Trong thông báo mới đây, Moody’s đã nâng xếp hạng tín dụng của Hy Lạp lên 2 bậc, từ mức Ba 3 lên Ba 1 với triển vọng ổn định. Theo Moody’s, tăng trưởng kinh tế trung bình của Hy Lạp trong giai đoạn 2023-2027 dự kiến duy trì ở mức khoảng 2,2%, cải thiện đáng kể so mức 0,8% trong giai đoạn 5 năm trước đại dịch. Nợ công có thể giảm xuống còn khoảng 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào đầu năm 2024, do tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Hy Lạp cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Nước này đã đón hơn 10 triệu khách du lịch trong mùa hè vừa qua, mang lại doanh thu ước tính lên đến hơn 21 tỷ euro. Ngành xây dựng cũng phát triển mạnh do nhu cầu về khách sạn, nhà ở ngày càng tăng.
Từ năm 2010, khi chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công, Hy Lạp đã buộc phải thực thi nhiều cải cách và chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt nhằm đổi lấy sự hỗ trợ tài chính với tổng trị giá lên đến gần 300 tỷ euro. Ðể được giải ngân các gói cứu trợ, Athens đã buộc phải cắt giảm mạnh chi tiêu công, tăng thuế, cải cách hệ thống lương hưu và thị trường lao động...
Năm 2022, EU chính thức kết thúc hơn một thập niên giám sát tăng cường về tài chính đối với Hy Lạp. Vì vậy, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Hy Lạp cho thấy quốc gia này đã dần bước ra khỏi giai đoạn u ám khi bị coi là một “mắt xích yếu” trong EU.
Một trong những lý do quan trọng khiến Moody’s có cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế Hy Lạp là các chính sách tài chính quyết liệt và đáng tin cậy mà Chính phủ Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis triển khai. Trong bài phát biểu thường niên về chính sách kinh tế mới đây, ông Mitsotakis cam kết thúc đẩy cải cách để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, củng cố hệ thống y tế, hỗ trợ người dân mua nhà với giá cả phải chăng, thanh toán các khoản vay cho chủ nợ quốc tế trước thời hạn, mở rộng biện pháp bảo vệ các hộ gia đình trước cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tăng hỗ trợ thuế cho các gia đình có trẻ nhỏ. Nhà lãnh đạo Hy Lạp đồng thời khẳng định quyết tâm duy trì ổn định tài chính để đất nước tránh được nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng vỡ nợ mới trong tương lai.
Bên cạnh nỗ lực của lãnh đạo và người dân Hy Lạp, sự sát cánh của EU có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng phục hồi kinh tế của quốc gia này trong thời gian tới. Bộ Tài chính và Kinh tế quốc gia Hy Lạp cho biết, những hỗ trợ của EU là nền tảng giúp Hy Lạp hiện thực hóa các cải cách cần thiết, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và giải quyết các thách thức mới. Nước này sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính khoảng 55 tỷ euro từ EU trong vòng 4-6 năm tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Moody’s cũng cảnh báo, nền kinh tế Hy Lạp vẫn dễ bị tổn thương do những trụ cột quan trọng là ngành du lịch và đóng tàu có thể bị tác động mạnh bởi các cú sốc bên ngoài. Mặc dù núi nợ công đã giảm bớt song vẫn là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế Hy Lạp. Các ngân hàng của nước này cũng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn mức trung bình của châu Âu.
Ngoài ra, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết, Hy Lạp đang phải trải qua “chiến tranh trong thời bình” do biến đổi khí hậu, khi bị tàn phá bởi những trận hỏa hoạn và lũ lụt nghiêm trọng. Theo ước tính từ Ðài quan sát quốc gia Hy Lạp, diện tích rừng bị đốt cháy trên khắp đất nước trong mùa hè 2023 lớn gấp ba lần mức trung bình hằng năm kể từ năm 2006. Chỉ riêng lũ quét do ảnh hưởng của bão Daniel vừa qua đã khiến nước này mất khoảng 25% sản lượng nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, Athens đang nỗ lực hàn gắn những vết thương do thiên tai mà không gây rủi ro đối với kế hoạch tài khóa của chính phủ.
Giới phân tích nhận định, mặc dù còn đối mặt nhiều khó khăn, song những bước tiến nêu trên đã cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế Hy Lạp, mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước sau khi trải qua một thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” đầy khó khăn.