Dòng tiền đầu tư đến thị trường cũng gia tăng mạnh mẽ thể hiện qua giá trị giao dịch đạt hơn 4.700 tỷ đồng, tăng đến hơn 40% so với ngày trước đó và là mức cao nhất trong gần 3 tuần trở lại đây.
Giá dầu phục hồi nhờ bức tranh tiêu thụ và kỳ vọng FED ngừng chu kỳ tăng lãi suất
Thị trường dầu trải qua một phiên giao dịch đầy giằng co trước khi lấy lại sắc xanh. Kết thúc ngày 31/1, giá dầu thô WTI tăng 1,25% lên 78,87 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,22% lên 85,53 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong phiên sáng bất chấp các số liệu kinh tế đầy tích cực của Trung Quốc, nhà nhập khẩu số một thế giới. Cụ thể, chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất tăng lên lần lượt 50,1 và 54,4 điểm. Đáng chú ý, các chỉ số đều vượt kỳ vọng và quay trở lại mức 50 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022, phản ánh sự hồi phục tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
Sau đó, giá dầu lấy lại đà tăng khi thị trường dần hấp thụ tin tức này, cộng với sự suy yếu của đồng USD, với chỉ số Dollar Index giảm về 102,1 điểm. Các nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế cho thấy lạm phát đã đã được kiểm soát và sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới. Chi phí nắm giữ và kinh doanh dầu thô giảm đã thúc đẩy sức mua với thị trường dầu.
Bên cạnh đó, các đại biểu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã khuyến nghị giữ mức sản lượng không đổi trong cuộc họp kết thúc vào hôm nay. Nhiều thành viên vẫn không thể đạt được các hạn ngạch đã đề ra, ngay cả khi OPEC đã cắt giảm sản lượng.
Nguồn cung không gia tăng trong khi triển vọng tiêu thụ sáng sủa cũng phần nào mang lại sự hỗ trợ với thị trường dầu. S&P Platts dự kiến nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu bay của Trung Quốc sẽ tăng lần lượt 7%, 4% và 38%. Vì thế khi mức tiêu dùng nội địa Trung Quốc phục hồi, Bắc Kinh có thể sẽ hạn chế xuất khẩu sản phẩm để tránh lạm phát nhiên liệu.
Tính bất ổn của thị trường vẫn còn, khi Nga sẽ phải đối mặt với lệnh cấm vận các sản phẩm lọc dầu. Nga là thành viên chủ chốt của liên minh OPEC+ và hiện là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Sẽ không dễ dàng để EU thay thế nguồn cung lên tới 600.000 thùng mỗi ngày.
Trong sáng nay, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô tuần kết thúc ngày 27/1 của Mỹ tăng 6,3 triệu thùng, và cũng là tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Tồn kho nhiên liệu chưng cất và xăng tăng lần lượt 1,5 và 2,7 triệu thùng. Việc dự trữ dầu thô và các sản phẩm lọc dầu tăng vượt kỳ vọng có thể sẽ khiến cho sức ép bán quay trở lại thị trường trong sáng nay.
Giá cà-phê giá Arabica chạm mức cao nhất trong 3 tháng
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tháng 1, ngày 31/1, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi Arabica có phiên tăng mạnh nhất trong hơn 6 tháng.
