Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam cần thận trọng trong sản xuất, xuất khẩu do dự báo giá thép có sự điều chỉnh giảm khi cung-cầu trên thế giới trở nên cân bằng hơn; cũng như sẽ phải đối diện ngày càng nhiều với rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại do xu thế bảo hộ đang gia tăng trên thế giới.
Động lực cho phát triển
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, nhưng ngành thép Việt Nam được đánh giá vẫn có bước tăng trưởng tốt. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây cho thấy, trong năm 2021, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021. Theo đó, sản xuất thép thô đạt khoảng 23 triệu tấn, tăng 16%; sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 33 triệu tấn, tăng 19% và bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 29 triệu tấn, tăng 16% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, với một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi, đã mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành thép khi thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao. Theo đó, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 14 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm đến hơn 30 quốc gia khu vực và thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 12,7 tỷ USD, đóng góp lớn nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Ðây cũng là lần đầu xuất khẩu sản phẩm thép đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD, tạo động lực cho ngành thép trong năm 2022 có điều kiện duy trì tốc độ tăng trưởng thặng dư thương mại của nhóm mặt hàng này. Kết quả này nhờ vào công suất sản xuất trong nước tăng trong những năm gần đây, nhất là nhờ Nhà máy thép Dung Quất của Hòa Phát đạt 5,5 triệu tấn/năm, đã giúp Việt Nam trở nên ít phụ thuộc vào nhập khẩu bán thành phẩm thép từ Trung Quốc.
Yếu tố chủ yếu giúp kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng đột biến là giá thép. Trong năm 2021 vừa qua, giá thép trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh, nhất là từ quý II/2021 do nhu cầu phục hồi và nguồn cung bị gián đoạn ở cả thép thành phẩm và nguyên liệu thô, qua đó giúp doanh thu tăng trưởng mạnh và biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho thấy, trong tháng 12, Hòa Phát đã đạt sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 800 nghìn tấn, tăng 14%; cả năm 2021 đạt hơn 8,8 triệu tấn thép, tăng 35% so cùng kỳ. Dự báo mức lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát năm 2021 ước tăng 173% đạt 36.900 tỷ đồng. Ðáng chú ý, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), năm 2021 doanh thu thuần đạt gần 12.858 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2020, với khoản lãi gộp hơn 788 tỷ đồng, tăng 66%. TISCO báo lợi nhuận trước thuế đạt hơn 157 tỷ đồng, tăng 13,6 lần so với năm 2020. Với kết quả nêu trên, TISCO vượt mục tiêu lợi nhuận 49 tỷ đồng đề ra trong năm 2021 với mức tăng hơn 221%.
Kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép ở những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia nhận định ngành thép sẽ còn có triển vọng tích cực trong năm 2022 khi có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Bằng việc bổ sung gói kích thích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tối đa gần 114 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp ngành thép được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trong năm 2022 khi nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan để có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, với những sự điều chỉnh về Luật Xây dựng, đầu tư và bất động sản sẽ giúp tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản trong những năm gần đây. Ðồng thời, chi tiêu cho đầu tư công của Việt Nam trong năm 2022 có thể tăng 38%, từ đó giúp thị trường thép trong nước sẽ tăng trưởng từ 15% đến 20%.
Ðể nắm bắt tốt cơ hội, các doanh nghiệp ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, thể hiện tốt năng lực cạnh tranh thông qua việc cơ cấu lại sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cho việc phát triển lâu dài. Song, cũng cần cẩn trọng với một số lo ngại liên quan các vấn đề về phòng vệ thương mại khi hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam đang ngày một tăng, trở thành quốc gia xuất khẩu sản lượng lớn nhất Ðông Nam Á. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nâng cao năng lực, thực hiện công khai, minh bạch trong quản trị để hạn chế thấp nhất những nguyên cớ các nước mở điều tra phòng vệ thương mại. Tập trung cải thiện năng lực pháp lý, nguồn lực tài chính, minh bạch hơn nữa hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế để khi có yêu cầu về kiểm tra, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động chứng minh sự minh bạch của sản phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Ða cho rằng, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Việc huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022. Các chính sách khuyến khích đầu tư nêu trên sẽ tạo động lực cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất thép trong năm 2022, giúp các doanh nghiệp ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần thêm những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiệt hại.