thế phát triển mới, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong những vấn đề có lợi ích thiết thực như nông nghiệp thông minh, phát triển các cụm công nghiệp hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các Hội nghị thường niên WEF Davos không chỉ phát đi thông điệp về một đất nước châu Á luôn nỗ lực trở thành đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là điểm thu hút đầu tư với các doanh nghiệp toàn cầu, mà còn khẳng định sự ủng hộ, coi trọng cùng quyết tâm tăng cường hơn nữa mối quan hệ bền chặt với nước chủ nhà Thụy Sĩ.