Arabica nối dài đà tăng sang phiên thứ 8 liên tiếp và chạm mức cao nhất trong hơn 3 tháng trở lại đây nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tích cực hơn trong thời gian tới. Mới đây Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 2,9%, cao hơn 0,2% so với dự đoán trước, điều này giúp thị trường có cái nhìn tích cực hơn đối với nhu cầu tiêu thụ cà-phê, mặt hàng phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của các nền kinh tế. Hơn nữa, số liệu tăng trưởng trong quý IV/2022 của Mỹ đạt 2,9%, cao hơn mức dự đoán 2,6% của các chuyên gia, cũng như số liệu PMI tăng từ 47 vào tháng 12/2022 lên 50,1 vào tháng 1/2023 của Trung Quốc càng củng cố cho kỳ vọng tiêu thụ sẽ hồi phục mạnh mẽ, từ đó hỗ trợ giá bật tăng gần 7% trong phiên hôm qua.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ trước đó, giá Robusta đã nhanh chóng trở lại đà tăng vào phiên hôm qua với mức tăng 3,44% khi lực bán từ phía nông dân Việt Nam vẫn còn khá yếu. Theo các chuyên gia nhận định, mức trừ lùi của cà-phê xuất khẩu Việt Nam đang ở mức khá cao đã làm hạn chế nhu cầu đẩy hàng ra ngoài của nông dân nước này. Lực bán thấp trong khi Việt Nam đang là quốc gia cung ứng hàng đầu tại thời điểm này đã dấy lên lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá Robusta bật tăng trở lại.
Giá đường 11 cũng ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp trong tuần, giá giao dịch chạm mức 21,76 cents, cao nhất trong 6 năm qua do những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung.
Theo hiệp hội các nhà máy sản xuất đường tại Ấn Độ (ISMA), sản lượng đường trong niên vụ 2022/23 tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất lớn thứ 2 thế giới dự báo sẽ giảm 7% so với kỳ vọng trước đó, xuống còn 34 triệu tấn do ảnh hưởng tiêu cực từ mưa lớn khiến hoạt động sản xuất gián đoạn.
Cùng với đó, công ty phân tích Green Pool mới đây đã đưa ra dự báo sản lượng đường toàn cầu sẽ rơi vào mức thâm hụt 1,01 triệu bao, chấm dứt chuỗi thặng dư 3 niên vụ liên tiếp, điều này càng củng cố cho những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, từ đó tạo đà giúp giá bật tăng.
Cũng chung đà tăng với đa phần các mặt hàng trong nhóm, bông ghi nhận mức tăng 1,32% trong phiên hôm qua. Sự tích cực trong hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 1 giúp thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ bông từ quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới sẽ trở nên tích cực hơn, từ đó góp phần hỗ trợ giá. Bên cạnh đấy, Dollar Index suy yếu, khiến giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữa các tiền tệ khác trên thị trường, từ đó kích thích lực mua trên thị trường và tạo đà giúp giá tăng.
Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ quay đầu yếu trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Malaysia có dấu hiệu chững lại. Theo Amspec Agri, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong tháng 1 của Malaysia chỉ đạt 1,06 triệu tấn, giảm tới 26,82% so với tháng trước. Trong khi đó, công ty Intertek Testing Services cho biết Malaysia đã xuất khẩu 1,13 triệu tấn sản phẩm dầu cọ trong tháng này, giảm 27% so với tháng 12/2022.
Điều này phản ánh nhu cầu đối với dầu cọ trên thị trường quốc tế đang ở mức thấp, dấy lên lo ngại về triển vọng xuất khẩu trong ngắn hạn của Malaysia và đã gây áp lực lớn lên giá dầu cọ trong phiên hôm nay.
Giá đóng cửa phiên với mức giảm hơn 3%, qua đó kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.
Thị trường cà-phê được dự báo đứng trước nhiều thách thức
Tuy nhiên, theo MXV, trong giai đoạn tới, thị trường cà-phê vẫn sẽ còn đối diện với nhiều thách thức. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), xuất khẩu cà-phê trong tháng 1/2023 của nước ta ước tính đạt 160.000 tấn, giảm gần 31% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước tính rơi vào khoảng 352 triệu USD, giảm gần 30% so cùng kỳ năm ngoái.
Sau năm 2022 với xuất khẩu và kim ngạch đạt mức kỷ lục, 2023 được dự đoán sẽ là năm khá khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu khi sản lượng được dự đoán có phần suy yếu do ảnh hưởng xấu từ thời tiết và nhu cầu tiêu thụ có thể sẽ giảm nhẹ trước những lo ngại về suy thoái kinh tế tại các thị trường tiêu thụ lớn.