Triển vọng mở rộng BRICS

NDO -

Nhóm năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã khởi động tiến trình chuẩn bị liên quan việc mở rộng khối. Các cuộc thảo luận về các ứng cử viên mới đã bắt đầu, song theo các chuyên gia, để BRICS thêm thành viên, khối vẫn còn nhiều việc cần làm và cần đạt đồng thuận về nhiều ý tưởng mới.

Nhiều nước xin gia nhập BRICS. (Ảnh: TASS)
Nhiều nước xin gia nhập BRICS. (Ảnh: TASS)

Argentina và Iran mới đây đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Trong tuyên bố bày tỏ mong muốn đưa đất nước trở thành thành viên của khối, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez nhấn mạnh, BRICS chiếm tới 42% dân số thế giới và 24% tổng sản phẩm toàn cầu. Argentina quan tâm việc thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các nước BRICS và sẵn sàng trở thành một nhà cung cấp thực phẩm đáng tin cậy.  

Theo các chuyên gia kinh tế, các nước BRICS và Argentina có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, bao gồm dược phẩm. Về lâu dài, Argentina cũng có thể trở thành nhà cung cấp năng lượng, nhưng trước hết, quốc gia này cần các khoản đầu tư.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết, nước này đã trình đơn xin gia nhập BRICS. Quan chức trên khẳng định, việc Iran trở thành thành viên BRICS sẽ mang lại giá trị gia tăng cho cho tất cả các thành viên trong nhóm.

Ngoài Argentina và Iran, một số quốc gia khác cũng được đề cập trong các cuộc thảo luận của BRICS liên quan việc mở rộng khối. TASS dẫn nguồn báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung cho biết, trong số các quốc gia có mong muốn gia nhập BRICS, còn có Ai Cập và Indonesia.

Nga và Trung Quốc ủng hộ xu hướng mở rộng BRICS. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ, những cuộc tham vấn quy mô lớn trong khối là cần thiết. Lý do là các nước thành viên BRICS cần nắm rõ các thông số cơ bản của việc mở rộng khối, và đây là quá trình không đơn giản.

Trong khi đó, trợ lý Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov chỉ ra rằng, cần xác định các thủ tục và yêu cầu đối với các ứng cử viên tiềm năng, cũng như tìm ra một định dạng kết nối các quốc gia đó với BRICS thông qua tư cách quan sát viên. Moskva đã đưa ra ý kiến về tiến trình này, và cần thảo luận với các quốc gia thành viên khác để quyết định.

Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, các nước BRICS đã tăng cường hợp tác và tìm kiếm giải pháp khắc phục khó khăn. Đơn cử, trong ba tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại của Nga với các quốc gia BRICS đã tăng 38%, lên 45 tỷ USD. Lãnh đạo Bộ Phát triển kinh tế Nga kêu gọi BRICS hợp tác sâu rộng hơn trong trao đổi công nghệ, đồng thời khẳng định, số hóa hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế BRICS.

Theo các chuyên gia, để tăng tương tác trong khuôn khổ BRICS, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tích hợp các hệ thống tài chính trong khối. Ngân hàng Trung ương Nga đã mở hệ thống nhắn tin tài chính cho các nước BRICS. Đại diện Bộ Phát triển kinh tế Nga nhấn mạnh, điều này cho phép duy trì và tăng khối lượng thương mại điện tử trong khuôn khổ BRICS. Các quốc gia BRICS cũng đang nghiên cứu tạo ra một loại tiền dự trữ quốc tế mới, dựa trên các đồng tiền của khối. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiến trình này có thể mất hàng chục năm.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, “chìa khóa” trong quyết định kết nạp thêm thành viên của BRICS là bảo đảm hợp tác hiệu quả hơn nữa và tăng hiệu suất thực tế từ công việc của BRICS. Sự đồng thuận của các nước thành viên hiện tại của khối sẽ quyết định quốc gia nào và thời điểm nào gia nhập BRICS.